Một chương mới của cuộc đời sẽ mở ra khi đặt chân vào cánh cổng đại học. Mỗi tân sinh viên đều mang trong mình nhiều hoài bão, ước mơ, nhưng bên cạnh đó là sự lo lắng về hành trình mới đầy thử thách.
Tôi từng là sinh viên sống xa nhà, rất bỡ ngỡ trong việc học và mong muốn tìm ra cách học hiệu quả. Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy việc đầu tiên các tân sinh viên phải xác định rõ mục tiêu học tập ở đại học. Khi đã rõ mục tiêu, các bạn sẽ biết cần phải tập trung vào việc gì, quản lý thời gian thế nào. Hãy tự sắp xếp thời gian học tập phù hợp với mình, học ở nơi mình thấy thuận tiện và hứng thú nhất; tạo thói quen ghi chép, lập lịch trình thật chi tiết hằng tuần, nghiêm khắc với bản thân trong việc thực hiện theo kế hoạch, từ đó mới khai thác thời gian hiệu quả.
Ở phổ thông, phương pháp thường thấy là thầy cô giảng bài kết hợp vấn đáp, học sinh sẽ trả lời các câu hỏi. Đôi khi trong một số môn học, học sinh thụ động đợi thầy cô đọc để ghi lại bài vào vở. Ở đại học, giảng viên sẽ đóng vai trò người định hướng, dẫn dắt, hướng dẫn sinh viên học, tìm kiếm tài liệu, người học luôn là trung tâm trong chương trình đào tạo.
Sau khi dành thời gian nghiên cứu, sinh viên đến lớp, cùng chia sẻ, trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá các nội dung giảng viên đưa ra với các bạn trong lớp; giảng viên đồng hành và giải đáp các thắc mắc để người nghe hiểu rõ hơn bài học. Phương pháp học tập chủ động đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thu kiến thức của sinh viên.
Bên cạnh đó, sinh viên nên tích cực đặt câu hỏi cho giảng viên để làm rõ hơn những vấn đề vướng mắc. Kết hợp nhiều phương pháp học khác nhau cũng cần thiết để việc học tập trở nên hiệu quả: Tự học, học nhóm, tăng cường thảo luận, thuyết trình, không những học trong giáo trình mà còn đọc nhiều tài liệu khác… Thư viện của các trường đại học đều có nhiều đầu sách tham khảo chất lượng, hãy tận dụng nguồn tri thức khổng lồ để tăng hiểu biết.
Các trường đại học luôn khuyến khích và hỗ trợ sinh viên tham gia vào những cuộc thi chuyên ngành, đây là cơ hội để các bạn được thể hiện và khẳng định bản thân. Tham gia vào những cuộc thi này không chỉ giúp nâng cao kiến thức, còn mang đến cơ hội để tương tác, trao đổi với những chuyên gia trong ngành, đây là bàn đạp cho thành tựu sau này.
Sinh viên cũng đừng bỏ qua cơ hội phát triển bản thân vô giá thông qua việc tham gia hoạt động Đoàn - Hội tại trường đại học. Trường Đại học Mở Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, công tác xã hội… nhằm tạo ra môi trường lành mạnh cho đoàn viên, sinh viên được thể hiện bản thân, đóng góp cho cộng đồng, xã hội... Tham gia hoạt động đoàn thể giúp có thêm nhiều người bạn mới và điều kiện để giao lưu, học hỏi.
Chúng ta không chỉ học trong sách vở, thầy cô, mà còn học hỏi được nhiều điều bổ ích từ anh chị đi trước, những người bạn học. Thêm vào đó, sinh viên được trang bị thêm kỹ năng tổ chức làm việc nhóm, thuyết trình, giải quyết vấn đề… giúp tự tin hơn trong cuộc sống. Ngoài thành tích học tập, khi ra trường, điều khiến CV của bạn nổi bật chính là các hoạt động ngoại khóa đã tham gia. Các nhà tuyển dụng sẽ quan tâm đến những kỹ năng mềm mà sinh viên trau dồi được khi tham gia những câu lạc bộ, hoạt động Đoàn - Hội.
Cuối cùng, thời gian học đại học chính là cơ hội tốt nhất để trải nghiệm những điều mới mẻ và khám phá bản thân. Đừng ngại mạo hiểm, hãy thử thách bản thân trong những lĩnh vực mới như: Học thêm một ngôn ngữ mới, khoá học ngoài chuyên ngành và giao lưu văn hoá. Những trải nghiệm này sẽ giúp ta trưởng thành, tự tin và hiểu rõ hơn về giá trị của bản thân. “Thanh xuân giống như những bông pháo hoa trên trời, chỉ có thể rực rỡ trong một thoáng, một khi đã tàn thì chẳng có cơ hội phát sáng lần thứ hai”. Cơ hội cuộc đời chỉ tới một lần nên đừng bỏ lỡ một cách đáng tiếc.
Khi học đại học, nhiều bạn thường không có kế hoạch học tập rõ ràng, cụ thể. Việc này khiến việc học bị dồn vào cuối kỳ, trước khi kỳ thi kết thúc học phần diễn ra; từ đó dẫn đến tâm trạng căng thẳng, kết quả thi thường không đạt được như kỳ vọng do không đủ thời gian ôn tập. Một sai lầm khác cũng hay gặp phải là không phân bố thời gian hợp lý cho việc học.
Hiện nhiều sinh viên rất năng động, các bạn có thể tham gia các hoạt động khác nhau: Câu lạc bộ, Đoàn - Hội, làm thêm... Điều này tốt, giúp có thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng cũng như trải nghiệm quý giá trong thời sinh viên. Tuy nhiên, sẽ không tốt nếu dành quá nhiều thời gian cho việc này mà ảnh hưởng đến hoạt động chính là học tập.
