Hành trang vào đại học: Coi chừng 'đứt gánh'

Thứ hai - 29/07/2024 23:21 37 0
Nếu không thích nghi với phương pháp mới, các em dễ bị tụt lại phía sau, thậm chí sinh ra chán nản, “đứt gánh giữa đường”.Khác biệt lớnTheo PGS.TS Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, mỗi bậc học có những mục tiêu học tập khác nhau. Bậc phổ thông...
Hành trang vào đại học: Coi chừng 'đứt gánh'

Nếu không thích nghi với phương pháp mới, các em dễ bị tụt lại phía sau, thậm chí sinh ra chán nản, “đứt gánh giữa đường”.

Khác biệt lớn

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, mỗi bậc học có những mục tiêu học tập khác nhau. Bậc phổ thông cung cấp kiến thức cơ bản về tất cả khía cạnh của văn hóa, khoa học một cách tổng quát. Học sinh được sắp xếp kế hoạch học tập từ nhà trường và gia đình. Ngược lại, sinh viên đại học phải chủ động sắp xếp, quản lý thời gian để phù hợp các hoạt động trong cuộc sống. Đại học hướng tới cung cấp kiến thức chuyên nghiệp gắn với nghề nghiệp, công việc mà sinh viên sẽ đảm nhận trong tương lai.

Phương pháp học tập của sinh viên và học sinh có nhiều khác biệt. Ở đại học sẽ áp dụng các phương pháp giảng dạy mang tính chủ động, tạo cho người học khả năng khám phá, tìm tòi và phát triển bản thân như làm việc nhóm, thực hành và thực tập giải quyết vấn đề thay vì những phương pháp truyền thống như thuyết giảng, đọc hiểu một chiều.

“Thực tế nhiều em bị ‘sốc’ khi bước chân vào đại học và không thích ứng việc tự học, thi cử không giống lý thuyết trong sách và bị rớt môn. Nhưng, hầu hết sinh viên sẽ thích ứng nhanh và thích thú bởi trường đại học tạo cơ hội bộc lộ những đam mê yêu thích ngành học”, PGS Thụy nói.

Có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại giảng đường đại học, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Truyền thông, Trường Đại học Quốc tế kiêm giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM dẫn chứng, có không ít sinh viên háo hức bước chân vào đại học nhưng chỉ sau vài tháng cảm thấy mình bị “bỏ rơi”. Các em chới với, mất phương hướng và đôi khi mất niềm tin vào bản thân. Thầy cô không cắt nghĩa quá nhiều chi tiết trong bài giảng và luôn yêu cầu sinh viên phải biết tự đọc sách, nghiên cứu, trả lời hàng trăm câu hỏi, thậm chí phải biết đánh giá những hoạt động của mình.

Theo thống kê từ các trường đại học, tỷ lệ sinh viên bị cảnh báo học vụ và buộc thôi học (vì kết quả học tập kém) hằng năm khá cao, từ 10 - 30% tùy trường. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, nguyên nhân chủ yếu vì sinh viên không thể thích ứng với sự thay đổi đột ngột về hệ sinh thái học tập ở đại học.

Kiến thức các lĩnh vực tăng quá nhanh do cuộc cách mạng công nghiệp cộng với sự phát triển của công nghệ dạy học mới, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng lớp học đảo ngược. Điều đó đòi hỏi sinh viên ngày nay chủ yếu phải tự học qua các bài giảng online và đến trường làm việc theo nhóm để phát triển các dự án.

Theo ông Dũng, phương pháp kiểm tra đánh giá cũng hoàn toàn khác vì giảng viên đánh giá theo quá trình (nhằm ép sinh viên tự học) khiến hạn nộp các bài tập, tiểu luận, dự án, báo cáo dày đặc. Do không thích ứng kịp thời với môi trường, phương pháp dạy và học mới cũng như áp lực, tải trọng học tập, nhiều sinh viên không có kết quả học tập tốt đã bị buộc thôi học.

