Nhà trường, giáo viên khi xây dựng kế hoạch giáo dục cần lưu ý để triển khai tốt nhất năm học có vị trí đặc biệt này.
Từ 4/8, học sinh Trường THCS - THPT Trưng Vương (tỉnh Vĩnh Long) đến trường tập trung, chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025. Theo thầy Hiệu trưởng Võ Tấn Phát, trong ngày này, nhà trường tiến hành tuyên truyền, phổ biến phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025; giáo viên chủ nhiệm tư vấn lựa chọn môn thi cho học sinh của lớp.
Vào tuần thứ hai tháng 8/2024, ban giám hiệu tổ chức giao lưu, tư vấn trực tiếp giữa học sinh với các thầy cô là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, giáo viên cốt cán về định hướng nghề nghiệp.
Tuần tiếp theo, học sinh sẽ đăng ký môn tự chọn dự định thi tốt nghiệp THPT. Trên cơ sở đó, ban giám hiệu tiến hành xếp lớp phù hợp với môn đăng ký và trình độ, năng lực học sinh. Giáo viên được lựa chọn giảng dạy lớp 12 là người có nhiều kinh nghiệm, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết.
Thầy cô được yêu cầu tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả, nhất là các em hoàn cảnh khó khăn từ đầu năm học. Riêng kế hoạch, phương án ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được xây dựng ngay sau kết thúc học kỳ I để có thời gian đầu tư, nghiên cứu phương pháp, biên soạn tài liệu, ôn tập cho phù hợp.
Khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch giáo dục với giáo viên, nhà trường, thầy Võ Tấn Phát cho rằng: Năm học 2024 - 2025 tất cả khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Để tổ chức dạy học hiệu quả, kế hoạch giáo dục của nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên phải thay đổi đồng bộ, nhất quán. Các kế hoạch giáo dục tập trung tối đa vào tổ chức hoạt động giảng dạy, ngoại khoá nhằm phát huy phẩm chất, năng lực học sinh.
Muốn được như vậy, các tổ chuyên môn cần tập trung chỉ đạo giáo viên tích cực nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, đặc biệt với lớp 12 là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới.
“Ngay đầu năm học, ban giám hiệu sẽ chỉ đạo các tổ bộ môn xây dựng ngân hàng câu hỏi phát triển năng lực học sinh theo 4 mức độ nhận thức, phù hợp với trình độ và năng lực học sinh nhà trường. Giáo viên tập trung nghiên cứu các trang thiết bị thực hành, thí nghiệm, đồ dùng dạy học vừa được cấp trong tuần cuối tháng 8, đầu tháng 9 để am hiểu, vận hành linh hoạt, phục vụ hiệu quả việc soạn giảng.
Các tổ chuyên môn tổ chức sơ kết học kỳ I của năm học 2024 - 2025 thật sâu sát, cụ thể, rút ra bài học kinh nghiệm để từ đó điều chỉnh kế hoạch giáo dục, phương pháp dạy học phù hợp; từ đó nâng cao chất lượng giáo dục”, thầy Võ Tấn Phát chia sẻ.
Trường THPT Trần Quang Khải (tỉnh Hưng Yên) đã và đang có những giải pháp hiệu quả, kịp thời để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà - giáo viên môn Ngoại ngữ cho biết, ngay trong hè, ban giám hiệu đã chỉ đạo, khích lệ giáo viên thường xuyên trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của Bộ/sở GD&ĐT. Đặc biệt, giáo viên cần hiểu, nắm chắc cấu trúc, ma trận đề thi tốt nghiệp đã được Bộ GD&ĐT công bố.
Từ đầu tháng 8, các tổ nhóm tổ chức sinh hoạt chuyên môn về xây dựng kế hoạch dạy học với lớp 12. Theo đó thống nhất kế hoạch cần làm nổi bật mục tiêu bài dạy, những kiến thức, kỹ năng và phẩm chất cần đạt; chú trọng nội dung liên quan đến bài thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Xây dựng ngân hàng bài tập, câu hỏi theo từng đơn vị bài học cũng được lên kế hoạch.
Ngân hàng đề bảo đảm đúng, đủ các dạng thức câu hỏi theo định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; nội dung câu hỏi trải đều 3 năm lớp 10, 11, 12 và theo đặc trưng từng môn học. Ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên nắm bắt kịp thời tình hình học tập từng học sinh, từ đó hướng dẫn các em lựa chọn môn thi phù hợp, hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Viết Huy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Thái Bình, với đặc thù năm học 2024 - 2025, kế hoạch giáo dục của nhà trường cần được xây dựng dựa trên sự rà soát kỹ điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; trên cơ sở nghiên cứu phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 và các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy của các trường ĐH; từ đó xây dựng tổ hợp môn học phù hợp.
Nhà trường cần tư vấn cho phụ huynh và học sinh lớp 10 từ sớm, chuẩn bị chu đáo cho học sinh lớp 12 lần đầu tiên thi theo định dạng đề thi mới. Các hoạt động giáo dục khác cũng phải được quan tâm, có kế hoạch thực hiện phù hợp và đồng bộ với chương trình các môn học, bảo đảm tính hiệu quả, tránh xáo trộn khi phải bổ sung thêm trong năm học.
Với giáo viên, cần rà soát, phân loại chi tiết các thiết bị dạy học của môn học; có kế hoạch thời gian sử dụng hiệu quả trong bài học, tránh chồng chéo, trùng lặp, không sử dụng được khi các thiết bị dạy học có một số bộ phận dùng chung cho nhiều khối lớp.
Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch bài dạy đi vào thực chất, tránh hình thức khi tổ chức thực hiện. Việc xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá định kỳ phải bảo đảm có các cấp độ năng lực, tư duy khác nhau theo định dạng đề thi mới.
Trong đó chú ý việc học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết các bài toán thực tiễn. Đặc biệt, đối với học sinh lớp 12 cần xây dựng kế hoạch tổ chức các kỳ khảo sát ở cuối năm học để làm quen với định dạng đề thi mới từ 2025.
Ông Nguyễn Minh Nhiên - Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Bắc Ninh thì lưu ý, các nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình môn học bảo đảm thời lượng quy định và bố trí dạy học trong mỗi học kỳ hợp lý, khoa học, thời gian dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường.
Nội dung chương trình, sách giáo khoa trong Chương trình GDPT 2018 rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến việc hoàn thành chương trình và tham gia thi tốt nghiệp THPT của học sinh.
Do đó, mỗi giáo viên cần nắm chắc yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, nội dung từng chủ đề/bài học, cấu trúc đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Đối với những môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025, cần dựa trên lựa chọn môn thi của học sinh để phân nhóm đối tượng, xây dựng kế hoạch giáo dục của giáo viên và kế hoạch bài dạy phù hợp với năng lực người học.
Để các kế hoạch giáo dục khả thi, có hiệu quả thực chất khi tổ chức thực hiện, cán bộ quản lý, giáo viên cần đầu tư công sức, trí tuệ và tâm huyết; phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tập hợp trí tuệ tập thể trong trường học - ông Nguyễn Viết Huy
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn
Ý kiến bạn đọc