Dám sống với đam mê
Năm 2020, cô Hội quyết định thi đại học lần nữa khi đã 34 tuổi và đang là giáo viên Lịch sử tại một trường trung học phổ thông công lập tại Hà Nội. Cô trúng tuyển cả 2 trường đại học: Mỹ thuật Việt Nam và Sư phạm Nhạc họa Trung ương với kết quả rất cao - thủ khoa hai khoa với hai điểm 9 môn hình họa và màu. Hiện, cô là giáo viên dạy Lịch sử tại Olympia, đồng thời là sinh viên khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
“Có quá nhiều những điều tác động, muốn và cần mình thay đổi”. Cô Hội nói khi được hỏi lý do cho quyết định trở thành sinh viên một lần nữa.
Một trong những tác động đến từ chính học trò. Những học trò trung học phổ thông của cô đang ở lứa tuổi muốn khẳng định và thể hiện cái tôi của mình, nhưng khá nhiều em gặp phải áp lực gia đình, sự chi phối phụ thuộc từ người khác, rồi chông chênh trong những quyết định đầu đời. Các em muốn làm điều mình thích nhưng không thể và chưa đủ bản lĩnh, khả năng để dám theo đuổi đam mê… Cô nhìn thấy ở những học trò hình ảnh của chính bản thân 18 năm về trước.
“Khi đó, ba mẹ thích mình theo sư phạm, vì mình nhỏ người, sức khỏe phù hợp; vì kinh tế gia đình và vì đầu ra sau này thuận lợi,… Mình lại thích vẽ và muốn thi vào mỹ thuật. Mình theo sư phạm, nhưng đam mê hội họa luôn thường trực.
Trong thời gian học sư phạm và sau này đi dạy học, mình vẫn có thiên hướng vẽ và thích vẽ. Khi vẽ báo tường cho lớp, khi vẽ tản mạn trong phòng học, khi vẽ bản đồ trong các kì thi nghiệp vụ sư phạm khoa; thậm chí dạy học mình cũng thường xuyên sử dụng bảng đen để vẽ…”
Những điều này khiến học trò của cô Hội thực sự thấy thích thú, hào hứng. Cô nhận ra, khi mình thực sự yêu điều gì thì sẽ làm nó thật tốt và năng lượng tích cực ấy đã được lan tỏa đến các học trò. Những chia sẻ “con yêu lịch sử từ khi được học cô”, “con thi sư phạm vì con thích giống cô”,… giúp cô tin tưởng hơn vào bản thân, tin tưởng vào những giá trị mà mình làm được và tin tưởng vào những điều mình quyết định.
Công việc ổn định 10 năm trong trường công lập, cô Hội cũng nhận ra mình cần một hướng đi mở và tích cực hơn. Đặc biệt, khi giảng dạy Lịch sử, thấy học trò vô cùng hứng thú với hình ảnh, các câu chuyện lịch sử có liên hệ thực tế, cô dần nung nấu ý tưởng sẽ dựng lại lịch sử dân tộc bằng hội họa.
Những màu sắc, cảm xúc của người đương thời được thể hiện qua câu chuyện trong tranh sẽ khắc sâu vào trí nhớ, tâm hồn học trò một cách tự nhiên nhất.
“Nhưng, ý tưởng sẽ mãi là ý tưởng nếu mình không làm gì. Thế là mình quyết định hành động” - cô Hội chia sẻ thêm xung quanh câu chuyện thi đại học ở tuổi 34.
Làm hấp dẫn môn Lịch sử từ thế mạnh hội họa
Cô Hội chia sẻ, trong bài giảng lịch sử, khả năng ghi nhớ của học sinh chỉ khoảng khoảng 30% qua lời nói. Nhưng nếu bằng hình ảnh, đặc biệt là hình ảnh động như video có thể giúp học sinh ghi nhớ bài giảng ngay tại lớp lên tới 70-80%.
Do đó, cô giáo dạy Lịch sử đã tận dụng thế mạnh hội họa, tạo nên những hình ảnh, nét vẽ trên bảng đen; hoặc sử dụng công nghệ để thiết kế, giúp bài giảng sinh động hơn.
Và quả thực, trong những bài tập thực hành hoặc dự án, học sinh của cô đã mạnh dạn thể hiện khả năng sáng tạo của mình rất tuyệt vời.
“Mình nhớ có những bài thực hành, các con đã tìm hiểu và tự vẽ tranh nhân vật lịch sử; thậm chí các con sáng tác truyện tranh, viết báo… Gần đây, các con làm dự án triển lãm bảo tàng online “Dời đô-Quyết định vượt thời đại”. Có thể nói, khả năng hội họa đã giúp mình ưu thế trong thực hiện liên kết liên môn và tạo ra thế mạnh khi dạy học Lịch sử nói riêng, giáo dục toàn diện nói chung” - cô Hội chia sẻ.
Dự án làm triển lãm Bảo tàng online của khối 7, Trường Phổ thông liên cấp Olympia trong tháng 12/2021 - liên môn giữ Lịch sử, Ngữ văn và Mỹ thuật - cũng là dự án cô Hội tâm đắc nhất. Bảo tàng ảo với 6 chương, chia ra các nội dung và chương hồi như một câu chuyện lịch sử. Mỗi chương trong bảo tàng là tổng hòa các sản phẩm sáng tạo của học sinh trong các bộ môn Lịch sử, Ngữ văn và Mỹ thuật...