“Bên cạnh đó, sinh viên ngày nay bị cuốn hút vào các mạng xã hội nên không đầu tư thời gian cho việc tự học. Một yếu tố cũng ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ thôi học của sinh viên là năng lực ngoại ngữ yếu. Ngay từ năm thứ nhất, nhiều trường bắt sinh viên học theo tài liệu hoàn toàn bằng tiếng Anh nên các em lúng túng”, ông Dũng nói thêm.

Dai hoc dung hoc dai – hinh 2.jpg
ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc giảng dạy tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: B.N

Học thế nào khi vào đại học?

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụy, để đảm bảo được kết quả học tập tốt ở trường đại học, học sinh THPT hãy chuẩn bị cho mình tâm thế tốt và động lực học tập mạnh mẽ. Điều quan trọng nhất là lập kế hoạch học tập phù hợp với thời gian học, phân chia công việc ngắn và dài hạn để tốt nghiệp. Cố gắng phân tích hiểu sâu vấn đề nhằm áp dụng vào các bài tập, tình huống thay vì chỉ ghi nhớ kiến thức.

Ông Thụy nói, mỗi chương trình đào tạo, sinh viên sẽ học nhiều môn học khác nhau và có các bài tập tương ứng. Do vậy, người học cần có phương pháp chủ động, kết nối, xây dựng mối quan hệ rộng rãi với bạn học để có sự trải nghiệm, thích ứng, linh hoạt trong quá trình làm việc nhóm.

ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, để vượt qua những cơn “sốc” khi vào đại học và học hiệu quả, trước hết sinh viên cần xác định được mục tiêu cụ thể để làm động lực cho việc học, sau đó đặt thời hạn hoàn thành. Khi đặt xong mục tiêu cần dồn sức, tâm trí, thời gian cho việc hoàn thành mục tiêu đó. Có thể tham khảo thầy cô và anh chị khóa trên để tự tạo ra thời gian biểu cho mình và quan trọng nhất phải có tính kỷ luật cao, tuân thủ theo lịch trình đã sắp xếp.

Việc học đại học được ThS Bích Ngọc đúc kết từ các sinh viên có thành tích xuất sắc ở đại học và sau đại học ở khắp nơi trên thế giới, gói gọn trong bốn chữ “H”. Cụ thể, “Học” - bắt đầu bằng việc đọc sách và nghe giảng lý thuyết, mô hình, nguyên tắc cơ bản.

Sinh viên sẽ thu về 10% nền tảng của năng lực nhưng nếu chỉ đọc sách và nghe giảng, nhiều khả năng 50% kiến thức sẽ đi mất. “Hỏi” - tìm đến những người có kinh nghiệm để hỏi, sinh viên sẽ tăng thêm 20% năng lực. “Hành” - thực hành giúp sinh viên tích lũy dần 70% còn lại của năng lực.

Hiện nhiều doanh nghiệp sẵn lòng cung cấp cơ hội thực tập cho sinh viên từ năm thứ hai, ba, như chương trình cộng tác viên; thực tập sinh; chương trình quản trị viên tập sự. Và cuối cùng là “Huấn” - khi giảng giải lại cho bạn học hoặc sinh viên khóa dưới, các bạn sẽ phải nằm lòng ba chữ “H” đầu và tự tìm tòi thêm. Việc này sẽ đóng góp cùng với “Hành” vào 70% năng lực.

Theo ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc, học đại học, sinh viên sẽ không trả bài miệng, kiểm tra 15 phút hay 45 phút như thời học sinh. Một môn chỉ có 2 lần thi vào giữa và cuối kỳ. Nếu sơ sẩy, không tập trung học chỉ có cách đóng tiền học lại.

Tác giả bài viết: Cẩm Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập639
  • Hôm nay46,559
  • Tháng hiện tại324,689
  • Tổng lượt truy cập51,680,648
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944