Cuộc chiến của thế hệ học sinh bị “ruồng bỏ”

Thứ sáu - 28/01/2022 22:51 291 0
GD&TĐ - Ngành Giáo dục tại Uganda đã “đóng băng” lâu hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Trong thời gian trường học đóng cửa do Covid-19, một số sinh viên đã kết hôn.
Cuộc chiến của thế hệ học sinh bị “ruồng bỏ”

Trong khi đó, không ít thiếu niên đối mặt với vấn đề mang thai ngoài ý muốn. Số khác đã trở thành lao động.

Nơi việc học xa tầm với

Khoác trên mình bộ đồng phục học sinh, Mathias Okwako nhảy xuống bùn và bắt đầu cuộc tìm kiếm vàng hằng ngày. Đối với Mathias Okwako và nhiều trẻ em khác tại Uganda, vàng là món hàng dễ với tới hơn một tài sản quý giá khác: Giáo dục.

Ngôi trường nông thôn của cậu ở Uganda nằm đối diện đầm lầy - nơi Okwako và hàng loạt trẻ em khác hiện làm công việc khai thác. Trong khi đó, tại lớp học, cỏ dại mọc um tùm, còn những khung cửa sổ đã bị chặt phá để lấy củi. Gần đó, một trường học khác đang trở thành nơi cho thuê phòng.

Các trường học tại Uganda đã đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần trong hơn 77 tuần, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, ngành Giáo dục tại quốc gia này bị “đóng băng” lâu hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Không giống như nhiều khu vực khác - nơi bài học được chuyển sang hình thức trực tuyến, hầu hết các trường công lập phục vụ phần lớn trẻ em ở quốc gia Đông Phi này, không thể làm điều tương tự.

Trong khoảng thời gian trường học đóng cửa do Covid-19,  một số sinh viên đã kết hôn. Trong khi đó, không ít thiếu niên đối mặt với vấn đề mang thai ngoài ý muốn. Số khác, như Okwako (17 tuổi), đã tìm được việc làm.

Ông Moses Mangeni - một quan chức chính quyền địa phương ở thị trấn Busia, nơi Okwako sống - cho biết: “Đại dịch đã tạo ra “những người bị ruồng bỏ”, một thế hệ thất học đang sống trong cuộc chiến tìm cách hòa nhập”.

Những nỗ lực nhằm kiểm soát sự lây lan của Covid-19 đã gây gián đoạn cuộc sống của trẻ em ở mọi nơi trên thế giới. Thậm chí, đại dịch tác động lớn tới các phụ huynh, khiến việc chăm sóc trẻ trở nên phức tạp. Trong khi đó, tính mạng của trẻ thường xuyên bị đe dọa. Song, trên hết, Covid-19 đã đẩy việc học của trẻ em Uganda rơi vào hỗn loạn.

Quốc gia duy nhất đóng cửa trường học

Cuộc chiến của thế hệ học sinh bị “ruồng bỏ” - Ảnh minh hoạ 2
Các lao động tại một công trường khai thác vàng ở làng Mawero, ngoại ô thị trấn Busia.

Nhóm cứu trợ Save the Children hồi tháng trước đã đưa 48 quốc gia vào danh sách là nơi có “tình trạng khẩn cấp về giáo dục toàn cầu lớn nhất thời đại”. Uganda cũng là một trong số đó.

Quốc gia Đông Phi này được coi là nơi hệ thống trường học có nguy cơ sụp đổ cao hoặc nghiêm trọng. Hầu hết, tình trạng đó xảy ra ở châu Phi cận Sahara - khu vực từ lâu đã được biết đến bởi tỷ lệ trẻ bỏ học cao và thiếu giáo viên có trình độ.

Trong khi đó, một số khu vực khác trên thế giới cũng trải qua hàng loạt khó khăn do việc đóng cửa trường học kéo dài. Tại Mexico - nơi chất lượng kết nối Internet ở nhiều khu vực còn kém, giới chức nước này đã lựa chọn hình thức giáo dục qua truyền hình.

Bởi, đại dịch có sức tàn phá khủng khiếp ở Mexico, khiến hàng triệu trẻ em tại nước này phải nghỉ học. Thậm chí, số vụ giết người, mang thai ở tuổi vị thành niên và bạo lực gia đình cũng tăng mạnh.

Theo Ngân hàng Thế giới, tại Iraq, việc học từ xa cũng “hạn chế và gây tình trạng bất bình đẳng” tương tự. Trái lại, một số quốc gia phát triển có kết quả tốt hơn. Ở Kuwait, vì hầu hết các trường công lập không được trang bị để giảng dạy trực tuyến khi đại dịch tấn công, tất cả trường học đã phải tạm đóng cửa trong bảy tháng vào năm 2020.

Tuy nhiên, sau đó, lãnh đạo của quốc gia dầu mỏ này đã chi 212 triệu USD vào nền tảng học tập điện tử. Nhờ đó, cho phép tất cả trường học có thể giảng dạy trực tuyến. Việc triển khai mô hình này tại Kuwait được coi là một thành công.

Song, tại Uganda, không có bất kỳ thành công nào được ghi nhận. Quốc gia này lần đầu tiên đóng cửa các trường học vào tháng 3/2020, ngay sau khi trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác nhận ở lục địa châu Phi.

Một số lớp học đã được mở lại vào tháng 2. Tuy nhiên, Uganda tiếp tục áp dụng biện pháp phong tỏa hoàn toàn vào tháng 6, khi đất nước phải đối mặt với tình trạng tăng đột biến số ca mắc Covid-19.

Trước đó, Tổng thống Uganda - ông Yoweri Museveni - thông báo sẽ cho phép các tổ chức giáo dục mở cửa trở lại vào tháng 1 tới. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các trường hợp nhiễm Covid-19 đã giảm dần trong những tháng gần đây.

Theo thống kê của Trường Đại học Johns Hopkins, trung bình mỗi ngày, Uganda ghi nhận 70 trường hợp nhiễm mới và một vài ca tử vong. Đến nay, quốc gia này đã tiêm vắc-xin Covid-19 cho khoảng 700 nghìn trên tổng số 44 triệu dân.

Đệ nhất phu nhân Janet Museveni - Bộ trưởng Giáo dục Uganda - đã bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng, chính phủ chưa làm đủ để trẻ em được theo đuổi nền giáo dục. Trong một bài phát biểu vào tháng 10, bà Meseveni đặt câu hỏi: “Tại sao con trẻ không thể an toàn khi ở nhà?”.

Không ít người dân Uganda cho rằng, chính phủ đã không có biện pháp thích hợp để trẻ tiếp tục việc học trong thời gian phong tỏa. Trong khi đó, những đề xuất về chương trình quốc gia phát bài học qua đài phát thanh miễn phí đã không được thực hiện. Tại các vùng nông thôn, nhiều trẻ em không có bất kỳ tài liệu học tập nào.

Đánh mất hy vọng

Các trường học tại Uganda cũng thường trở thành nơi hỗ trợ trẻ em dễ bị tổn thương. Trẻ có thể được nhận thực phẩm hoặc tiêm phòng định kỳ tại trường. Thậm chí, các em sẽ được tiếp cận với các dịch vụ khác - những thứ chúng không dễ dàng có khi ở nhà. Tuy nhiên, ở những nơi nghèo nhất của Uganda, giờ đây, trẻ em thường bị bỏ lại phía sau mà không có sự hỗ trợ trong việc học.

Tại thị trấn Busia, ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, cảnh tượng trẻ em bán hàng rong trên đường phố không phải là hiếm. Hiện tại, mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Chia sẻ với hãng tin Associated Press, nhiều trẻ em bày tỏ sự tuyệt vọng trong bối cảnh phong tỏa kéo dài. Nam sinh Okwako chia sẻ, cậu mặc đồng phục học sinh để đi tìm vàng vì không còn trang phục nào khác. Nam sinh 17 tuổi cho biết, những ngày tháng lao động mệt mỏi này đã khiến cậu không còn nhiều năng lượng để tự học.

