Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nâng cao hiệu quả chính sách cử tuyển

Thứ ba - 22/12/2020 00:39 265 0
GD&TĐ- Sáng 22/12, tại Thanh Hóa diễn ra Hội thảo "Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh”
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nâng cao hiệu quả chính sách cử tuyển

Dự  và chỉ đạo Hội thảo có Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ; ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao việc tổ chức hội thảo này. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị các bộ, ngành ở Trung ương thực sự quan tâm đến các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nâng cao hiệu quả chính sách cử tuyển - Ảnh minh hoạ 2
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Chú ý đến các dân tộc còn rất ít người, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ là người dân tộc thiểu số. Chăm lo công tác phát triển Đảng là người dân tộc thiểu số. Có cơ cấu cán bộ là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan dân cử một cách hợp lý...

Phát biểu tham luận tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cho biết: Những năm vừa qua, chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc, miền núi tuy có cải thiện nhưng cơ bản còn thấp so với các khu vực khác.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê năm 2020, tỷ lệ nhân lực trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo ở những vùng đồng bào dân tộc, miền núi đạt 10,8%, trong khi trung bình của cả nước là 23,1%.

Một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở mức dưới 3%, thậm chí có những nhóm dân tộc thiểu số gần 100% lao động chưa qua đào tạo.

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số có trình độ đại học trở lên mới chỉ đạt 3,2%, trong khi trung bình của cả nước là 9,3%.

Cơ cấu nhân lực lao động vùng dân tộc thiểu số, miền núi cũng trái ngược với mặt bằng chung cả nước, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Riêng 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, tỷ lệ trong độ tuổi lao động qua đào tạo đạt gần 18,3% (thấp hơn 4,8% so với tỷ lệ chung cả nước). Nhân lực trình độ đại học đạt khoảng 8,3% (thấp hơn 1% so với tỷ lệ chung cả nước).

Cũng theo Bộ trưởng, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tại 3 tỉnh nêu trên, số thí sinh là người dân tộc trúng tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2019, là 1.305 sinh viên, thấp hơn mức trung bình chung của cả nước. Trong đó, cá biệt như Hà Tĩnh, chỉ có 4 thí sinh người dân tộc trúng tuyển vào đại học, cao đẳng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ rõ: Chất lượng nguồn nhân lực là rào cản rất lớn trong phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cả nước, nhất là ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Để phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giải pháp căn cơ, bền vững là phải phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực này.

Trước hết, phải xuất phát từ giải quyết tốt quan hệ cung - cầu về nguồn nhân lực, trong đó quan trọng là từ phía “cầu”. Các tỉnh cần rà soát kỹ thực trạng thừa thiếu, chất lượng từng loại nhân lực của từng huyện, xã, thôn,bản theo từng ngành, từng lĩnh vực. Từ đó, xây dựng đề án phát triển nhân lực vùng đồng bào dân tộc, thiểu số của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nâng cao hiệu quả chính sách cử tuyển - Ảnh minh hoạ 3
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Chủ động xây dựng kế hoạch và có chính sách cụ thể để thu hút, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng từng loại nhân lực. Các địa phương nên tập trung ưu tiên rà soát các loại nhân lực về lãnh đạo quản lý, kinh tế, kỹ thuật (nhất là nông, lâm, thủy sản), sư phạm và y tế.

Các loại nhân lực này thiết yếu, đóng vai trò then chốt để phát triển các huyện, xã, thôn, bản. Các thông tin về nhu cầu các loại nhân lực này cần thông báo công khai hoặc “đặt hàng” cho các cơ sở đào tạo.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đưa ra khuyến nghị để lãnh đạo 3 tỉnh tham khảo các giải pháp, như: Thực hiện hiệu quả chính sách “cử tuyển”. Bởi lẽ, đây là giải pháp “truyền thống”, là chính sách quan trọng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là đối với dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của chính sách cử tuyển.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 141 quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Nghị định này nhằm cụ thể hóa quy định về chính sách cử tuyển trong Luật Giáo dục năm 2019 và thay thế Nghị định số 134/2006/NĐ-CP, Nghị định số 49/2015/NĐ-CP trước đây.

Cử tuyển là cần thiết, tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của chính sách này, tránh gây lãng phí nguồn lực, ngân sách nhà nước; người học sau khi tốt nghiệp không bố trí được việc làm, hoặc không làm được việc vì chất lượng kém... cần lựa chọn, giám sát chặt chẽ các trường hợp tham gia chính sách cử tuyển, phải thực sự cần thiết, xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các huyện, xã, thôn, bản.

