Các chuyên gia, giáo viên chia sẻ về điều này từ kinh nghiệm thực tế, nghiên cứu khoa học và bài học quốc tế…
Với gần 20 năm đứng lớp, tôi thấy dịp nghỉ Hè là thời gian học sinh mong chờ nhất. Ngoài nghỉ ngơi, vui chơi thì đây cũng là dịp các em có thể ôn tập lại bài cũ, lấp chỗ hổng kiến thức; nhiều học sinh có thể nâng cao, tìm hiểu kiến thức mới. Vậy quyết định tham gia học Hè hay không và học gì tùy thuộc vào nhu cầu, mong muốn của mỗi em.
“Chúng ta đang sống trong nền văn hóa cạnh tranh ngày càng cao. Nỗi sợ không vào được trường THPT, trường đại học tốt nhất làm trầm trọng hóa thêm phản ứng lo lắng từ phụ huynh, dẫn đến việc áp đặt học tập cho trẻ trong kỳ nghỉ Hè một cách quá tải. Điều này khiến học sinh ảnh hưởng nhiều về sức khỏe, trong đó có sức khỏe tinh thần và kỹ năng xã hội để cố gắng duy trì điểm cao”. - PGS.TS Trần Thành Nam
Nếu có nhu cầu học Hè, các em có thể lựa chọn học các bộ môn mình mong muốn ôn tập hoặc nâng cao kiến thức. Thậm chí học bộ môn hay kiến thức mới như thể thao, nghệ thuật, trang bị kỹ năng mềm…
Việc học thêm kiến thức mới giúp các em cảm thấy hào hứng, vui vẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, học kiến thức trong Hè cần hài hòa với thời gian nghỉ ngơi, vui chơi.
Nếu chúng ta bắt trẻ thực hiện thời gian biểu học tập dày đặc từ sáng đến tối khiến mỗi ngày của trẻ như ngắn lại, ít có cơ hội trải nghiệm hơn. Từ đó dẫn đến sự thụ động, uể oải, không hứng thú học tập. Hơn nữa, cố gắng nhồi nhét kiến thức trong 3 tháng Hè bằng việc bắt học sinh đi học thêm tràn lan khiến không hiệu quả. Điều đó cũng làm các em quá tải và sợ hãi. Mùa Hè trở thành kỳ nghỉ “ám ảnh”.
Để có mùa Hè bổ ích đúng nghĩa, phụ huynh và học sinh cần cân bằng giữa vui chơi và học tập, đặt ra mục tiêu, kế hoạch vừa sức, đồng thời thực hiện nghiêm túc, tránh việc ngủ muộn, dậy trễ, dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử hoặc quay cuồng giữa các lớp học thêm.
Hè là thời gian cho học trò trải nghiệm thêm về những hoạt động phát triển kỹ năng, năng khiếu như đàn, ca hát, nhảy múa, các bộ môn thể thao yêu thích, phát triển kỹ năng giao tiếp, tự tin trước đám đông, học kỹ năng sống, phát triển kỹ năng liên quan đến cảm xúc và tương tác, tìm hiểu kiến thức mới… Từ đó, giúp các em cảm thấy vui vẻ, hào hứng và hoàn thiện bản thân.
PGS.TS Trần Thành Nam trong một buổi thuyết trình. Ảnh: NVCC |
Kết thúc năm học và nghỉ Hè là khoảng thời gian đầy hào hứng đối với mỗi học sinh. Các em kỳ vọng sẽ được nghỉ trọn vẹn 1 - 2 tháng xả hơi, nghỉ ngơi tự do, thoải mái. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ lại sốt ruột và thấy thời gian trôi qua lãng phí mỗi khi đi làm về chứng kiến con nằm dài trên ghế xem tivi, chơi điện tử hoặc lướt điện thoại thông minh. Họ tự hỏi, liệu có phải chúng làm điều này cả ngày không, rồi lo sợ con sẽ tụt hậu so với các bạn…
Trên thực tế, nỗi lo lắng này của cha mẹ không phải không có nguyên cớ. Đối với học sinh tiểu học, những nghiên cứu đi trước chỉ ra, sau thời gian nghỉ Hè thường dẫn đến sự thoái lùi về kỹ năng và tốc độ đọc viết cơ bản, đặc biệt với trẻ có khó khăn học tập và ở những khu vực có mức sống thấp. Thời gian nghỉ Hè dài cũng tỷ lệ thuận với tăng trọng lượng cơ thể, giảm sức khỏe tim mạch và giảm cường độ vận động ở học sinh trong độ tuổi đi học.
