Công tác xã hội trường học: “Múa gậy trong bị”

Thứ hai - 07/02/2022 04:12 187 0
GD&TĐ - Đối tượng có nhu cầu lớn nhưng công tác xã hội trong trường học vẫn đang bỏ ngỏ, nhiều nơi lồng ghép với tâm lý học đường.
Công tác xã hội trường học: “Múa gậy trong bị”

Cẩm nang hướng dẫn công tác xã hội trường học còn thiếu nhiều tài liệu khiến các cơ sở giáo dục và cán bộ phụ trách thực hiện hoạt động công tác xã hội trường học lúng túng. Theo TS Nguyễn Hiệp Thương, Trưởng khoa Công tác xã hội (CTXH) – Trường ĐHSP Hà Nội, mở ngành đào tạo, biên chế, chế độ cho đội ngũ này tại trường phổ thông là vấn đề đáng quan tâm, thực hiện bài bản.

Văn bản, chính sách thực sự chưa đi vào thực tiễn

- Thực tế hoạt động trong các trường học đang đặt ra nhu cầu bức thiết về CTXH. Ông đánh giá thế nào về công tác này trong trường học hiện nay?

- Trong hệ thống nhà trường Việt Nam hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều hơn các vụ bạo lực học đường, hành vi lệch chuẩn, học sinh bị căng thẳng, sang chấn tâm lý… để lại những hậu quả đáng tiếc.

Mặc dù sau mỗi sự việc, các cơ quan, ban ngành, trường học đều vào cuộc quyết liệt và kịp thời để khắc phục hậu quả. Song theo quan điểm cá nhân, những giải pháp cũng như biện pháp đang thực hiện hiệu quả chưa cao và chưa phù hợp với việc phòng ngừa và ngăn chặn vấn nạn xảy ra trong trường học. Bởi chúng ta đang như giải quyết phần ngọn chứ không phải phần gốc rễ của vấn đề.

Nếu chỉ dừng ở những quy định, chính sách, hoặc giải pháp như hiện nay, chúng ta chỉ nhìn thấy trách nhiệm của nhà trường, cơ sở giáo dục mà không chú trọng đến vấn đề giáo dục trong gia đình để có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên, nhà trường – học sinh, phụ huynh, gia đình, các cấp, các ngành và cả xã hội thì những vấn đề nổi cộm trong trường học không những không giảm đi mà có thể tiếp tục là vấn đề gây nhức nhối ở trường học trong thời gian tới…

Công tác xã hội trường học: “Múa gậy trong bị” - Ảnh minh hoạ 2
TS Nguyễn Hiệp Thương.

- Hệ thống văn bản bảo vệ trẻ em tương đối đầy đủ, ông nhìn nhận việc thực thi diễn ra thế nào?

- Chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách thực tế là việc thực hiện các hoạt động phổ biến, nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường hay giải quyết các vấn đề nổi cộm trong các cơ sở giáo dục còn có nhiều bất cập và hạn chế. Có thể kể ra như:

Về văn bản, luật pháp, chính sách trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung, Việt Nam ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1990; ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991, thay thế bằng Luật Trẻ em năm 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em có nhiều điều khoản nói về bảo vệ trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng ban hành một số văn bản liên quan, trong đó mới nhất là Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học để phòng, chống, giải quyết các vấn đề nổi cộm.

Tuy nhiên, thực tế những văn bản, chính sách này thực sự chưa đi vào thực tiễn. Các cơ sở giáo dục vẫn trong tình trạng “múa gậy trong bị” mà chưa tìm được giải pháp trọn vẹn cho các vấn đề xảy ra hàng ngày nơi học đường.

Nhiều nhà trường, cơ sở giáo dục vẫn chú trọng tới dạy chữ, truyền thụ tri thức, kiến thức, chưa chú ý hoặc hạn chế trong việc giáo dục đạo đức, giá trị - kỹ năng sống cho học sinh. Chương trình học quá nặng, số lượng học sinh trong một lớp học ở nhiều địa phương đặc biệt trong các thành phố lớn, đô thị quá tải so với quy định nên giáo viên không thể quan tâm sâu sát tới từng em.

Hơn nữa, nhiều giáo viên thiếu kinh nghiệm, không có kiến thức, kỹ năng để nhận biết, giải quyết những vấn đề liên quan đến xâm hại tình dục, mâu thuẫn, bạo lực, căng thẳng, trầm cảm trong học sinh. Vì thế khi gặp tình huống trong thực tế, một số thầy cô đã xử lý không phù hợp, thậm chí sai trái hoặc nhiều người đã chọn giải pháp tảng lờ, bỏ qua không giải quyết… Điều đó dẫn đến sự việc đau lòng.

Một phần nữa do quan điểm, cách nhìn nhận về đánh giá thi đua, thành tích của nhà trường, cơ sở giáo dục còn nặng hình thức, mà chúng ta thường gọi là bệnh thành tích quá lớn. Do vậy, khi phát hiện những vấn đề xảy ra trong trường học thay vì phải xử lý, giải quyết từ sớm thì chúng ta vì sợ ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi đua, ảnh hưởng đến thành tích của lớp, trường nên thường nương nhẹ, bỏ qua thậm chí giấu hoặc che đậy không xử lý, dẫn đến sự việc có thể gây ra những hậu quả, tác hại nặng nề hơn,…

Bên cạnh đó, sự phối hợp với chính quyền, ban ngành đoàn thể, cộng đồng ở địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh, gia đình để giáo dục học sinh cũng như giải quyết vấn đề của trẻ gần như rất hạn chế. Nhà trường chủ yếu làm việc cùng với cha mẹ học sinh còn việc phối kết hợp cùng chính quyền, tổ chức đoàn thể hay cộng đồng địa phương còn nhiều bất cập…

Nhìn thẳng sự thật để giải quyết

- Theo ông, giải pháp nào giải quyết những bất cập trên đồng thời phát huy vai trò, hiệu quả của công tác xã hội trường học?

- Từ những phân tích về thách thức, tôi cho rằng vấn đề nổi cộm của trường học sẽ luôn tồn tại ở bất kỳ giai đoạn, hệ thống, xã hội nào, dù muốn hay không muốn thì chúng ta vẫn luôn phải đối mặt với những vấn đề đó… Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả và thực sự từ gốc, rễ vấn đề thì cần phải thực hiện nhiều phương pháp, biện pháp, cũng như có sự phối kết hợp chặt chẽ hiệu quả của nhà trường – gia đình – cộng đồng.

Để phối hợp hiệu quả, theo tôi, các cơ sở giáo dục, nhà trường ở các cấp phải có những người có kiến thức, kỹ năng và được đào tạo chuyên sâu để làm công việc này. Kinh nghiệm thực tiễn ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Thụy Điển, Australia… hoặc các nước ở khu vực châu Á có một số nét tương đồng về văn hóa với Việt Nam như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, người làm công việc này chính là nhân viên công tác xã hội trong trường học, người tham vấn, tư vấn tâm lý trong trường học. Vị trí này, các nhà trường của chúng ta chưa được chú trọng đúng mức, chưa có chuyên trách và chuyên sâu.

Nhân viên CTXH trường học sẽ giúp học sinh giải quyết các vấn đề ở trường học, giải quyết mối quan hệ trong gia đình, vấn đề liên quan đến cộng đồng. Đối tượng can thiệp và tương tác của họ bao gồm: Học sinh, cha mẹ, giáo viên, nhà quản lý, nhân viên khác trong trường học và ngoài cộng đồng. Bên cạnh đó, nhân viên CTXH trường học còn có nhiệm vụ giúp đỡ học sinh khi gặp vấn đề trong học tập, mối quan hệ giao tiếp. Đội ngũ này cũng đóng vai trò liên kết giữa gia đình và trường học, chuyển tuyến cho học sinh đến cơ sở dịch vụ có liên quan trong cộng đồng, can thiệp lúc khủng hoảng, xây dựng chương trình mang tính phòng ngừa trong trường học và ngoài cộng đồng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Kim Thoa (Thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập847
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm846
  • Hôm nay57,249
  • Tháng hiện tại335,379
  • Tổng lượt truy cập51,691,338
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944