Tôi được phân công làm công tác thư viện - thiết bị (có quyết định hằng năm của hiệu trưởng) tại một trường tiểu học. Hiện, tôi có chứng chỉ nghiệp vụ làm công tác thiết bị nhưng chưa có chứng chỉ nghiệp vụ thư viện và được xếp vào ngạch kỹ thuật viên. Xin hỏi, trường hợp của tôi có được hưởng phụ cấp độc hại như nhân viên thư viện các trường khác không? Nguyễn Yến (nguyenyen***@gmail.com)
Nhân viên thư viện - thiết bị trong trường tiểu học thuộc nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung, được tuyển dụng để thực hiện nhiệm vụ công tác thư viện trường học và được áp dụng quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các chế độ, chính sách về lương, phụ cấp độc hại, các phụ cấp khác được áp dụng như quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (tại Điều 8 và Khoản 5 Điều 20 Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập).
Theo đó, chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm viên chức làm thư viện trường học được áp dụng như quy định tại Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21/2/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa - thông tin.
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm, nếu làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 tiếng trở lên thì được tính cả ngày làm việc. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ do ngân sách Nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm của cơ quan, đơn vị;
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho các đối tượng thuộc cơ quan thực hiện khoán biên chế và chi phí quản lý hành chính và đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ tự chủ tài chính do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ. Đối với các doanh nghiệp được tính trong đơn giá tiền lương và hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông.
Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Email: bandocgdtd@gmail.com
Tác giả bài viết: GD&TĐ
Ý kiến bạn đọc