Cùng dự có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, đại diện các cơ sở giáo dục đại học: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Học viện Bưu chính Viễn thông và Trường Đại học FPT.
Được thành lập vào năm 1949, Trường Đại học Hiroshima (Nhật Bản) là một trong những trường đại học quốc lập đầu tiên tại Nhật Bản với lịch sử lâu đời và bề dày kinh nghiệm trong việc đào tạo sinh viên nói chung và du học sinh quốc tế nói riêng.
Trong những năm qua, Trường Đại học Hiroshima đặc biệt chú trọng đẩy mạnh hợp tác về nghiên cứu, giáo dục và đào tạo với Việt Nam. Đại học Hiroshima đã tiếp nhận hàng trăm học viên Việt Nam đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan trực thuộc các Bộ, ban, ngành đến học tập, nghiên cứu theo các khóa học thạc sĩ, tiến sĩ, khóa trao đổi ngắn hạn.
Trường Đại học Idaho (Hoa Kỳ) là trường công lập lâu đời nhất ở bang Idaho, thuộc miền Tây Bắc Hoa Kỳ, được thành lập năm 1889. Trường thực hiện đào tạo theo các chương trình chuẩn mực quốc tế, được đánh giá cao về mặt chuyên môn, thực hành và giảng dạy.
Năm 2024, Trường Đại học Idaho đứng thứ 185 trong số các trường đại học quốc gia, hạng 101 trong các trường công lập hàng đầu và hạng 23 trong các trường học có giá trị tốt nhất. Sinh viên có thể chọn nhiều chuyên ngành để theo học đại học, cùng 80 chương trình đào tạo thạc sĩ.
Với sự phong phú, đa dạng trong giáo dục và đào tạo, Trường Đại học Idaho đã thu hút được sinh viên từ 74 quốc gia trên thế giới theo học hơn 100 chuyên ngành ở các chương trình cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.
Hiện tại, Trường Đại học Hiroshima đang tích cực chuẩn bị cho chương trình liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao thuộc chuyên ngành bán dẫn dựa trên hợp tác với Trường Đại học Idaho, Hoa Kỳ. Chương trình được xây dựng cho 100-150 sinh viên mỗi khóa học, dự định triển khai trong năm học 2026-2027.
Cụ thể, trong năm đầu, sinh viên sẽ theo học tại cơ sở Trường Đại học Hiroshima, Nhật Bản, tham gia các khóa học cơ bản về Vật lý, Toán học và Khoa học máy tính. Các khóa học được giảng dạy bởi cả giảng viên Trường Đại học Hiroshima và giảng viên Trường Đại học Idaho.
Năm thứ hai tại Hiroshima, sinh viên sẽ được theo học chương trình nâng cao hơn về khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính và mạch điện. Sinh viên được khuyến khích phát triển sở thích cá nhân thông qua việc lựa chọn các môn kỹ thuật tự chọn.
Năm thứ ba, sinh viên sẽ được đào tạo tại Trường Đại học Idaho, Hoa Kỳ. Tại đây, nhà trường sẽ cung cấp kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật điện, máy tính và khoa học máy tính, bao gồm điện tử, tín hiệu và hệ thống, kiến trúc máy tính, công nghệ phần mềm và hệ điều hành.
Năm cuối cho phép sinh viên phát triển kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực được lựa chọn thông qua các khóa học tự chọn kỹ thuật. Sinh viên cũng được theo học chương trình Thiết kế cao cấp Capstone, học cách thiết kế, thử nghiệm và xây dựng một hệ thống kỹ thuật máy tính.
Tại buổi làm việc, thành viên các bên đã trao đổi về một số nội dung liên quan đến các chương trình đào tạo, công nghệ, ứng dụng AI, trao đổi sinh viên giữa các quốc gia, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, hoạt động nghiên cứu khoa học.
Đối với thế mạnh của hai trường là đào tạo, nghiên cứu về công nghệ bán dẫn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Với những hợp tác trong thời gian qua cùng sự phát triển công nghệ trên toàn thế giới, hy vọng rằng, Bộ GD&ĐT và các trường đại học tại Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của Trường Đại học Hiroshima và Trường Đại học Idaho.
Với xu hướng phát triển ngành công nghệ bán dẫn như hiện nay, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tin tưởng các bên sẽ có những hỗ trợ, hợp tác lâu dài trong thời gian tới.
Tác giả bài viết: Lan Anh
Ý kiến bạn đọc