Ngoài ra, một số sinh viên khi học ở giảng đường thường làm việc riêng, không chú ý nghe giảng, dẫn đến không hiểu bài. Điều này làm cho các bạn mất nhiều thời gian hơn khi ôn tập. Với kinh nghiệm bản thân, tôi thấy học từ lời giảng của thầy cô là một trong những cách nhớ bài nhanh nhất.
Về kinh nghiệm học tập, tôi là người có trí nhớ không tốt và khá mất thời gian để học thuộc. Do đó, với kiến thức đòi hỏi cần phải ghi nhớ (đặc biệt là các môn chung), tôi thường ôn tập lại ngay sau khi học trên lớp, ngay buổi tối hôm đó. Việc này giúp nhớ lâu hơn kiến thức, đến lúc trước khi thi chỉ cần ôn lại một lần là có thể tự tin bước vào phòng thi.
Đối với các loại kiến thức đòi hỏi tư duy tính toán, tôi tìm các bài tập/câu hỏi để rèn luyện thêm. Việc này giúp rèn được phản xạ làm bài tập cũng như khắc sâu kiến thức hơn. Riêng đối với kiến thức Sinh học – môn chuyên ngành ở đại học, đây là môn khoa học thực nghiệm, các kiến thức được rút ra từ thí nghiệm trong thực tiễn. Nên với những đơn vị kiến thức có thể tiến hành thí nghiệm được, tôi sẽ cố gắng học hiểu bản chất thông qua tiết thực hành trên lớp cũng như hiện tượng thực tiễn trong cuộc sống.
Trong thời gian học đại học, tôi tham gia các nhóm nghiên cứu khoa học của thầy cô trong khoa. Để có thể cân bằng giữa việc học trên lớp và làm đề tài nghiên cứu khoa học, tôi luôn xây dựng kế hoạch học tập, nghiên cứu rõ ràng, cụ thể. Trước mỗi kỳ học, tôi luôn tính toán khối lượng học tập sao cho phù hợp với sức học bản thân, cũng như dành đủ thời gian lên phòng thí nghiệm để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.
Trong các tiết học, tôi cố gắng chăm chú nghe giảng và trao đổi ngay với giảng viên khi còn vấn đề khúc mắc, khó hiểu. Sau mỗi buổi học sẽ ôn lại bài trong ngày, không để tình trạng học dồn trước ngày thi. Tôi nhận thấy rằng, việc chủ động lên kế hoạch làm việc rất quan trọng, đối với việc học tập và tham gia nghiên cứu khoa học cũng vậy.
Bên cạnh học tập, tôi cố gắng tham gia các hoạt động của khoa, Trường, như Hội thi nghiệp vụ sư phạm, các cuộc thi văn nghệ, hoạt động trong tháng thi đua, tháng thanh niên... Đây là những hoạt động rất thú vị và bổ ích, giúp sinh viên có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp sau này, cũng như để lại nhiều ký ức khó quên trong quãng đời sinh viên.
Trong thời gian học đại học, nhiều bạn đôi khi bị cuốn theo các dự án cá nhân, câu lạc bộ bên ngoài và hoạt động làm thêm, từ đó dễ bị ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như sức khỏe của mình.
Bản thân khi học năm thứ nhất cũng vậy, dễ bị xao nhãng vào hoạt động bên lề. Sau đó, nhận được nhiều lời khuyên từ thầy cô, anh chị tiền bối, tôi đã cân bằng giữa việc học tập và hoạt động ngoại khóa, cũng như thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân đúng cách để vẫn giữ vững được phong độ.
Để có thời gian học đại học hiệu quả, ý nghĩa, từ kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng, các bạn nên năng nổ giao tiếp với thầy cô. Khi gặp vấn đề nan giải nên đặt câu hỏi trực tiếp với giáo viên, tuyệt đối không ngại chia sẻ những khó khăn, điểm yếu của bản thân, để từ đó thầy cô có thể hỗ trợ, giúp đỡ một cách tối ưu nhất.
Quan trọng hơn cả, nên có một nhóm bạn cùng tiến trong môi trường đại học, bởi điều đó sẽ giúp mình có động lực học hơn; có vấn đề gì khó có thể hỏi trực tiếp bạn bè, hoặc cùng nhau động não suy nghĩ tìm ra giải pháp; đúng như câu nói “Học thầy không tày học bạn”.
“Ngay khi bước chân vào giảng đường đại học, tân sinh viên phải có kế hoạch và mục tiêu cho bản thân mình cần đạt được trong bốn năm học này; từ đó sự phân bổ thời gian khoa học, cân bằng. Trong 1 - 2 năm đầu tiên không nên có tư tưởng đỗ rồi phải xả hơi, bởi những năm này chủ yếu học các môn đại cương, nền tảng để đi vào những kiến thức chuyên ngành.
Đối với môn chuyên ngành, các bạn hãy chú ý nghe giảng trên lớp, đọc thêm tư liệu liên quan, nên có sự trao đổi học thuật với bạn bè hoặc giảng viên. Ngoài việc học, các bạn có thể cân đối để tham gia hoạt động của trường, lớp, các câu lạc bộ, cũng như nghiên cứu khoa học để mở rộng giao tiếp và tạo dựng cơ hội. Đồng thời, cố gắng học thêm ngoại ngữ bởi đây không chỉ là công cụ giao tiếp với bạn bè quốc tế mà còn tạo thêm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp”. - Trần Thị Kim Dung (thủ khoa đợt 2 năm 2024 ngành Chính trị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Tác giả bài viết: Hải Bình (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc