Hỗ trợ công tác chuyên môn, quản lý
Nhận định về vấn đề này, PGS TS Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nêu quan điểm: Lắp camera trong lớp học có vai trò như một công cụ hỗ trợ công tác chuyên môn chứ không phải lắp để quan sát giáo viên làm đúng hay sai, có xâm phạm trẻ hay không.
Camera không phải là công cụ để cha mẹ biết tình hình học tập của con mình trên lớp. Thông tin này dễ dàng có được nếu họ dành sự quan tâm và thời gian để trao đổi với con mình sau mỗi bài học, mỗi ngày học. Đặc biệt là có sự hiểu biết và phối hợp với giáo viên. Nếu để tình trạng phải nhờ tới camera mới phát hiện được đã quá muộn.
Nhiều trường học đã phát huy hiệu quả của việc lắp camera trong lớp học. Đó là giải pháp công nghệ nhằm thu được âm thanh hình ảnh của giáo viên và các hoạt động của học sinh để phân tích, cải tiến giờ học, cải tiến hoạt động dạy học.
Ảnh minh họa/ INT |
Minh bạch, dân chủ trong nhà trường
Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) nhận định: Lắp camera được coi là một trong những nội dung đảm bảo hoạt động quản lí của nhà trường, góp phần minh bạch hóa, dân chủ trong nhà trường, với mục tiêu tối thượng là đảm bảo an toàn lao động cho nhà trường, đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.
Qua các sự việc đã xảy ra trong thời gian vừa qua, có thể thấy camera có ý nghĩa giúp các cơ quan chức năng có chứng cứ để xử lí giải quyết vấn đề thấu đáo, hợp tình hợp lí. Tuy nhiên, lắp camera ở đâu thì phải được khảo sát và tính toán kĩ lưỡng. Có thể lắp camera trong khu công cộng, tường rào, cổng bảo vệ, các góc khuất ít người qua lại để đảm bảo tài sản, phòng chống trộm cắp. Còn những khu vực riêng tư thì không được lắp.
Việc lắp phải đảm bảo đúng server, cấu hình đủ mạnh để lưu trữ thường xuyên phục vụ công tác khai thác quản lí sau này. Kinh phí lắp camera có thể dựa theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.