Bên cạnh những quy định chung, dự thảo Quy chế quy định tổ chức và hoạt động giáo dục trong nhà trường; giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên, học sinh; cơ sở vật chất, tài chính và tài sản; thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục, khen thưởng và xử lý vi phạm.
Dự thảo có riêng 1 điều về cấm lợi dụng danh nghĩa trường phổ thông tư thục. Theo đó ghi rõ: Trường phổ thông tư thục không được cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa, sử dụng cơ sở của trường để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, thực hiện các hành vi vụ lợi không đúng với tôn chỉ mục đích hoạt động giáo dục của trường.
Về chính sách ưu đãi: Trường phổ thông tư thục được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất; hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
Việc khen thưởng, xử lý vi phạm cũng được quy định rõ. Cụ thể, các tập thể, cá nhân của trường phổ thông tư thục có thành tích đóng góp phát triển sự nghiệp giáo dục được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Nếu có đủ căn cứ kết luận trường phổ thông tư thục vi phạm pháp luật, vi phạm các quy chế, quy định của Bộ GD&ĐT; không bảo đảm chất lượng giáo dục, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy, học tập, điều kiện vệ sinh và an toàn thì tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan quản lý trực tiếp có trách nhiệm:
Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện, khắc phục và xử lý các vi phạm; Ra quyết định hủy bỏ việc công nhận chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; Ra quyết định tạm ngừng tuyển sinh, đình chỉ hoạt động giáo dục; Trình cơ quan có thẩm ra quyết định giải thể trường; Xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật.
Theo dự thảo, trường phổ thông tư thục có nhiệm vụ và quyền hạn như trường công lập theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học; Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (sau đây gọi tắt là Điều lệ trường phổ thông) trong việc thực hiện mục tiêu, nội dung, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, phương pháp giáo dục; các quy định liên quan đến giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá, thi, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ; các quy định về công khai, dân chủ, trách nhiệm giải trình, quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội và các quy định tại Quy chế này.
Trường phổ thông tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển; tổ chức các hoạt động giáo dục; xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên; huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông.
Về phân cấp quản lý: Trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép thành lập, Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.
Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng nội dung phối hợp quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục có liên quan của trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông.
Việc phân cấp quản lý đối với trường phổ thông tư thục có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trường phổ thông tư thục là cơ sở giáo dục phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập và hoạt động giáo dục.
Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của trường phổ thông tư thục là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.
Trường phổ thông tư thục có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng.
Xem chi tiết dự thảo TẠI ĐÂY