Chấm thi tốt nghiệp THPT: Nỗ lực cán đích

Thứ năm - 13/08/2020 00:54 199 0
Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dự kiến được công bố vào ngày 27/8. Bám sát quy chế, các địa phương đã bắt tay vào thực hiện công đoạn của quá trình chấm thi để bảo đảm chất lượng chấm và tiến độ thời gian, kể cả một số địa phương có thí sinh phải thi thay thế vào ngày 11/8.
Chấm thi tốt nghiệp THPT: Nỗ lực cán đích

Thi thay thế không ảnh hưởng đến tiến độ chấm

Tại Điện Biên, thông tin từ Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Kiên, công việc thực hiện nghiệp vụ chuẩn bị chấm thi được tích cực triển khai; dự kiến khai mạc các ban chấm vào ngày 14/8. Điện Biên đã thành lập các ban: Làm phách, chấm thi tự luận, trắc nghiệm. Nhân lực thực hiện chấm thi được chuẩn bị đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng. Theo đó, những người được lựa chọn làm nhiệm vụ này có năng lực chuyên môn, phẩm chất và bảo đảm điều kiện sức khỏe. 

“Với chấm tự luận, địa phương đã nhận được hướng dẫn chấm và phiếu chấm của Bộ GD&ĐT. Tiến độ chấm bảo đảm đúng theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT để phục vụ việc công bố điểm dự kiến vào ngày 27/8” - ông Kiên cho hay.

Trong điều kiện dịch bệnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: Sẽ chú trọng thực hiện nghiêm quy định về chấm thi và phòng chống dịch bệnh. Theo đó, địa điểm tổ chức chấm thi được vệ sinh, khử khuẩn; thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giãn cách… “Chúng tôi  nhấn mạnh công tác tự phòng ngừa, đề cao ý thức từng cá nhân trong việc này. Lãnh đạo các ban làm phách, chấm tự luận, trắc nghiệm cũng có trách nhiệm quán triệt thêm đến các thành viên trong ban” - ông Nguyễn Văn Kiên thông tin.

Ông Lý Thanh Tâm, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước, địa phương có 1 thí sinh phải thi lại cũng cho biết: Công tác chấm thi vẫn được địa phương triển khai bình thường theo đúng kế hoạch và tiến độ. Mọi công tác chuẩn bị, tiến hành chấm, bảo đảm an toàn trong chấm thi và phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định.

Chấm thi tốt nghiệp THPT: Nỗ lực cán đích - Ảnh minh hoạ 2
Các địa phương tổ chức thi đợt 1 đồng loạt chấm thi theo kế hoạch.

 

Hệ thống camera giám sát từng phòng chấm thi

Ngay sau khi công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2020 kết thúc, Hội đồng thi Sở GD&ĐT Đồng Tháp triển khai ngay công việc liên quan đến khâu chấm thi. Theo ông Bùi Quý Khiêm, Ủy viên Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Đồng Tháp, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT, việc bảo quản bài thi của các điểm thi được bố trí tại địa điểm an toàn, bảo mật, có giám sát và bảo vệ 24/24 giờ của công an. Địa điểm làm phách bố trí cùng điểm in sao đề thi, Sở GD&ĐT điều động lực lượng làm phách trên 30 người. Cán bộ Ban làm phách được cách ly triệt để theo quy định của Quy chế thi và không được mang các thiết bị thu phát thông tin vào khu vực làm phách.

Việc chấm thi của Đồng Tháp - kể cả chấm bài thi trắc nghiệm và tự luận - được bố trí chung tại một khu vực. Cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ chấm thi được chuẩn bị đầy đủ; phương án bảo vệ an ninh, phòng cháy chữa cháy được hiệp đồng chặt chẽ với công an tỉnh và triển khai nghiêm ngặt. Toàn bộ lực lượng tham gia chấm thi được huy động khoảng 300 người. Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong khu vực chấm thi cũng sẽ được thực hiện đúng khuyến cáo của ngành Y tế, như đo thân nhiệt trước mỗi buổi làm việc, thực hiện rửa tay sát khuẩn, khuyến khích đeo khẩu trang, không tụ tập đông người trước và sau mỗi buổi…

