Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: “Tam hóa giáo dục”…

Chủ nhật - 26/12/2021 06:08 289 0
GD&TĐ - “Tam hóa giáo dục” ngày nay không chỉ góp phần chấn hưng giáo dục, mà còn chấn hưng văn hóa, tạo nên trạng thái “Học thật/Dạy thật/Quản lý thật” trong đời sống xã hội.
Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: “Tam hóa giáo dục”…

Ba lần đổi mới giáo dục đều hướng vào chấn hưng văn hóa

Lần thứ nhất, thay thế giáo dục thực dân phong kiến bằng giáo dục mang tinh thần văn hóa “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng”.

Trong tác phẩm “Luận bàn về Giáo dục - Quản lý Giáo dục - Khoa học Giáo dục” (NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2014), GS Phạm Minh Hạc có kiến giải: Giáo dục và văn hóa có quan hệ mật thiết nhất, mật thiết đến mức nhiều lúc đã đồng nghĩa hai thuật ngữ này: Trong lí lịch khai trình độ văn hóa – thực ra là trình độ học vấn; nói bổ túc văn hóa – thực ra là giáo dục bổ túc, giáo dục thường xuyên. 

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ trình bày đường lối nội chính. Về giáo dục, ông khẳng định:

“Nền giáo dục đang ở thời kỳ tổ chức, chắc chắn là bậc sơ học sẽ cưỡng bách, bậc trung học không có học phí, học trò nghèo sẽ được cấp học bổng. Việc giảng dạy hết sức thiết thực, sẽ đặc biệt chú trọng đến sự rèn luyện đức tính cần thiết trong cuộc đời đoàn thể rộng rãi và năng lực kỹ thuật cần lao của con người ”.

Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị: Mở chiến dịch chống giặc dốt. Ngày 8/9/1945 (chưa đầy một tuần sau Tuyên ngôn độc lập), Chính phủ ký 4 Sắc lệnh về giáo dục:

Sắc lệnh số 16/SL đặt ra ngành Thanh tra giáo dục, cử ông Đặng Thai Mai làm Thanh tra Giáo dục trung học, ông Nguyễn Hữu Tảo làm Thanh Tra Giáo dục tiểu học; Sắc lệnh số 17/SL thành lập Nha Bình dân học vụ; Sắc lệnh số 19/SL quy định hạn trong 6 tháng, làng nào thị trấn nào cũng phải có lớp bình dân học vụ; Sắc lệnh số 20/SL cưỡng bức học chữ Quốc ngữ, với thời hạn một năm tất cả người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.

Khai giảng năm học 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi học sinh Việt Nam, khẳng định quyết tâm của chính quyền mới, xây dựng nền giáo dục để đào tạo học sinh Việt Nam thành những công dân hữu ích, nền giáo dục giúp phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của học sinh Việt Nam.

Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 43 thành lập Quỹ tự trị đại học. Sắc lệnh nêu rõ: “Việc quản trị quỹ đó do một Hội đồng quản trị gồm có ông Giám đốc Đại học vụ làm Chủ tịch, ông Đổng lý văn phòng Bộ Quốc gia giáo dục làm Phó Chủ tịch”.

Ngày 10/8/1946, Chính phủ ký Sắc lệnh số 146/SL quy định, nền giáo dục bao gồm: Bậc học cơ bản 4 năm, bậc học tổng quát và chuyên nghiệp, bậc đại học. Cùng ngày ban hành Sắc lệnh 147/SL quy định bậc học cơ bản không phải trả tiền, các môn học dạy học bằng tiếng Việt…

Kháng chiến toàn quốc (19/12/1946) có làm gián đoạn một số mục tiêu chung, nhưng ở vùng tự do do chính quyền Cách mạng điều hành nền giáo dục mới, tiếp tục phát triển 3 ngành: Bình dân học vụ, phổ thông, đại học.

Năm 1950, ở vùng tự do, tiến hành cải cách giáo dục lần thứ nhất xác định mục tiêu đào tạo con người lấy “Nhân – Nghĩa – Trí – Dũng – Liêm” là các giá trị cốt lõi của nhân cách. Thành quả của cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất đã thúc đẩy giáo dục, góp phần xứng đáng vào Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5/1954), chấm dứt sự cai trị của thực dân Pháp.

Năm 1956, miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tiến hành cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai, có mục tiêu xây dựng nhà trường lao động với nguyên lý giáo dục: Học đi với lao động/Lý luận đi với thực hành/Cần cù đi với tiết kiệm. Thành quả của cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai là đào tạo lớp người góp phần xứng đáng vào chiến thắng của sự nghiệp đấu tranh chống sự xâm lược của Mỹ, tái thống nhất đất nước (30/4/1975).

Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: “Tam hóa giáo dục”… - Ảnh minh hoạ 2
Gìn giữ văn hóa thông qua các hoạt động trong nhà trường.

Ba tượng đài anh hùng giáo dục mà các cuộc cải cách giáo dục đã kiến tạo được: Trường cấp 2 Bắc Lý với Minh triết giáo dục “Tất cả vì học sinh thân yêu”; Trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình với sự tổ chức có hiệu quả “Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”; Trường học xã Cẩm Bình đề ra phương thức giáo dục cho mọi người và huy động sức mạnh của xã hội cho phát triển giáo dục.

Cải cách giáo dục lần thứ ba tiến hành vào năm 1979. Ngày 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng. Tuy nhiên, qua 4 năm mới thực hiện sự hợp nhất hệ thống giáo dục Việt Nam dân chủ cộng hòa và hệ thống giáo dục ở miền Nam có từ trước 30/4/1975 thành hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất, bao quát 5 ngành học: Giáo dục nhà trẻ mẫu giáo, ngày nay là giáo dục mầm non; Giáo dục phổ thông; Giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp; Giáo dục đại học; Giáo dục bổ túc – tại chức, ngày nay là giáo dục thường xuyên.

