Tháng 7/2024, Trường Đại học Luật TPHCM công bố mức học phí áp dụng đối với các trình độ đào tạo của trường từ năm học 2024 - 2025. Nhằm đảm bảo đủ nguồn lực để đạt được mục tiêu vừa nêu, mức thu học phí đối với sinh viên chính quy trình độ đại học được tăng chỉnh tương ứng mức độ tự chủ tài chính mà trường được phê duyệt trước đó. Học phí các ngành từ 35 - 165 triệu đồng/năm. So sánh với mức học phí các năm trước, từ năm học 2024 - 2025, sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM sẽ phải đóng tiền cao hơn 4 - 16,5 triệu đồng/năm tùy chương trình.
Tương tự, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) sẽ thực hiện điều chỉnh tăng, giảm hoặc giữ nguyên mức học phí của các loại học phần, chương trình để tiến đến năm học 2025 - 2026 thống nhất 1 mức học phí cho các học phần trong 1 nhóm theo phân loại: Học phần tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Việt các môn tích hợp chứng chỉ quốc tế.
Trong năm học 2024 - 2025, học phí các chương trình tiếng Việt lần lượt là: Chương trình tiên tiến quốc tế (đã kiểm định quốc tế), chương trình tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế (ACCA và ICAEW) thu 1,065 triệu đồng/tín chỉ; chương trình tiên tiến, cử nhân tài năng, ASEAN Co-op thu 975 nghìn đồng/tín chỉ. Với chương trình tiếng Anh, học phí bằng khoảng 1,2 - 1,4 lần so với chương trình tiếng Việt tương ứng.
Ở khối Khoa học Sức khỏe - những ngành có chi phí đào tạo lớn, các trường công lập cũng công bố mức phí mới cao hơn những năm trước. Tại Trường Đại học Y Dược TPHCM, ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt có học phí 74 - 77 triệu đồng/năm. Các ngành đào tạo cử nhân, kỹ thuật khác dao động 41 - 45 triệu đồng/năm. Tại Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, với khóa 2024 dự kiến khoảng 41,8 - 55,2 triệu đồng một năm (10 tháng).
Trong quá trình tìm hiểu thông tin tuyển sinh trước ngày đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trước thông tin học phí nhiều trường đại học công lập rục rịch tăng, nhiều thí sinh lớp 12 không khỏi lo lắng.
Nguyễn Thị Thảo Linh (Trảng Bom, Đồng Nai) có cha và mẹ làm công nhân với tổng thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Linh có 2 người em đang học THCS. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt, học hành cho các con, cha mẹ Linh không còn dư dả nhiều. “Với mức học phí tăng như hiện nay, em sợ cha mẹ không kham nổi. Em mong muốn trúng tuyển vào một trường công lập với mức học phí nhẹ hơn để cha mẹ bớt lo”, Linh chia sẻ.
Phan Quang Bình (quận Bình Tân, TPHCM) cũng chung nỗi lo. Gia đình Bình hiện ở trọ tại một khu nhà dành cho người lao động có thu nhập thấp. Mức thu nhập của cha mẹ Bình khoảng 20 triệu đồng/tháng nhưng phải phục vụ đủ khoản chi tiêu: Nhà trọ, điện, học hành cho 2 người con… “Học phí tăng cao quá, nếu không có sự hỗ trợ của nhà trường hoặc không được vay vốn ưu đãi, em không biết ba mẹ phải xoay xở ra sao”, Bình trăn trở.
Chia sẻ khó khăn với người học, các trường đại học có những chính sách học phí ưu đãi hoặc gói học bổng. Tại Trường Đại học Luật TPHCM, nhà trường thực hiện cùng lúc các chính sách miễn, giảm học phí, cấp bù kinh phí để thực hiện chính sách miễn giảm học phí những sinh viên thuộc diện chính sách, có hoàn cảnh khó khăn.
Trường duy trì đa dạng loại hình học bổng như bằng 150% mức học phí dành cho sinh viên xuất sắc, 100% mức học phí dành cho sinh viên giỏi và 50% dành cho sinh viên khá. Tổng mức trích lập dành cho quỹ học bổng của trường lên gần 28 tỷ đồng hằng năm (tương đương với 8% nguồn thu học phí).
Với sinh viên khó khăn, ngoài chính sách chung, Trường Đại học Luật TPHCM sẽ duy trì sự linh hoạt trong thời gian đóng học phí theo quy định hiện hành của trường. Trường hợp sinh viên gặp khó khăn, có thể liên hệ các phòng, ban chức năng nhà trường để được hướng dẫn gia hạn nộp học phí (có thời hạn), tạo thuận lợi cho sinh viên có thể tham gia thi kết thúc học kỳ.
Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương TPHCM, trong xu hướng tự chủ hiện nay của các trường đại học, học phí sẽ được điều chỉnh sát với chi phí đào tạo, tức là sẽ tăng. Học phí tăng dẫn đến tâm lý e ngại và khó khăn cho người học.
Do đó, cùng với tăng học phí, các trường phải cam kết dành tỷ lệ nhất định nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, hỗ trợ sinh viên. Ngoài ra, các trường cũng có thêm nhiều chính sách huy động từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm để hỗ trợ người học diện chính sách.
Trường Đại học Công Thương TPHCM chi gần 48 tỷ đồng để tặng học bổng và hỗ trợ sinh viên trong năm học 2024 - 2025, được trích từ nguồn quỹ học bổng và quỹ hỗ trợ sinh viên nhà trường.
Một số trường khác có quỹ học bổng dồi dào, lên đến hàng chục tỷ đồng như Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM)… Ngoài quỹ học bổng khuyến khích học tập từ ngân sách dùng để xét, cấp học bổng cho người học, nhiều trường còn liên hệ các đơn vị nhằm tìm kiếm nguồn học bổng tài trợ cho sinh viên khó khăn.
Bên cạnh chính sách học bổng, các trường đại học và tổ chức còn phối hợp, cho ra đời nhiều chính sách tín dụng cho sinh viên với lãi suất ưu đãi. Tại các trường thành viên Đại học Quốc gia TPHCM, Quỹ phát triển Đại học Quốc gia TPHCM (VNU-F) sẽ hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay ưu đãi với lãi suất 0% để học tập. Sinh viên chỉ trả nợ gốc khi có việc làm, thu nhập, thời gian được vay có thể lên đến 8 năm. Ngoài ra, VNU-F còn triển khai chương trình học bổng toàn phần dành cho học sinh, sinh viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chương trình không chỉ có ý nghĩa hỗ trợ tài chính thiết thực cho sinh viên và học sinh hoàn cảnh khó khăn, qua đó tiếp thêm động lực giúp các em khắc phục trở ngại trên con đường học tập, xây dựng tương lai tốt đẹp. Chương trình học bổng cũng thể hiện sự quan tâm, chung tay hỗ trợ của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc phát triển giáo dục, thúc đẩy sự công bằng và cơ hội học tập cho tất cả học sinh, sinh viên. - PGS.TS Nguyễn Minh Tâm (Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM)
Tác giả bài viết: Lê Nam
Ý kiến bạn đọc