Ông Bùi Quý Khiêm cho biết: Bài thi Ngữ văn sẽ bắt đầu chấm từ 14/8 và thực hiện chấm 2 vòng độc lập theo quy định Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Ban thư ký hội đồng thi giao túi bài thi đã làm phách và phiếu chấm cho trưởng môn chấm thi. Trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ các tổ trưởng tổ chấm thi, cán bộ chấm thi để quán triệt Quy chế thi, thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận để rút kinh nghiệm, thống nhất cách chấm. Sau đó, tổ chức chấm thi theo quy trình hai vòng độc lập tại hai phòng chấm thi riêng biệt. Việc giao túi bài thi cho cán bộ chấm thi được thực hiện theo hình thức bốc thăm bằng phiếu. Toàn bộ quá trình chấm thi tự luận sẽ được giám sát bằng hệ thống camera đến từng phòng chấm thi.

Chấm thi tốt nghiệp THPT: Nỗ lực cán đích - Ảnh minh hoạ 3
Thí sinh so kết quả thi với đáp án chính thức mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.

 

Với các bài thi trắc nhiệm, các thiết bị máy quét, máy tính được lắp đặt. Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã tiếp nhận phần mềm chấm thi từ Bộ GD&ĐT chuyển giao. Tất cả các bài thi trắc nghiệm được đánh phách điện tử. Mọi dữ liệu đầu vào, dữ liệu trung gian, đầu ra trong quá trình chấm thi trắc nghiệm  được mã hóa. Những dữ liệu này chỉ được giải mã bởi những người có trách nhiệm và với những bộ công cụ tương thích. Việc quét bài thi tiến hành theo từng túi, mỗi túi bài thi sẽ có tối đa 24 bài thi được quét. Ngay sau khi quét, các bài thi cũng được niêm phong ngay lại. Toàn bộ quá trình chấm thi trắc nghiệm sẽ có sự chứng kiến của thanh tra và phía bên ngoài có lực lượng an ninh bảo vệ và giám sát quá trình này.

“Dự kiến Đồng Tháp hoàn thành chấm thi trước 20/8, sau đó thực hiện kiểm dò, gửi dữ liệu về Bộ GD&DT và ngày 27/8 sẽ công bố điểm thi. Sở GD&ĐT cũng đã làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn để bảo đảm kỹ thuật đường truyền, tránh nghẽn mạng khi công bố điểm thi ngày 27/8” - ông Bùi Quý Khiêm cho hay.

Tại An Giang, với tổng số 15.089 bài thi tự luận, 44.606 bài thi trắc nghiệm, tỉnh này huy động 26 cán bộ tham gia ban chấm trắc nghiệm; 168 cán bộ chấm thi tự luận, chia làm 2 tổ chấm. Ngoài ra, Ban chấm thi tự luận còn có 1 trưởng ban và các phó trưởng ban, 12 tổ trưởng phụ trách các phòng chấm, 12 cán bộ chấm kiểm tra. Cùng với đó là lực lượng công an, bảo vệ, phục vụ, y tế theo quy định.

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&DT An Giang, cho hay:  Sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ cho công tác chấm thi; sẽ tiến hành kiểm tra lại các camera giám sát trước khi tiến hành chấm thi. Nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm được tập huấn kỹ. Công an PA03 cử người bảo vệ thường trực 24 giờ/ngày đối với khu vực chấm thi.

“An Giang bắt đầu quy trình chấm thi từ 11/8 - 26/8. Công bố kết quả thi ngày 27/8  theo lịch của Bộ GD&ĐT” – ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.

Những lưu ý trong công tác chấm thi:
 
Lựa chọn khu vực làm phách an toàn, cách ly cán bộ làm phách (không chia nhỏ số bài thi tự luận của Hội đồng thi để làm phách và tổ chức chấm); Tổ chức thảo luận đáp án, chấm chung một số lượng bài theo quy định đối với tất cả cán bộ chấm thi tự luận; Tổ chức chấm 2 vòng độc lập tại các phòng khác nhau; Đặc biệt lưu ý khâu lưu trữ bài thi trong quá trình chấm thi, bảo đảm tuyệt đối an toàn, bảo mật. 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1350 | lượt tải:293

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1048 | lượt tải:272

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2347 | lượt tải:370

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2889 | lượt tải:471

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2212 | lượt tải:317
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay1,809
  • Tháng hiện tại43,485
  • Tổng lượt truy cập49,749,250
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944