Nghiên cứu còn chỉ ra, với gia đình có thu nhập và tình trạng kinh tế xã hội thấp, kỳ nghỉ Hè không phải để thư giãn mà trở thành thời gian căng thẳng, bị lạm dụng sức lao động; mâu thuẫn giữa thành viên trong gia đình tăng, các em bị bắt nạt, bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực và phải đương đầu với nhiều nguy cơ do thiếu đi sự quan tâm giám sát của người lớn.
Những nguy cơ từ nghiên cứu cũng như nỗi sợ không kiểm soát được, sợ con bị tụt hậu về học tập, trở nên “hư” và bị ảnh hưởng xấu từ môi trường tự do thiếu giám sát trong Hè nên nhiều gia đình cố gắng ép con đến các lớp học và ngoại khóa.
Vấn đề khó khăn là cha mẹ phải xác định được “mức chịu tải” để chỉ tạo vừa đủ sự động viên, khích lệ các em không bỏ mặc hoạt động học tập, có thể dẫn đến thoái lùi kỹ năng học tập đã đạt trong năm học; nhưng cũng không để trẻ quá tải lo lắng, sợ hãi học Hè, không có cơ hội thư giãn, khám phá tiềm năng bản thân, rèn luyện các kỹ năng xã hội.
Để làm được điều này, cha mẹ trước tiên không đối lập giữa việc học và chơi. Học qua chơi trong kỳ nghỉ Hè thường rất có hiệu quả. Cha mẹ cần sáng tạo trong thiết kế chương trình học tập mùa Hè với các hoạt động thực hành trải nghiệm, qua các hình thức nghệ thuật, thể thao và tổ chức để tạo ra những mối quan hệ có ý nghĩa.
Đừng ép con học theo ý của người lớn. Cha mẹ chỉ cần thừa nhận với con sự lo lắng của bản thân về nguy cơ thoái lùi các kỹ năng học tập để khuyến khích con không lơ là ôn luyện, hoặc nên duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày. Trừ trường hợp trẻ gặp những vấn đề về trí tuệ, như rối loạn phát triển hoặc học tập dẫn đến tụt lại phía sau đáng kể thì mùa Hè nên được thiết kế như một học kỳ tăng cường để có thể đuổi kịp bạn trong lớp.
Còn những trường hợp khác, mùa Hè sẽ là cơ hội tuyệt vời để dạy con cách kiểm soát thời gian, duy trì sự tập trung chú ý, để trẻ được tự quyết định và tỏa sáng theo cách của mình. Ví dụ, học sinh muốn học kỹ năng mới như cách sử dụng một nhạc cụ, hoặc ngôn ngữ mới. Cũng có thể con thích tham gia tình nguyện giúp đỡ nhóm yếu thế... Đó cũng là những việc mà cha mẹ nên khuyến khích con “học” trong Hè.
Cha mẹ chỉ cần định hướng con suy nghĩ lên kế hoạch hằng ngày một cách toàn diện, gồm hoạt động theo sở thích bản thân (những gì con muốn làm); hoạt động vì công việc, nghề nghiệp tương lai (bao gồm cả học ôn kiến thức hàn lâm và trải nghiệm rèn kỹ năng xã hội); hoạt động để duy trì, phát triển các mối quan hệ xã hội (làm việc nhà, giữ gìn môi trường sạch đẹp ở nơi công cộng thể hiện trách nhiệm công dân...).
Cách tốt nhất là khuyến khích trẻ tự tìm hiểu, đọc sách, trò chuyện với chuyên gia, đến thăm viện bảo tàng hoặc hoạt động trải nghiệm thực tế khác. Cha mẹ thay vì giao “tác phẩm vĩ đại” trong dịp Hè, hãy biến nó trở thành hành trình hướng dẫn con trong những hoạt động STEM; học cách nhường lại quyền kiểm soát của mình cho con trẻ.
Ảnh: NVCC |
Các nhà nghiên cứu giáo dục chia hoạt động học Hè thành 3 nhóm. Thứ nhất, nhóm học để duy trì sự linh hoạt chủ động não bộ. Nhóm này được thiết kế để tránh hiện tượng tâm lý “tinh thần rệu rã sau nghỉ Hè”, hoạt động học tập tập trung vào duy trì thói quen học.