Chỉ nên thực hiện với con em vùng đồng bào dân tộc rất ít người và một số dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa có hoặc có rất ít người tham gia trong hệ thống chính trị của địa phương. Đồng thời, phải gắn liền với việc bố trí công việc sau khi tốt nghiệp cho người học để tránh lãng phí.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nâng cao hiệu quả chính sách cử tuyển - Ảnh minh hoạ 4
Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại Hội thảo.

Những trường hợp cử tuyển cần phải đảm bảo chất lượng đầu vào của các cơ sở đào tạo, trường hợp chưa đủ chuẩn phải học dự bị đảm bảo chuẩn mới được đào tạo. Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở đào tạo tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhưng không du di về chất lượng để thực hiện tốt chính sách này.

Theo Bộ trưởng, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hiện có 20 trường đại học và cao đẳng. Tại Thanh Hóa, có 1 phân hiệu Trường đại học Y Hà Nội, với tổng số gần 200 ngành đào tạo, quy mô đào tạo gần 50.000 sinh viên.

Đây là địa chỉ có thể đáp ứng tốt nhu cầu học đại học của con em đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của 3 tỉnh này. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với 3 tỉnh chỉ đạo các cơ sở đào tạo thực hiện hiệu quả giải pháp này.

Bộ trưởng nêu quan điểm: Các địa phương cần tính toán cụ thể nhu cầu từng loại nhân lực của huyện, xã, thôn, bản trong từng giai đoạn cụ thể, trên cơ sở đó các trường sẽ tiến hành đào tạo, đào tạo lại nhân lực cho địa phương.

Việc đặt hàng này cũng phải tuân thủ các quy định chung về tuyển sinh của các trường, để đảm bảo chất lượng đầu vào. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động phối hợp với các trường trong quá trình đào tạo, nhất là việc tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập và làm quen với công việc của địa phương.

Các tỉnh trong vùng không nên đặt vấn đề thành lập thêm trường đại học tại địa phương vì hiệu quả không cao, khó thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ cao.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nâng cao hiệu quả chính sách cử tuyển - Ảnh minh hoạ 5
Trước đó, chiều 21/12, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đến tặng Trường THCS Lê Đình Chinh (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) một phòng học tiếng Anh.

Nên phối hợp với các cơ quan chủ quản để rà soát, sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng hiện có đảm bảo phù hợp, tránh chồng chéo ngành nghề, cạnh tranh lẫn nhau ngay trên cùng một địa bàn, khu vực.

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp hỗ trợ để củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học hiện có trên địa bàn.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, để “ươm tạo tài năng”, các địa phương cần tiếp tục quan tâm hơn tới việc đầu tư phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn.

Các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Đây không chỉ là cơ sở giáo dục đơn thuần, mà còn là mô hình giáo dục tập trung rất hiệu quả để thu hút, nuôi dưỡng, giáo dục và cung cấp nguồn đào tạo nhân lực có chất lượng cho đồng bào dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nâng cao hiệu quả chính sách cử tuyển - Ảnh minh hoạ 6
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã trao tặng một phòng học vi tính cho Trường Tiểu học thị trấn Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

“Với nhiệm vụ được giao trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện việc xây dựng đề án chi tiết các hạng mục hỗ trợ để đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú.

Đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh dân tộc bán trú, nội trú. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ làm việc cụ thể với 3 tỉnh, để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ này. Sau đó sẽ tổng kết, nhân rộng ra các tỉnh/thành khác trong cả nước”, Bộ trưởng thông tin thêm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cho rằng: Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đều có các vùng thuận lợi, KT- XH phát triển hơn vùng dân tộc, miền núi trong tỉnh. Vì vậy, cần thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa các trường, giữa các xã, huyện ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn để hỗ trợ, giúp nhau cùng phát triển.

Trong điều kiện ngân sách cho phép, các tỉnh cũng xem xét có chính sách học bổng hay hỗ trợ riêng đối với còn em vùng đồng bào dân tộc, miền núi trong quá trình học tập. Mặt khác, Bộ GD&ĐT đang triển khai chương trình “kết nối thiện nguyện”. Trong đó, tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục và  những học sinh có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập586
  • Hôm nay48,273
  • Tháng hiện tại326,403
  • Tổng lượt truy cập51,682,362
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944