Chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành chính sách giáo dục

Thứ tư - 24/04/2019 00:37 360 0

Chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành chính sách giáo dục

GD&TĐ - “Chính sách cần được hoạch định dựa trên bằng chứng khoa học, không phải dựa trên ý chí chủ quan của người làm chính sách, thiếu tính thực tiễn và cơ sở khoa học” - GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - bày tỏ quan điểm khi nói về một giải pháp trong Nghị quyết 29/NQ-TW là triển khai chương trình nghiên cứu về khoa học giáo dục, từ đó đưa ra các đề xuất chính sách phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Gần 50 nghiên cứu hướng vào đề xuất chính sách, mô hình cho giáo dục

- Vai trò của các nghiên cứu khoa học giáo dục trong việc hoạch định chính sách giáo dục như thế nào, thưa GS?

- Để góp phần giải quyết những vấn đề bất cập của giáo dục, Nghị quyết 29/NQ-TW đã xác định một trong các giải pháp là triển khai chương trình nghiên cứu về khoa học giáo dục, từ đó đưa ra các đề xuất chính sách phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Nói cách khác, chính sách cần được hoạch định dựa trên bằng chứng khoa học, chứ không phải dựa trên ý chí chủ quan của người làm chính sách, thiếu tính thực tiễn và cơ sở khoa học. Xây dựng chính sách GD&ĐT dựa trên quá trình điều tra khảo sát, phân tích số liệu khoa học, phản ánh đúng nhu cầu, bối cảnh và xu hướng.

Các nghiên cứu khoa học giáo dục sẽ cung cấp các cơ sở lý luận, tổng kết những kinh nghiệm thành công và thất bại quốc tế, hay trong nước để đưa ra được những kiến nghị chính sách thực sự khả thi.

Việc nghiên cứu sẽ góp phần đánh giá đầy đủ các tác động từ đó chính sách phát huy hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống.

- Dư luận nhiều lần lên tiếng về việc nhiều nghiên cứu xa rời thực tiễn, thiếu tính ứng dụng, không ít đề tài nghiệm thu xong lại “cất ngăn kéo tủ”. Nhưng gần đây ngày càng nhiều chính sách giáo dục được xây dựng dựa vào các nghiên cứu. GS suy nghĩ thế nào về xu thế này?

- Theo tôi được biết, Chương trình trọng điểm về Khoa học Giáo dục đã chọn lựa, đặt hàng gần 50 nghiên cứu, bao quát hầu hết những vấn đề quan trọng của ngành, từ vấn đề khung cơ cấu, khung trình độ, quy hoạch mạng lưới, đến thi cử, tự chủ, chất lượng giáo viên… Các đề tài đều hướng vào đề xuất chính sách, mô hình cho giáo dục.

Chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành chính sách giáo dục - Ảnh minh hoạ 2
  • GS Nguyễn Quý Thanh

Chính vì vậy, các nhóm nghiên cứu vừa phải bảo đảm tiến độ và quy trình, nhưng lại phải vừa đưa ngay những kết quả đã kiểm định vào trong các nội dung chính sách để kịp thời giải quyết những vấn đề của ngành. Thông thường các nhóm nghiên cứu phải định kỳ làm việc với các Vụ, Cục liên quan để một mặt “nhận đầu bài, đặt hàng”, mặt khác, “trả bài” thông qua những kết quả ở từng giai đoạn. Thậm, chí có thể điều chỉnh lại nội dung nếu thấy các nội dung trước không còn phù hợp.

Phương thức thế này làm cho các nhà khoa học cũng thấy có áp lực, nhưng cũng vui, vì kết quả của họ được đưa vào áp dụng ngay.

Cách làm như vậy tương đối khác với quy trình thực hiện nhiều đề tài mà chúng tôi có dịp tham gia, khi mà đơn vị quản lý thường chỉ thực hiện “kiểm tra tiến độ giữa kỳ” và “nghiệm thu, chuyển giao sản phẩm” sau khi nhóm nghiên cứu hoàn tất mọi công việc.

Cái khó nhất của cách tiếp cận này là vừa phải bảo đảm tính khoa học và lý luận, vừa phải gắn với thực tiễn cuộc sống, để từ đó tạo ra một cầu nối đưa những thứ có vẻ rất “hàn lâm” vào thực tiễn thông qua chính sách.

Chính vì vậy, có thể nói đây là xu thế đúng đắn, được cả giới khoa học và xã hội ủng hộ.

- Mới đây, chương trình khoa học giáo dục đã có cuộc làm việc với các chủ nhiệm đề tài nhằm lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho quá trình triển khai tiếp theo. GS có đề xuất gì để chương trình này tiếp tục đạt được hiệu quả?

- Hiện nay chương trình trọng điểm về khoa học giáo dục đã hoạt động một thời gian và tỏ ra khá hiệu quả trong việc xây dựng, điều chỉnh các chính sách về GD&ĐT.