Ở nhóm hoạt động này, tùy vào lứa tuổi, cần thiết kế các hoạt động yêu cầu học sinh chủ động tương tác với kiến thức, kích thích tò mò, truy vấn, tiếp cận vấn đề thực tế, trả lời các câu hỏi. Cần lưu ý, ngoài học tập hàn lâm có thể được kết hợp trong các hoạt động khác như trại Hè, chương trình đọc sách, chuyến đi trải nghiệm, du lịch, tham quan, buổi thảo luận về các vấn đề học sinh quan tâm…
Thứ hai, nhóm các hoạt động học để củng cố kiến thức. Rất nhiều nghiên cứu được thực hiện về hiện tượng “rơi rớt kiến thức sau Hè” khi học sinh có những gián đoạn trong học tập. Một trong những nghiên cứu gần đây ở Hoa Kỳ chỉ ra rằng, sau Hè, học sinh có thể “đánh rơi” kiến thức tương đương một tháng học tập nói chung, hoặc 2 tháng nói riêng đối với môn Ngữ văn, và 2,5 tháng với môn Toán.
Do vậy, với học sinh được đánh giá học lực thấp tới trung bình, học Hè cần tập trung vào củng cố kiến thức đã học thay vì lập tức theo đuổi những cái “mới”. Ở Mỹ, thời gian nghỉ Hè có thể khiến giáo viên cần 6 tuần đề bù đắp lại kiến thức và kỹ năng đã bị “rơi rớt” của học sinh. Ở Việt Nam, nhiều trường học tự chủ có chính sách bắt đầu năm học sớm cũng để chuẩn bị tốt nhất cho học sinh khi chuyển khối. Điều này đặc biệt cần thiết với học sinh cấp tiểu học, như các em lớp 1.
Thứ ba là nhóm có nhu cầu học “thêm”: Học thêm kiến thức ở mức độ cao hơn, học trước một số cấu phần của chương trình chính khóa; hoặc học thêm những bộ môn, kỹ năng… học sinh chưa từng tiếp cận. Thường đây là những học sinh có học lực tốt, nắm vững chương trình chính khóa. Các hoạt động học thêm rất đa dạng, ở Mỹ cũng như Việt Nam, học sinh trung học thường dành thời gian để ôn thi các chứng chỉ, môn thi lấy điểm xét tuyển đại học.
Ở các cấp học dưới, đặc biệt THCS, xu hướng chung của thế giới là hoạt động để phát triển toàn diện, như học thêm về mỹ thuật, âm nhạc, bộ môn thể thao, hoạt động STEM như học lập trình, làm robot, trại Hè thí nghiệm khoa học… Các nước đang phát triển, học sinh thường tập trung cao độ vào học thêm môn hàn lâm. Còn các nước phát triển có xu hướng phát triển cá nhân hóa theo nhu cầu học sinh.
Học Hè là nhu cầu chính đáng và hoạt động phổ biến trên thế giới, cả các quốc gia phát triển lẫn đang phát triển. Tuy nhiên, học Hè cần có nguyên tắc tổ chức (an toàn - phù hợp) và định hướng tham gia (mục tiêu - kỳ vọng) cụ thể; cân bằng về tâm lý, thể chất cho học sinh.
Khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quyết định học thêm Hè, phụ huynh cần cân nhắc các yếu tố văn hoá đặc thù mỗi quốc gia. Ví dụ, tại Nhật Bản, các trung tâm học thêm Juku rất phổ biến vào Hè vì kỳ thi vào trường cấp ba và đại học ở quốc gia này đặc biệt khó và có tính cạnh tranh cao, áp lực học tập, thành tích lớn.
Ngược lại, tại Phần Lan, học sinh thường có kỳ nghỉ Hè với triết lý tái tạo sức lực, chỉ xen kẽ hoạt động giáo dục không chính thức, tự phát. Tuy nhiên Phần Lan, cũng như Đức, có năm học kéo dài hơn để tránh học sinh bị rơi kiến thức. Còn tại Hoa Kỳ, bang và liên bang có chính sách chiến lược, đầu tư chục tỷ USD cho các “chương trình Hè” (Summer program) để học sinh có được lợi thế phát triển.
“Lựa chọn đầu tư vào môn, lĩnh vực, kỹ năng nào để học Hè cần xem xét nhu cầu, năng lực của trẻ và yêu cầu khách quan xã hội, không phải theo một trào lưu. Như vậy, học sinh và gia đình sẽ có kỳ nghỉ Hè đạt được 3 tiêu chí quan trọng: An toàn - khỏe mạnh, phát triển - hòa nhập, cá nhân hóa - hạnh phúc”. - Thầy Ngô Huy Tâm - Chủ nhiệm Chương trình quốc tế, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa, Hà Nội
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc