Lan tỏa trường học hạnh phúc ở miền núi

Thứ hai - 21/03/2022 18:51 347 0
GD&TĐ - Đối với các trường học miền núi Quảng Nam, hạnh phúc của các thầy cô giáo nơi đây chính là nhìn các em học sinh bớt khó khăn, tất cả các em đều được đến trường và không có em nào bỏ học vì cái nghèo khó.
Lan tỏa trường học hạnh phúc ở miền núi

Lo từng bữa ăn cho học sinh nội trú

Tận dụng những bãi đất bỏ trống xung quanh trường, nhiều trường học miền núi Quảng Nam đã tổ chức cho giáo viên, học sinh bán trú trồng rau xanh. Sau giờ học, mỗi buổi chiều, nhiều giáo viên “cắm bản”, học sinh lại cùng nhau trồng và chăm sóc vườn rau.

Giáo viên người thì làm cỏ, người thì múc nước tưới rau, còn học sinh thì trồng thêm rau mới. Chẳng bao lâu, những khu vườn đã xanh tốt. Đó là sản phẩm của chính bàn tay các em, với sự hỗ trợ từ các thầy, cô giáo trong trường. Đa số các em học sinh rất hứng thú với việc trồng và chăm sóc rau xanh. 

Lan tỏa trường học hạnh phúc ở miền núi - Ảnh minh hoạ 2
Những luống rau xanh được giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm trồng giúp các em học sinh bán trú cải thiện bữa ăn. 

Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) những năm học gần đây, vườn rau của nhà trường luôn xanh tốt. Những bữa ăn của học sinh lại có thêm những món ăn mới, có thêm nhiều dinh dưỡng. 

Thầy giáo Vũ Hoàng Tâm - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm - cho biết, toàn trường có 644 học sinh, trong đó có 410 học sinh bán trú. Số tiền ăn mà mỗi học sinh bán trú nhận hỗ trợ là 596.000 đồng/tháng và 15kg gạo/1 tháng. Mỗi ngày ăn của học sinh chỉ có 22.900 đồng/3 bữa ăn.

Chính vì thế, để cải thiện bữa ăn cho học sinh, cán bộ nhân viên, giáo viên trong nhà trường cùng với các em học sinh tổ chức trồng và chăm sóc vườn rau xanh. “Khi có phần rau xanh, số tiền dành đó sẽ được mua những thức ăn khác, giúp bổ sung dinh dưỡng cho các em”, thầy Tâm thông tin.

Ngoài ra, để học sinh đến trường mỗi ngày cảm thấy hạnh phúc và hứng thú trong học tập, trường đã triển khai nhiều chương trình. Cụ thể như trang trí lớp học, trang trí tiền sảnh khuôn viên học tập...

Lan tỏa trường học hạnh phúc ở miền núi - Ảnh minh hoạ 3
Các em học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa.

Tương tự, tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trần Phú, ngay từ những ngày đầu năm học, trường đã thành lập các câu lạc bộ nhằm rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, tạo sự gần gũi cho các em trong quá trình học tập tại trường.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trần Phú cho biết, hằng năm trường còn tổ chức quyên góp ủng hộ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhằm động viên các em tới lớp.

“Bước đầu mô hình "Trường học hạnh phúc" đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động về giá trị đạo đức, rèn luyện kỹ năng ứng xử sư phạm của đội ngũ giáo viên và học sinh trong trường thời gian qua.

Nhà trường đang dần tạo lập môi trường thực sự thân thiện, tôn trọng, cùng lắng nghe, để học sinh luôn cảm thấy tự tin bộc lộ, phát huy tốt nhất tinh thần sáng tạo, tính tự giác trong học tập và hào hứng mỗi khi đến trường”, cô Thanh chia sẻ.

Chia sẻ khó khăn với giáo viên và học sinh

Thầy Vũ Hoàng Tâm chia sẻ, từ khi triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”, nhiều cuộc đối thoại trực tiếp, thẳng thắn giữa giáo viên và học sinh đã diễn ra, giúp cả thầy và trò có nhiều thay đổi trong nhận thức. Đặc biệt, tình yêu thương, gần gũi, chia sẻ giữa thầy và trò, giữa các học trò được trân trọng hơn, sâu sắc hơn. Bên cạnh sự thay đổi phương pháp truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ sống cho học sinh, trường còn chú trọng giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và bồi đắp tâm hồn đẹp, cao thượng cho các em.

Với đặc thù là trường miền núi, trong đó có nhiều giáo viên là người đồng bằng lên dạy. Chính vì vậy, để các thầy cô yên tâm “bám bản, bám trường”, Ban giám hiệu trường thường xuyên trao đổi, động viên để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của thầy cô.

Lan tỏa trường học hạnh phúc ở miền núi - Ảnh minh hoạ 4
Đại diện Trường  phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm tặng quà hỗ trợ nhân viên cấp dưỡng.

“Trường đã sắp xếp bố trí cho các thầy cô được nghỉ 1 ngày trong tuần. Riêng đối với giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ được nghỉ 1 ngày giữa tuần để giải quyết công việc như đi vận động học sinh đến trường hoặc giải quyết việc gia đình...

Những nhân viên trong nhà trường thường có mức lương thấp, trường hỗ trợ thêm kinh phí, cây trồng, con vật nuôi như: heo, gà, vịt… để tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Trong dịp Tết vừa qua nhà trường và công đoàn trường đã tặng 32 xuất quà trị giá 150.000 đồng/1 suất cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 100 con gà giống cho 4 nhân viên cấp dưỡng. Ban giám hiệu trường luôn đề ra tiêu chí, trường học chỉ hạnh phúc khi thầy cô và học sinh thật sự hạnh phúc trong từng tiết học, từng bữa ăn. Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ tốt cho học sinh, giáo viên yên tâm học tập và công tác”, thầy Tâm nhấn mạnh.  

Với các tiêu chí về trường học hạnh phúc như: an toàn, yêu thương, tôn trọng, chính vì thế Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trần Phú luôn đặt 3 yếu tố này trong việc tạo nên một môi trường hạnh phúc toàn diện.

“Ban Giám hiệu trường và Công đoàn kêu gọi và tạo mối đoàn kết của cán bộ, giáo viên và nhân viên trong trường. Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh cũng như cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường để chia sẻ và giải quyết vấn đề”, cô Nguyễn Thị Hồng Thanh nói.

Ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho hay, để tạo nên "Trường học hạnh phúc", ngành giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường chỉnh trang khuôn viên trường lớp, tạo cảnh quan sư phạm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất phục vụ việc dạy và học…

Để mô hình "Trường học hạnh phúc" không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời, ngành giáo dục huyện đang tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc, kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ thực chất.

“Điều đặc biệt là tạo sự hài lòng, đáp ứng tốt nhu cầu quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học...”, ông Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Hoàng Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập842
  • Hôm nay57,182
  • Tháng hiện tại335,312
  • Tổng lượt truy cập51,691,271
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944