Những thay đổi, cải tiến trong công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT là một để xã hội đánh giá lại các trường ĐH, CĐ mà CBQL của một trường ĐH gọi là sự phân luồng của xã hội và ngành Giáo dục phải làm quen với việc này.
Thí sinh quan tâm nhiều đến đầu ra
Tốt nghiệp THPT năm 2018, Võ Văn Tài (quê ở huyện Tuy An – Phú Yên) khăn gói vào TPHCM làm phụ hồ trong một năm, với quyết tâm dành dụm tiền để tiếp tục học lên ĐH. Kỳ tuyển sinh ĐH năm 2019 vừa qua, Tài nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng). “Em được các anh SV cùng quê của những khóa trước tư vấn theo học ngành này vừa bảo đảm đầu ra, vừa có thể đi làm sớm để kiếm thêm thu nhập.
Mẹ em mất sớm, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, xác định phải tự lập trong suốt quá trình học, kẹt lắm mới nghĩ đến giải pháp vay vốn SV nên với em, trường nào có học phí ổn định, đầu ra tốt sẽ ưu tiên lựa chọn. Theo em tìm hiểu, thời gian học thực hành nhiều hơn, dễ dàng đáp ứng yêu cầu về tay nghề khi tuyển dụng lao động” – Võ Văn Tài chia sẻ.
Thị trường lao động đã tác động rất lớn đến kết quả tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Một CBQL của ĐH Đà Nẵng nhận xét rằng: “Các ngành có thương hiệu, thị trường có nhu cầu tuyển dụng lớn thường tuyển đủ dù tỷ lệ gọi dự phòng không nhiều. Rõ ràng, thị trường lao động đã có ảnh hưởng lớn đến việc chọn trường, chọn ngành của thí sinh và thông qua đó sẽ tác động đến công tác đào tạo của trường. Ví dụ rõ nhất là vài năm trở lại đây ngành tài chính ngân hàng, tàu thủy… tuyển sinh khó khăn, trong khi ngành cơ khí, công nghệ ô tô… thì ngay cả bậc cao đẳng cũng được rất nhiều thí sinh chọn lựa”.
Từ mùa tuyển sinh 2018, việc công bố tỷ lệ SV có việc làm sau một năm tốt nghiệp là yêu cầu bắt buộc trong đề án tuyển sinh của các trường ĐH. Đây là một trong những chủ trương tốt để các trường công khai chất lượng đào tạo và cũng là một trong những thông tin để học sinh phổ thông và phụ huynh tham khảo trong lựa chọn ngành nghề.
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cam kết sẽ giới thiệu việc làm cho SV tốt nghiệp loại khá trở lên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), ngoài kết hợp với doanh nghiệp trong chương trình tư vấn tuyển sinh còn tăng cường công tác thực tập, kiến tập doanh nghiệp với chương trình Học kỳ doanh nghiệp để SV tiếp cận sớm và thường xuyên với môi trường sản xuất, kinh doanh thực tế.
Trường ĐH Duy Tân tổ chức Ngày hội việc làm theo từng khối ngành đào tạo để tăng cơ hội kết nối giữa SV và nhà tuyển dụng. Trường ĐH Đông Á luôn tìm kiếm các hợp đồng cung ứng nhân lực với các đối tác tại Nhật Bản và một số nước châu Âu để đưa SV đi làm việc tại nước ngoài theo chương trình thực tập sinh hoặc làm việc ngắn hạn….
Ảnh minh họa/ INT |
Tự chủ gắn liền với công khai và tự chịu trách nhiệm
GS.TSKH Bùi Văn Ga – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - phân tích: “Trong giai đoạn trước mắt cũng như tương lai lâu dài, nguồn tuyển sinh có chất lượng luôn là thách thức mà các trường ĐH nói chung phải đối mặt. Nếu trước đây, có trường, có chỉ tiêu tuyển sinh là có học sinh đến học thì nay mọi thứ đã khác. Học sinh ngày nay có quá nhiều sự lựa chọn, không phải chỉ học trong nước mà đi học nước ngoài.
Vì thế phải liên tục nâng cao chất lượng để cạnh tranh thu hút SV giỏi, từ việc đổi mới chương trình đào tạo, phát triển nghiên cứu khoa học đến cập nhật thường xuyên nội dung, phương pháp giảng dạy để tạo ra những thế hệ SV mới thích nghi với môi trường sản xuất đang thay đổi nhanh chóng. Điều này không thể có được trong một sớm một chiều mà phải được chuẩn bị và đầu tư lâu dài”.
Trước đây, khi trường còn hoạt động trong cơ chế ít nhiều được Nhà nước bao cấp, lãnh đạo nhà trường ít phải lo toan hơn. Trong cơ chế tự chủ, quyền của nhà trường được mở rộng nhưng đi kèm với tự chủ là tự chịu trách nhiệm. Tập thể lãnh đạo nhà trường ngày nay phải luôn lo toan tìm kiếm các nguồn lực để đảm bảo cho hoạt động của nhà trường”.
Một khó khăn của các trường ĐH, nhất là trường ĐH địa phương trong công tác tuyển sinh là “sự lựa chọn của SV ngày nay còn phụ thuộc vào môi trường xã hội, sự phát triển của địa phương nơi nhà trường đặt địa điểm hoạt động. Điều này không có gì lạ vì SV đến học là nhắm đến cơ hội việc làm, môi trường để giao lưu, kết nối” – GS.TSKH Bùi Văn Ga phân tích.
Từ kinh nghiệm của ĐH Đà Nẵng trong xây dựng học hiệu, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng - chia sẻ: “Việc kiểm định độc lập cơ sở giáo dục đại học, tham gia kiểm định bởi các tổ chức quốc tế và khu vực, xếp hạng, phân tầng đại học, năng lực giảng viên, bao gồm cả giảng dạy và nghiên cứu, cơ sở vật chất và tỷ lệ SV có việc làm sau khi tốt nghiệp – thực chất – sẽ quyết định tất cả”. Tạo dựng thương hiệu trong đào tạo để cải thiện chất lượng đầu vào, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết tốt đầu ra cho SV là cách làm bền vững nhất trong thu hút tuyển sinh ĐH, CĐ mà các cơ sở đào tạo cần hướng tới.