Từ thực tiễn của người làm công tác giáo dục ở địa phương, đại biểu Lê Tuấn Tứ cho rằng, chúng ta hãy bình tĩnh nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và nhìn từ hai phía.
Từ đó để thấy được sự cố gắng của ngành GD-ĐT, sự đồng hành chung sức của cả hệ thống chính trị, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nước nhà và cũng là để chúng ta cũng thấy rằng, việc làm được và chưa làm được của giáo dục trong thời gian vừa qua, nhất là trong thời kỳ đất nước đổi mới.
Tuy nhiên, theo đại biểu, trong quá trình phát triển của xã hội luôn có sự sàng lọc tự nhiên, loại bỏ các yếu tố tiêu cực mà bạo lực học đường, bạo lực trẻ em, gian lận trong thi cử là một sự sàng lọc và sẽ được loại bỏ.
“Biết rằng đó chỉ là cá biệt, một hạt sạn nhưng ảnh hưởng đến nhân phẩm và tính mạng của con người là không thể chấp nhận được. Nỗi đau và trách nhiệm này không chỉ riêng của ngành GD-ĐT mà là nỗi đau và trách nhiệm chung của mỗi chúng ta” – đại biểu Lê Tuấn Tứ nói, đồng thời nhấn mạnh:
Chúng ta ngồi đây cũng là sản phẩm của ngành Giáo dục đã được sàng lọc một cách tích cực. Ngày ngày chúng ta cùng với các lực lượng lao động khác trong xã hội đã làm việc hết mình, phấn đấu cho đất nước có nền kinh tế phát triển, một xã hội hạnh phúc. Kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã minh chứng cho điều đó.
“Về vấn đề tiêu cực trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tôi đồng tình phải lên án những cá nhân đã dùng vật chất và tinh thần để mua chuộc những người đang thi hành công vụ. Chính họ là nguyên nhân gây ra những tiêu cực này, làm cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục” – đại biểu Lê Tuấn Tứ thẳng thắng nói và đề nghị:
Việc cần làm bây giờ là chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thiết bị để triển khai chương trình sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, chuyển mạnh các trường đại học công lập sang hoạt động tự chủ hoàn toàn, tiến tới bỏ cơ quan chủ quản.
Chuyển các trường THPT đủ điều kiện sang hoạt động theo hình thức tư thục để chúng ta tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đây là những cái nôi cách mạng, trong chiến tranh người dân chịu nhiều gian khó, trong hòa bình họ chưa được công bằng trong hưởng thụ.