Trang bị ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ giáo viên
Dạy và học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) là để duy trì, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Do đó, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Đại học Thái Nguyên mở các lớp bồi dưỡng tiếng DTTS cho cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy.
Tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, lớp học bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số được tổ chức từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2023, lớp học có sự tham gia 41 học viên là cán bộ giáo viên các trường Mầm non Tiểu học trên địa bàn huyện. Trong thời gian 3 tháng, các học viên sẽ được bồi dưỡng 114 tiết học.
Nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng sử dụng chương trình tiếng Tày giao tiếp được biên soạn và phát hành dành đào tạo cho cán bộ, công chức, viên chức.
Chương trình gồm 2 phần: Giao tiếp cơ bản và Giao tiếp mở rộng: Phần Giao tiếp cơ bản giúp người học hình thành những hiểu biết và kỹ năng cơ sở về tiếng Tày: hệ thống ngữ âm, vốn từ ngữ cơ bản, những mẫu câu tối thiểu và những cách diễn đạt tư tưởng, tình cảm trong những tình huống giao tiếp thông thường như: chào hỏi, giới thiệu, không gian, thời gian,…
Phần Giao tiếp mở rộng gồm các nội dung, kỹ năng giao tiếp mở rộng, nhằm hoàn thiện những tri thức và kỹ năng cơ sở, đồng thời nâng cao trình độ sử dụng tiếng Tày trong những lĩnh vực giao tiếp thông qua các chủ đề. Cùng với đó, các học viên sẽ được đi thực tế tại cơ sở để giao tiếp và viết được những từ thông dụng trong cuộc sống hàng ngày đáp ứng được mục đích, yêu cầu của lớp bồi dưỡng.
Kết thúc khóa học cơ bản các học viên đã có nhiều cố gắng trong học tập, khắc phục mọi khó khăn để tham gia đầy đủ, nghiêm túc và đạt được mục tiêu khóa học.
Các học viên được trang bị những kiến thức về ngôn ngữ, chữ viết tiếng Tày để có thể giao tiếp, hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán sinh hoạt của người Tày. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ giáo viên làm tốt công tác giảng dạy cũng như triển khai công tác dân vận ở cơ sở trên địa bàn huyện. Kết quả 100% học viên đủ điều kiện cấp chứng chỉ.
Tiến sĩ Triệu Quỳnh Châu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và phát triển vùng Đại học Thái Nguyên chia sẻ: Trung tâm được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ ở vùng biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giáo viên dạy tiểu học, giáo viên mầm non về một số tiếng dân tộc như: Tiếng Tày, tiếng Mông, tiếng Dao.
Tại các địa phương nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng lớp học đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, sự tích cực tham gia của các học viên.
Thông qua lớp bồi dưỡng đã góp phần giúp trang bị ngôn ngữ, chữ viết cho cán bộ, công chức, viên chức, các thầy cô giáo có thể giao tiếp, hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán sinh hoạt của người Tày, vận động đồng bào dân tộc Tày làm theo đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, giúp đỡ đồng bào áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật vào tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, ổn định an ninh chính trị tại địa phương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Tày, phát triển văn hóa du lịch tại địa phương.
Phát huy hiệu quả tích cực trong quá trình công tác
Là một trong những học viên của lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, cô giáo Nông Thị Hiến, Hiệu trưởng trường mầm non Lương Thượng, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Chúng tôi được tham gia lớp học tiếng Tày là để duy trì, bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết các dân tộc. Bên cạnh đó, sau khi tham gia tập huấn, bồi dưỡng chúng tôi có thể ứng dụng vào trong công tác.
Năm vừa qua, trường Mầm non Lương Thượng có 3 cán bộ giáo viên tham gia lớp tập huấn và bồi dưỡng tiếng Tày, do chúng tôi đều là người đồng bào DTTS nên quá trình học tập không gặp nhiều khó khăn, các thầy cô cũng luôn quan tâm, chỉ bảo tận tình bên cạnh đó các tiết thực hành cũng như ôn tập rất sát với thực tế.
Cũng theo cô giáo Nông Thị Hiến, do đặc thù là một trong những trường miền núi ở vùng khó khăn, các em học sinh chủ yếu là người đồng bào DTTS chính vì vậy, khi được tập huấn bồi dưỡng tiếng Tày đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác, cũng như dạy dỗ và chăm sóc trẻ.
Dù là người bản địa nhưng một số từ ngữ các em phát âm chưa chuẩn. Bên cạnh đó, có nét văn hóa truyền thống học sinh chưa được tiếp cận, trải nghiệm. Do đó, các cô giáo dạy song song tiếng phổ thông và tiếng Tày để các em dễ hiểu, nắm bắt và ghi nhớ kiến thức. Được bồi dưỡng tiếng DTTS sẽ giúp thầy, cô thuận lợi trong quá trình giao tiếp, dạy học cho học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên dễ dàng trao đổi, tuyên truyền với phụ huynh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”, cô Nông Thị Hiến chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc