Mỗi nơi một kiểu
Mới đây, Sở Nội vụ Bắc Giang phát đi thông báo về việc tạm dừng mở lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên trên địa bàn tỉnh. Lý do để sở này quyết định phát hành văn bản trên là: Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét giảm một số loại chứng chỉ đối với công chức, viên chức, trong đó có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên.
Ông Vũ Mạnh Hùng – Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang cho hay: Trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Nội vụ về giảm một số loại chứng chỉ đối với công chức, viên chức và để xác định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn thăng hạng chức danh nghề nghiệp, bảo đảm quyền lợi của đội ngũ giáo viên, sở đã thông báo tạm dừng mở các lớp bồi dưỡng nói trên cho đến khi có thông báo mới...
Tuy nhiên, tại Nghệ An, ngày 4/6, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành đã ký công văn gửi phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông. Theo đó, sở GD&ĐT đề nghị đơn vị chủ động tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp với phòng Nội vụ chuẩn bị phương án để triển khai mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ khi có văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh.
Các đơn vị, cơ sở giáo dục tạo điều kiện cho giáo viên có nhu cầu tham gia đào tạo, bồi dưỡng, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp còn thiếu trong dịp hè. Trước mắt, khuyến khích giáo viên hoàn thiện tiêu chuẩn để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp theo Thông tư mới (giáo viên THCS hạng I, II cũ; giáo viên tiểu học hạng II, III cũ; giáo viên mầm non hạng II, III cũ).
Tiếp đó, ngày 9/6, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - ông Thái Văn Thành ký Văn bản số 1127/SGDDT-TCCB về việc bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông. Văn bản nêu đồng ý để Trường ĐH Vinh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 1101/SGDĐT-TCCB ngày 4/6/2021.
Lý giải về việc này, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay: Hiện có hàng nghìn giáo viên phổ thông ở các địa phương đạt tiêu chuẩn “giáo viên chính” – hạng I, nhưng do thiếu chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp tương ứng nên chủ tịch UBND các huyện chưa thể ký bổ nhiệm. Phía địa phương giải thích, hiện chưa có văn bản hướng dẫn hoặc thay thế các văn bản hiện hành nên vẫn áp dụng theo quy định cũ; do đó giáo viên phải có đủ minh chứng mới có thể bổ nhiệm vào ngạch “giáo viên chính”.
Nên chờ hướng dẫn cụ thể
Theo ông Thành, sở chưa tổ chức các lớp bồi dưỡng, mà đang yêu cầu các phòng GD&ĐT rà soát, tham mưu với Chủ tịch UBND huyện: Những giáo viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện (chỉ thiếu chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên) để bổ nhiệm là giáo viên hạng I (hệ số 4.4) thì lập danh sách để tổ chức mở lớp bồi dưỡng. Danh sách này phải được chủ tịch UBND huyện phê duyệt và cam kết, sau khi học xong, được cấp chứng chỉ và đủ tiêu chuẩn thì được bổ nhiệm là giáo viên hạng I.
“Danh sách giáo viên có nhu cầu học cũng phải gửi lên sở GD&ĐT để kiểm tra, rà soát. Chúng tôi làm chắc chắn, không tràn lan, đại trà” – ông Thành nói, đồng thời khẳng định: Chỉ tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên hạng II, không tổ chức bồi dưỡng các chức danh nghề nghiệp giáo viên còn lại.
Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03 đã mang đến nhiều lợi ích cho giáo viên. Nhiều người đang hưởng mức lương hệ số 3,33; 3,66; 3,99, nhưng nếu được bổ nhiệm vào giáo viên hạng I sẽ được hệ số lương là 4,4. Đây cũng là một trong những lý do sở yêu cầu các phòng GD&ĐT rà soát để có thể mở lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu và bảo đảm quyền lợi thiết thực cho nhà giáo.
Bà Tăng Thị Ngọc Mai – đại biểu Quốc hội khoá XIV, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh nêu quan điểm: Việc “chiêu sinh”, mở các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên đã gây ra không ít phiền toái và hệ luỵ đi kèm. Bộ Nội vụ đã có báo cáo với Chính phủ về việc rà soát các loại chứng chỉ, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức; trong đó có đội ngũ giáo viên và Chính phủ đã có ý kiến về việc này. Vì thế, các địa phương nên chờ sự thống nhất và hướng dẫn từ các cơ quan quản lý Nhà nước. “Đề nghị, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ sớm có văn bản hướng dẫn, để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện các bước tiếp theo” – bà Mai nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Khi chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, các địa phương không nên vội vàng mở lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên, tránh lãng phí tiền bạc, công sức của giáo viên và tạo ra dư luận không tốt. Giáo viên cần bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng và cũng không nên sốt sắng việc này. Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ sớm ngồi lại với nhau, tiếp tục rà soát, thống nhất việc cắt, giảm chứng bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.