Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2023 - 2024, tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7%; tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào THCS đạt 98,17%.
Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào THCS cao (đạt 100%) như: Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Thái Bình, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nam, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bình Dương.
Cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; trong đó có 34/63 tỉnh,thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 54% (tăng 4 đơn vị cấp tỉnh, tương ứng 6% so với cùng thời điểm năm trước). Tỷ lệ cấp xã và cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục cấp THCS là 100%.
Theo đó, tỷ lệ xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 là 25,36%; tỷ lệ xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 là 48,06%, tỷ lệ xã đạt chuẩn mức 3 là 53,49%.
Tỷ lệ huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 là 48,69%; tỷ lệ huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 là 50,87%; tỷ lệ huyện đạt chuẩn mức 3 là 21,62%.
63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 (đạt tỷ lệ 100%); 15/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn mức độ 2 (đạt tỷ lệ 23,8%), đạt chuẩn mức độ 3 là 08 tỉnh (chiếm 12,69%).
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được các địa phương triển khai thực hiện tích cực, số trường và số học sinh học 2 buổi/ngày ngày càng tăng sau mỗi năm học.
Bên cạnh các chính sách chung của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ chi phí ăn, ở, học tập, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách đặc thù của địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể để giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, giảm tình trạng bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục, phổ cập giáo dục.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi vào học tiểu học tại địa bàn, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật được đi học và hoàn thành chương trình tiểu học.
Bên cạnh kết quả đạt được, một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục là một số địa phương nhận thức chưa thật đầy đủ về tầm quan trọng và vai trò của công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với việc nâng cao dân trí, tạo cơ sở vững chắc phát triển nguồn nhân lực; mới chỉ quan tâm đến phấn đấu đạt chuẩn mà ít quan tâm đến củng cố, duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Do đó, chất lượng phổ cập còn thấp và chưa vững chắc ở một số địa phương. Ở một số tỉnh khó khăn, số học sinh lưu ban và bỏ học vẫn còn là một thách thức đối với ngành và ban chỉ đạo phổ cập.
Tác giả bài viết: Hải Bình
Ý kiến bạn đọc