Đổi mới giáo dục lần thứ hai. Từ tháng 12/1986, chuyển động thái giáo dục từ sự chi phối bởi kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, thực chất là định hướng phát triển nhân văn để xây dựng xã hội học tập.

Tháng 12/1986, đất nước có sự điều chỉnh chiến lược đặt ra mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 21/8/1987, ngành Giáo dục có sự chuyển hướng theo tổng lộ tuyến này. Nhà nước có chủ trương tái lập trường ngoài công lập (1989). Tháng 4/1990, Chính phủ thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở hợp nhất: Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục.

Ngành GD-ĐT từ năm 1990 có các giải pháp thúc đẩy sự nghiệp giáo dục quốc dân thích ứng đường lối đổi mới, xây dựng nền giáo dục với các mô hình như: Xây dựng Trường học thân thiện, học sinh tích cực. Sau thời điểm này, đất nước tiến hành các kế hoạch và chiến lược theo tinh thần PPP (Public – Private Partnership): Công tư cùng phối hợp thực hiện sự nghiệp phát triển giáo dục.

Từ năm 1990, đặc biệt từ sau khi Việt Nam tham gia WTO, hệ thống tư thục được phát triển mạnh mẽ tại các thành phố lớn. Hiện nay, đã hình thành một số nhân tố có tính “Tập đoàn giáo dục” phát triển nhà trường liên cấp từ mầm non đến đại học. Nhiều doanh nghiệp lớn có đầu tư đáng kể: Xây dựng các trường chất lượng cao, các trường theo tiêu chí: “Trường học hạnh phúc”.

Đổi mới giáo dục lần thứ ba. Từ bỏ giáo dục “Quyền uy – Ban ơn – Tư duy đồng phục” tiến đến giáo dục “Hợp tác – Nhân văn – Sáng tạo”. Hai lần đổi mới giáo dục trên dù mang lại nhiều thành tựu, song ở một số nơi, một số nhà trường tư tưởng sư phạm quyền uy ban ơn vẫn còn nặng nề.

Minh triết giáo dục “Tất cả vì học sinh thân yêu” chưa thấm sâu vào quá trình dạy học. Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện nền GD-ĐT… thường gọi là NQ 29/TW khóa XI. Nghị quyết này xác định đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết từ tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung phương pháp, cơ chế, chính sách…

Một số nhà nghiên cứu coi đây là “Đổi mới trạng thái văn hóa của giáo dục”, kiến tạo được nền giáo dục, tiến tới tính toàn vẹn theo mục tiêu: “Giáo dục của dân – do dân – vì dân”. Bác Hồ từng đề cập trong Di chúc (1969) “Đầu tiên là công việc với con người”. Giáo dục phải hướng vào hạnh phúc của con người.

Sự phát triển giáo dục phải đặt trên phương châm, “Phát triển nhân văn” (Human Development). Đó là sự phát triển không ngừng đáp ứng nhu cầu của con người, nâng cao năng lực lựa chọn và mở rộng cơ hội lựa chọn cho con người.

Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: “Tam hóa giáo dục”… - Ảnh minh hoạ 3
Văn hóa đọc trong nhà trường cần được phát huy. Ảnh minh họa

Thấm nhuần tinh thần “Tam hóa”

Tam hóa là thuật ngữ/phạm trù do các nhà khoa học ở Viện Trí Việt (IVM) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đề xuất, bao gồm: Hiện đại hóa tinh hoa tư tưởng văn hóa/giáo dục của tiền nhân; Việt Nam hóa các giá trị văn hóa/giáo dục tiên tiến của thời đại; Lành mạnh hóa đời sống văn hóa/giáo dục thực tiễn đang diễn ra.

Vận dụng vào cuộc sống hiện nay, các hội thảo được tổ chức tại Hà Nội và Đồng Tháp trong các năm 2019 - 2021 và đi tới một số khuyến nghị cụ thể sau: Nghiên cứu chu đáo tư tưởng văn hóa giáo dục của tiền nhân qua di sản của các nhà văn hóa lớn như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh để xây dựng sự dạy học quán triệt tinh thần: Cùng Lý – Chính Tâm – Trừ Tà – Cự Bế; Nên thợ, nên thầy vì có học; No ăn, no mặc bởi hay làm; Học để làm việc – làm người, muốn đạt mục đích phải Cần - Kiệm - Liêm – Chính.

Các thông điệp này được nhắc lại và truyền thông rộng rãi, đề nghị các nhà trường vận dụng trong bối cảnh đất nước tiến sâu vào hội nhập.

Vận dụng các kinh nghiệm giáo dục hay của các nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, ASEAN và đề xuất áp dụng cho đất nước. Khuyến nghị các nhà trường thực hiện nghiêm túc điều Huấn đức mà nhà chính trị Phạm Văn Đồng từng đề xuất: “Trường ra trường, lớp ra lớp; thầy ra thầy, trò ra trò; dạy ra dạy, học ra học”.

Cứ xem định nghĩa về văn hóa thì thấy, văn hóa bắt nguồn từ giáo dục. Theo nghĩa rộng của từ này: Văn hóa là gieo trồng, lĩnh hội và sáng tạo trong quá trình sinh sống và hoạt động xây dựng nên một chất lượng mới từ những học vấn kinh nghiệm sống… do từng người, cộng đồng, dân tộc và cả loài người tạo lập nên sự phong phú tinh thần của mình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập786
  • Hôm nay30,781
  • Tháng hiện tại308,911
  • Tổng lượt truy cập51,664,870
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944