Bày tỏ vui mừng đến thăm và làm việc tại Bộ GD&ĐT, ông Nicolas Mainetti - thông tin: Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) là một tổ chức phi chính phủ được thành lập từ năm 1961. Hiện nay mạng lưới trường đại học thành viên của Tổ chức gồm hơn 1000 cơ sở đào tạo thuộc 119 quốc gia trên thế giới.
Mục đích và sứ mạng của Tổ chức Đại học Pháp ngữ là kết nối các đại học, trường đại học có sử dụng tiếng Pháp trong đào tạo trên khắp thế giới, nhằm hình thành một cộng đồng Pháp ngữ trong lĩnh vực giáo dục đại học vì sự phát triển bền vững và đoàn kết, trong đó đề cao việc tôn trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội ở các nơi mà Tổ chức Đại học Pháp ngữ có mặt.
Văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (DRAP- AUF) được thành lập tại Hà Nội từ năm 1993, điều hành mạng lưới 87 thành viên ở 12 nước trong khu vực. Tại Việt Nam, đã có 47 trường đại học của Việt Nam là thành viên Tổ chức Đại học Pháp ngữ.
DRAP- AUF tập trung các hoạt động liên quan đến các chủ đề quan trọng trong cộng đồng Pháp ngữ như: Tạo cơ hội việc làm và hội nhập chuyên môn; hỗ trợ các chương trình đào tạo nguồn nhân lực và củng cố bộ môn tiếng Pháp ở các trường đại học; hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình đào tạo hỗn hợp từ một mô hình đào tạo truyền thống có sẵn; hỗ trợ giảng dạy ở bậc đại học; hỗ trợ xây dựng và phát triển các dự án đổi mới chương trình đào tạo hệ tiến sĩ...
Với những quan hệ được xây dựng, hỗ trợ trong thời gian qua, ông Nicolas Mainetti hy vọng thời gian tới, DRAP- AUF sẽ tiếp tục có những chương trình, dự án đồng hành cùng các trường đại học nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung để đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh quốc tế hóa, tăng cường hội nhập.
Trao đổi tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: Bộ GD&ĐT và Tổ chức Đại học Pháp ngữ đã ký Thỏa thuận hợp tác từ năm 2019. Các năm 2020, 2021, AUF đều hỗ trợ một số hạng mục về trang thiết bị, nghiên cứu khảo sát về hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp. Những hoạt động chuyên môn, nghiên cứu, khảo sát được các trường đại học tại Việt Nam thực hiện hào hứng, tích cực.
Theo Thứ trưởng, hiện nay, công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, do đó, cần có sự hướng dẫn, học hỏi của các trường đại học, các tổ chức trên thế giới trong đó có Tổ chức Đại học Pháp ngữ.
Ngoài ra, với quyền tự chủ như hiện nay, các trường đại học của Việt Nam mong muốn sẽ đẩy mạnh hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường đại học trên thế giới; đồng thời thu hút được nhiều học sinh, sinh viên các nước trên thế giới đến học tập, nghiên cứu tại Việt Nam.
Tổ chức Đại học Pháp ngữ đã hỗ trợ Việt Nam triển khai một số dự án chuyển giao công nghệ như: Xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo chuyên ngành cấp bằng đại học và thạc sĩ bằng tiếng Pháp kéo dài trong gần 20 năm với tổng số gần 50 chương trình đào tạo; chương trình song ngữ ở bậc phổ thông đào tạo tiếng Pháp từ tiểu học đến THPT.
Tác giả bài viết: Lan Anh
Ý kiến bạn đọc