Để tăng thêm hiệu quả, theo tôi trong thời gian tới, nên cân nhắc tạo lập một nền tảng về CNTT để các đề tài chia sẻ thông tin, dữ liệu, kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm các nước. Đồng thời, có thể đơn giản hóa hơn nữa một số quy trình quản lý khoa học để các nhà khoa học tập trung hơn vào việc nghiên cứu và tư vấn.

Đã có những sản phẩm chính sách từ kết quả nghiên cứu

- Với tư cách là một đơn vị nghiên cứu về giáo dục, Trường ĐH Giáo dục đã có những đóng góp gì trong việc thực hiện các nghiên cứu giúp đề xuất các chính sách về giáo dục?

- Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) với sứ mạng nghiên cứu về khoa học giáo dục đã và đang có những nhóm nghiên cứu thực hiện khá nhiều các nghiên cứu trong lĩnh vực này. Những nghiên cứu này đã góp phần đề xuất nhiều chính sách không chỉ áp dụng cho ĐHQG Hà Nội mà cho toàn ngành.

Ví dụ, đó là đóng góp trong nghiên cứu mô hình và đề xuất chính sách đổi mới tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực, tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục, phòng chống bạo lực học đường, sức khỏe tâm thần của học sinh, dạy học điện tử, tự chủ và quản trị đại học, các chuẩn nghề nghiệp giáo viên và các nghiên cứu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông…

- GS có thể nói cụ thể hơn về một số nghiên cứu phục vụ hoạch định chính sách giáo dục mà trường tham gia?

- Các ý kiến đánh giá về thành tựu đổi mới giáo dục thường rất đa chiều. Mỗi người nhìn từ một góc độ khác nhau. Để nhìn nhận một cách khách quan về những thành tựu và tồn tại của đổi mới giáo dục trong những năm vừa qua, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Giáo dục là nòng cốt để thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Cơ sở khoa học cho việc đề xuất hệ thống giải pháp thực hiên đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết 44-NQ/CP” do PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội chủ trì

Đây là đề tài được thực hiện từ năm 2017 - 2019, với sự tham gia phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành Trung ương, của các nhà khoa học đầu ngành. Đề tài đã khảo sát xã hội học hơn 4.000 người thuộc các phân nhóm khác nhau từ giáo viên, học sinh, người dân và CBQL giáo dục.

Nhóm thực hiện hàng trăm cuộc gặp, thảo luận với các bên liên quan, tổng hợp dữ liệu thống kê, dữ liệu kiểm định chất lượng giáo dục trong các năm từ 2013 - 2018 để từ đó đưa ra các đánh giá, nhận định và kiến nghị. Các dữ liệu này cung cấp một bức tranh khách quan, có nhiều điểm sáng, những điểm tối về giáo dục dưa trên cơ sở đối sánh trước khi có Nghị quyết 29/NQ-TW và hiện tại.

Những kiến nghị từ đề tài này được gửi cho Bộ GD&ĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương để thêm các căn cứ thực tiễn cho báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của ngành và đề ra những giải pháp phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.

- Một trong những nghiên cứu quan trọng của Trường ĐH Giáo dục để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông là về chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông. GS có thể nói rõ hơn về nghiên cứu này?

- Trong mọi lĩnh vực, việc xây dựng chuẩn và quản lý theo chuẩn rất quan trọng. Các nhóm nghiên cứu, các chuyên gia của Trường ĐH Giáo dục cũng được giao nghiên cứu về các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, tiêu chuẩn phát triển nghề nghiệp của giáo viên phổ thông phục vụ cho việc triển khai chương trình phổ thông mới.

Nghiên cứu này đã phân tích thực trạng về năng lực nghề nghiệp của giáo viên phổ thông Việt Nam, các chuẩn giáo viên phổ thông của nhiều quốc gia với trình độ phát triển khác nhau, từ đó đề xuất được một bộ chuẩn giáo viên phổ thông. Trong quá trình nghiên cứu, có những nội dung được đánh giá, xem xét nhiều lần, đặc biệt là vấn đề “nóng” như xử lý bạo lực học đường, năng lực ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc) và năng lực ICT. Dựa trên kinh nghiệm các nước, nhóm kiến nghị tiếp cận theo năng lực thực thi được biểu hiện qua các hoạt động cụ thể, chứ không nhấn mạnh vào các loại chứng chỉ.

Từ nghiên cứu này, Bộ GD&ĐT đã chuyển hóa thành văn bản pháp quy là Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định về quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Đây là một văn bản quan trọng, tạo tiền đề cho việc tự đánh giá, đánh giá và phân loại theo định hướng phát triển năng lực nghề nghiệp. Nó giúp cho giáo viên tự hoàn thiện và giúp nhà quản lý giáo dục có thêm công cụ quản lý hiệu quả theo chuẩn.

Đó là một ví dụ rõ nét về việc chuyển hóa từ kết quả nghiên cứu thành chính sách cụ thể phục vụ đổi mới giáo dục.

- Xin cảm ơn GS!

Tác giả bài viết: Minh Thu - Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập775
  • Hôm nay30,970
  • Tháng hiện tại309,100
  • Tổng lượt truy cập51,665,059
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944