Thích ứng với đổi mới
Theo PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng GDMN, Bộ GD&ĐT: Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) ban hành năm 2009 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu về lý luận và thực tiễn trong phát triển GDMN Việt Nam và tiếp cận những xu hướng tiên tiến trong GDMN của các nước trong khu vực và trên thế giới. Thể hiện được quan điểm của GDMN là giáo dục toàn diện, tích hợp và lấy trẻ làm trung tâm.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, theo đánh giá của các chuyên gia của các cơ quan quản lý, ý kiến của các địa phương, và trực tiếp các nhà trường, chương trình GDMN có nhiều ưu việt và nâng cao chất lượng, chăm sóc giáo dục toàn diện trẻ em GDMN. Các địa phương đã quan tâm chăm lo giáo dục cho trẻ, nâng cao chất lượng đội ngũ, bố trí đủ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao quản lý chuyên môn để triển khai thực hiện một cách chất lượng chương trình GDMN.
Theo NGƯT Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình GDMN (2009-2019), đến nay đội ngũ giáo viên mầm non của các trường trên địa bàn tỉnh Nam Định đã vận dụng tốt các phương pháp để tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ một cách linh hoạt, hiệu quả. Các hoạt động giáo dục được tổ chức nhẹ nhàng, hứng thú, tạo nhiều cơ hội cho trẻ được tích cực tham gia hoạt động, quan sát, trải nghiệm và thực hành.
Còn ở Yên Bái, một tỉnh miền núi phía Bắc có đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Có thể thấy các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của nhiều cơ sở giáo dục mầm non đã thay đổi đáng kể. Trường học ngày càng được đầu tư đầy đủ, hiện đại cùng với những yêu cầu thực tiễn ngày càng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Chất lượng nuôi dạy trẻ ngày càng tốt hơn, được người dân và xã hội ghi nhận.
Thay đổi để phù hợp hơn
Sau 10 năm, chương trình GDMN cũ đã có những đóng góp tích cực. Tuy nhiên, 10 năm có nhiều đổi thay lớn nên chương trình GDMN hiện hành đã gặp một số bất cập, cần phải chỉnh sửa để giải quyết một số vấn đề. Cần phải có sự thay đổi để phù hợp với Chương trình GD phổ thông mới. Chương trình phải đáp ứng yêu cầu khuyến khích giáo viên sáng tạo trong việc xây dựng nội dung giáo dục cho trẻ, cũng như đảm bảo số giờ lao động của giáo viên theo Luật Lao động phù hợp.
Từ thực tế cơ sở, nhiều ý kiến của giáo viên và cán bộ quản lý bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục phát huy những điểm mạnh của chương trình hiện hành, tiếp tục xây dựng chương trình GDMN dưới dạng chương trình khung. Khuyến khích các địa phương, cơ sở giáo dục phát triển chương trình đáp ứng tầm nhìn chiến lược, mục tiêu phát triển, điều kiện thực tiễn tại cơ sở.
Đặc biệt, ở những đô thị phát triển, nhu cầu học tiếng Anh cho trẻ mầm non của phụ huynh rất lớn nên cần nghiên cứu bổ sung những nội dung như khuyến khích các cơ sở GDMN cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chương trình để có sự thống nhất giữa các văn bản và làm căn cứ pháp lý giúp các địa phương xây dựng cơ chế xã hội hóa ngoài tiền học phí hỗ trợ cho đời sống giáo viên.
Ghi nhận ý kiến từ các nhà khoa học, chuyên gia GDMN và thực tế dạy học ở các nhà trường, đại diện Vụ GDMN – Bộ GD&ĐT cho rằng quan điểm xây dựng chương trình GDMN sau năm 2020 đảm bảo kế thừa chương trình cũ và tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập với quốc tế. Chương trình sẽ đưa thêm nội dung “Giáo dục giới tính”, đưa ngoại ngữ, công nghệ vào chương trình GDMN. Cũng như việc bổ sung phần điều kiện thực hiện chương trình phù hợp với từng địa phương.
Chương trình mới cho phép linh hoạt lựa chọn nội dung để thực hiện cho phù hợp với trẻ. Nội dung chương trình sắp xếp cụ thể rõ ràng từ dễ đến khó. Bổ sung phương pháp hiện đại vào văn bản: Montessori, Steam, Reggio… Đặc biệt, chương trình sẽ quan tâm nhiều hơn đến chế độ chính sách cho giáo viên MN, thực hiện đúng Luật Lao động, giảm giờ làm, có hỗ trợ thỏa đáng đảm bảo quyền lợi cho GV. Tăng số lượng GV trên lớp để giảm tải sức lao động, đảm bảo chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.