Đúng như ông Lê Ngọc Quang (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội) chia sẻ với Báo GD&TĐ, công bố điểm thi gần ngay sau khi thi xong cũng nhằm tránh hiện tượng tung tin về điểm thi, điểm chuẩn của các trường, gây hoang mang trong phụ huynh và HS như năm ngoái.
Thêm nữa, việc công bố điểm sớm cũng sẽ giảm bớt cảnh phụ huynh nộp hồ sơ cho con vào trường này rồi lại rút hồ sơ ra nộp vào trường khác. Có thêm thời gian để cha mẹ HS và HS suy nghĩ kỹ hơn về trường sẽ nhập học sau khi biết điểm. Các trường THPT như vậy cũng có điều kiện kết thúc sớm hơn tuyển sinh lớp 10 để tập trung vào việc lo cho HS lớp 12 bước vào Kỳ thi THPT Quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh (Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành) cho rằng các phụ huynh HS và nhà trường THPT có thể cảm ơn Sở GD&ĐT về việc công bố điểm sớm. “Để làm được việc này đòi hỏi Sở phải huy động nguồn lực vào công tác chấm thi.
Công bố điểm thi, điểm chuẩn sớm cũng tạo thuận lợi để HS có thời gian nhiều hơn trong việc đăng ký nhập học vào các trường mong muốn. Hơn hết là giải quyết được tốt hơn vấn đề tâm lý cho HS và cha mẹ HS”- Bà Thu Anh nhận xét.
Phụ huynh chờ con ở cổng trường. |
Có con đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Việt Đức và nguyện vọng 2 vào Trường THPT Trần Phú- Hoàn Kiếm, chị Nguyễn Thị Nhung (29 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ với Báo GD&TĐ:
“Con tôi thi làm bài khá tốt. Gia đình tin tưởng vào khả năng làm bài của con. Tuy nhiên, nếu phải chờ đợi đến gần 10 ngày nữa mới biết điểm thi (như thời điểm dự kiến trước đây) thì rất căng thẳng.
Sau khi đọc tin trên Báo GD&TĐ biết được Sở sẽ công bố điểm thi vào chiều 14/6 cả gia đình rất vui. Quan trọng nhất là tôi và con sẽ có thêm thời gian cân nhắc việc con sẽ học trường nào dựa trên kết quả điểm thi. Còn nếu điểm thi không như mong muốn thì cũng không sao, ngoài trường công lập còn có nhiều trường tư uy tín để nộp hồ sơ vào, nếu tình huống xấu nhất “học tài thi phận”. Gia đình tôi cùng con đã tìm hiểu một số trường tư được đầu tư cơ sở vật chất tốt, có quan điểm và mục tiêu GD gần với mong muốn và điều kiện đóng tiền học của gia đình, phù hợp với con”.
Lâu nay, trong dư luận phụ huynh HS vẫn cho rằng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 còn căng thẳng hơn thi vào ĐH, vì mỗi năm có khoảng 1/3 số HS lớp 9 không có chỗ học tại các trường THPT công lập.
Cuộc cạnh tranh vào công lập để dành một chỗ học khiến áp lực của kỳ thi thêm căng. Vậy làm sao để giảm hẳn áp lực này? Lời giải tiếp tục được tìm kiếm, cách làm như Sở GD&ĐT Hà Nội hiện nay cũng được phụ huynh và nhà trường đánh giá là có đổi mới đáng kể.
Một số phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ với Báo GD&TĐ cũng cho biết vẫn đồng tình với việc tổ chức thi tuyển vào lớp 10. Bởi chỉ có thi thật mới đánh giá được năng lực của HS. Dù đúng là thi thì không tránh khỏi áp lực.