Theo TS Nguyễn Xuân Trường, Trưởng Khoa Cơ-Điện (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), chương trình đào tạo người học sẽ được đào tạo chuyên sâu về các kỹ thuật điều khiển và hệ thống tự động với các học phần như: Chip bán dẫn trí tuệ nhân tạo; IoT và ứng dụng, cảm biến thông minh; Xây dựng mạng trong hệ thống điều khiển; Quản lý dữ liệu bằng công nghệ không dây; Hệ thống điều khiển trên công nghệ bán dẫn…
Sinh viên được tiếp cận phương pháp và kỹ thuật được sử dụng trong các hệ thống điều khiển tự động, nghiên cứu các thuật toán điều khiển hiện đại; sử dụng các bộ điều khiển, cơ cấu chấp hành kết nối lại tạo thành một hệ thống nhằm mục đích tự động hóa các quy trình công nghệ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.
TS Nguyễn Xuân Trường cho hay, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên được trang bị thêm nhiều kỹ năng để có thể đáp ứng ngay được nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo đó, sinh viên được trang bị kỹ năng lập trình cho các thiết bị điều khiển trong công nông nghiệp như: các bộ vi điều khiển, PLC, các thiết bị cảm biến và thu thập dữ liệu.
Cùng với đó là kỹ năng lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và giải quyết các vấn đề của hệ thống điện và tự động hoá; điều tra, thu thập, xử lý và phân tích thông tin phục vụ nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất; tư vấn về kỹ thuật và công nghệ trong các dây chuyền sản xuất.
Là một trong những ngành “hot” nên Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa là lựa chọn đầu tiên của những sinh viên đam mê kỹ thuật tại Học viện nông nghiệp Việt Nam. Hàng năm, Học viện nhận được nhiều thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Sinh viên ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa ra trường đi làm với mức thu nhập hấp dẫn. Mức lương khởi điểm tương đối cao, dao động từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng.
“Tuy nhiên, số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường còn ít, chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của các nhà tuyển dụng” - TS Nguyễn Xuân Trường cho hay.
Trong xu thế hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự xuất hiện các khu công nghệ cao, khu công nghiệp hiện đại với các nhà máy được tự động hóa hoàn toàn đã làm tăng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực trong lĩnh vực điều khiển và tự động hóa.
Theo thống kê của Tổng cục thống kê, cả nước có khoảng 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, nhu cầu nhân lực công nghệ cao thuộc ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa tăng rất nhanh.
Ngoài ra, trong xu thế chung, nền công nghiệp Việt Nam đang chuyển tỉ trọng 70% sang phát triển công nghiệp tự động hóa cho nên sự thiếu hụt các kỹ sư quản lý và nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài ngày càng trầm trọng hơn. Đây là cơ hội việc làm rất lớn cho các bạn sinh viên mới ra trường hoặc đang theo học.
TS Nguyễn Xuân Trường chia sẻ, kỹ sư Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có thể đảm đương rất nhiều vị trí công việc khác nhau: Cán bộ kỹ thuật trong phòng giám sát, điều khiển trung tâm; phòng công nghệ tự động điều khiển các dây chuyền sản xuất tự động trong các nhà máy;
Cán bộ quản lý, vận hành bảo trì các hệ thống tay máy công nghiệp, robot công nghiệp trong các dây chuyền sản xuất tự động như: Lắp ráp ô tô, robot hàn tự động, robot lắp ráp linh kiện điện tử…;
Cán bộ kinh doanh, tư vấn kỹ thuật cho các nhà cung cấp dịch vụ và phát triển sản phẩm lĩnh vực điều khiển và tự động hoá trong và ngoài nước; Cán bộ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực điều khiển và tự động hoá.
“Với cơ sở vật chất khang trang hiện tại, đội ngũ giảng viên có trình độ cao, chúng tôi tự hào mang đến cho sinh viên môi trường học tập hiện đại, năng động, chuyên nghiệp và thân thiện” - TS Nguyễn Xuân Trường quả quyết và mong muốn thí sinh lựa chọn đăng ký theo học ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Học viện thường xuyên kết hợp với các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực tự động hóa như: Tập đoàn Cannon, Tập đoàn Bosch (Đức), Công ty Samsung Vinal… để tổ chức các buổi hội thảo chuyên ngành và tham quan thực tế cho sinh viên.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa luôn có thu nhập cao, cơ hội thăng tiến lớn và nhất là không bao giờ bị thất nghiệp ở hiện tại và trong cả tương lai.
Kết nối doanh nghiệp là hoạt động được Học viện Nông nghiệp Việt Nam ưu tiên thúc đẩy. Học viện đã hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp (Công ty CP Tập đoàn Pan Group, Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty CP CodeLovers Việt Nam, Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty CP Thực phẩm Đồng Giao, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Sunjin Việt Nam,…) trong đào tạo, thực hành, thực tập cũng như tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp.
Hàng năm, Học viện tổ chức Ngày hội việc làm với sự tham gia của từ 60 đến 100 doanh nghiệp, giải quyết nhu cầu thực tập tốt nghiệp, việc làm cho từ 4.000 đến 5.000 sinh viên.
Theo kết quả khảo sát, trên 97% sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp hoặc tự khởi nghiệp. https://daotao.vnua.edu.vn/xettuyen và https://tuyensinh.vnua.edu.vn.
Tác giả bài viết: Hải Minh
Ý kiến bạn đọc