“Tôi không có thời gian để đọc sách. Dù cố gắng mở sách ra, nhưng, đôi mắt tôi không thể làm gì khác ngoài việc chìm vào giấc ngủ. Tôi thường ngủ đến ngày hôm sau”, Okwako tâm sự.

Tại mỏ vàng, dưới cái nắng như thiêu đốt, hàng loạt học sinh lao động cực nhọc cùng người lớn, bao gồm cả một số giáo viên của họ. Nhiều người tiết lộ, rủi ro và sự thất vọng trong công việc bấp bênh này đã dẫn đến ẩu đả.

Thậm chí, một số trẻ em bị gãy tay/chân trong khi làm việc. Một ngày lao động như vậy có thể giúp học sinh mang về hơn 2 USD - số tiền đủ để một đứa trẻ mua đôi giày đã qua sử dụng. Okwako tự hào về hai con lợn mà cậu đã mua bằng số tiền kiếm được.

Trong khi đó, những đứa trẻ khác cho biết đã dùng tiền để giúp đỡ và chăm sóc gia đình, cũng như mua muối hoặc xà phòng. “Chúng tôi đến đây để kiếm tiền”, Annet Aita (16 tuổi) chia sẻ. Công việc của nữ sinh này là rửa sạch lớp đất cát có chứa bụi vàng bằng cách sử dụng thủy ngân có độc tính cao.

Tuy nhiên, lao động được coi là nơi “ẩn náu”, giúp học sinh trốn khỏi những mối nguy hiểm khác rình rập. Aita cho biết, cô cảm thấy may mắn hơn một số người bạn, bởi họ đã mang thai trong thời gian nghỉ học.

Francis Adungosi - một giáo viên tại Uganda - chia sẻ, ông hiện làm việc tại mỏ “từ thứ Hai đến thứ Hai”. Ông Adungosi cho rằng, mình sẽ cần một “khóa học bồi dưỡng” cho trẻ trước khi chúng trở lại lớp học.

Nói về các học trò, nam giáo viên chia sẻ: “Trẻ đang bị tổn thương. Hãy nhớ rằng, họ đang gặp rất nhiều thử thách. Một vài người trong số họ đang mang thai. Một số đã kết hôn. Sẽ là nhiệm vụ khó khăn khi giúp đỡ những đứa trẻ như vậy”.

Song, đó là kế hoạch dành cho những người sẽ trở lại trường. Bởi, nhiều học sinh cho biết sẽ không tiếp tục đi học. Một số trẻ em tại Uganda chia sẻ: “Chúng em không nhớ những gì mình đã học. Vậy tại sao chúng em phải quay lại trường?”.

Vào tháng 11, ông Gilbert Mugalanzi, thuộc nhóm Somero Uganda, đã thực hiện một cuộc khảo sát để đánh giá mức độ ảnh hưởng của đại dịch đối với học sinh ở các vùng của thị trấn Busia. Tại Trường Tiểu học Mawero, giáo viên Emmy Odillo bày tỏ hy vọng rằng, một phần nhỏ trong số 400 học sinh sẽ trở lại vào năm tới.

Không ít chuyên gia giáo dục khác cũng có mức độ kỳ vọng thấp như vậy. Bosco Masaba - Giám đốc nghiên cứu của Trường Tiểu học Trung tâm Busia - tổ chức giáo dục tư thục hiện trở thành nhà cho thuê, bày tỏ, ông thường xuyên thấy một số học sinh bán cà chua hoặc trứng trên đường.

Trong khi đó, một số nữ sinh đã trở thành lao động ở bên kia biên giới tại Kenya. “Đối với một số, họ đã hoàn toàn mất hy vọng”, ông Masaba chia sẻ.

Theo AP

Tác giả bài viết: Vân Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập87
  • Hôm nay41,547
  • Tháng hiện tại319,677
  • Tổng lượt truy cập51,675,636
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944