Thí sinh Phúc Đức – HS trường THCS Trưng Vương, dự thi tại điểm thi trường THPT Trần Phú khá thoải mái khi rời khỏi phòng thi. Đức cho biết em rất tâm đắc với câu số 2: "Viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của lời khen trong cuộc sống". Đức cho biết, đây là câu mà em có được rất nhiều ý để triển khai và cũng gần gũi với độ tuổi của em.
Thí sinh Phạm Gia Khánh – HS trường THCS Lê Thị Hồng Gấm nhận xét: "Mới đọc qua đề thì thấy đề thi khá dễ, không đánh đố. Tuy nhiên, nhiều bạn sẽ làm bài theo kiểu phân tích khổ đầu tiên của bài thơ Bếp lửa được trích dẫn trong đề rồi đến khổ thơ thứ hai chứ không để ý đến việc chuyển tiếp tâm trạng cũng như sự phát triển tình cảm bà cháu giữa hai đoạn thơ nên sẽ bị mất điểm".
Nhiều thí sinh cho biết các em khá bất ngờ khi đề thi chọn bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt. Thí sinh Bảo Ngọc cho biết: "Em chủ yếu tập trung học vào bài Ánh trăng. Tuy có hơi lúng túng khi mới đọc đề vì em không học phần này nhưng sau đó em đã bình tĩnh để làm bài thi.
Cô Nguyễn Thị Diệu Trang – Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) nhận xét: "Đề thi Ngữ văn năm nay rất hay. Đề thi vừa sức với thí sinh nhưng đảm bảo độ phân loại cao. Đa số học sinh sẽ làm được ở mức điểm trung bình nhưng vẫn đảm bảo tính phân loại. Tất cả các câu hỏi trong phần đọc hiểu rất vừa sức với HS, đảm bảo các em có được điểm tối thiểu. Tuy nhiên vẫn có câu phân loại ở các câu hỏi nhỏ thứ 3 và thứ 4. Đề thi mang cấu trúc giống đề thi tốt nghiệp THPT".
Theo cô Diệu Trang thì câu hỏi nghị luận xã hội trong đề đề cập đến vấn đề gần gũi, quen thuộc với HS nhưng để đạt được điểm cao đòi hỏi HS phải có sự sâu sắc. "Chọn bài thơ Bếp lửa để phân tích về tình bà cháu là rất phù hợp. Cảm nhận về đoạn thơ và cảm nhận tình bà cháu trong đoạn thơ nó chỉ khác nhau một chút. Nếu cảm nhận cả khổ thơ các em sẽ đảm bảo được yêu cầu cảm nhận tình bà cháu" – cô Diệu Trang nhận xét.
Đứng đợi HS trước điểm thi trường THPT Trần Phú, một GV dạy Văn trường THCS Tây Sơn (Q. Hải Châu) nhận xét, phần nghị luận văn học, đề thi không chọn một đoạn thơ liền mạch mà 2 khổ khác nhau của bài thơ là rất có dụng ý phân loại thí sinh. "HS nếu học theo văn mẫu hoặc có sức học trung bình, không có kỹ năng tổng hợp và liên kết thì sẽ làm đoạn thứ nhất rồi đến đoạn thứ 2 chứ không có sự phân tích chuyển biến và phát triển tâm trạng, tình cảm giữa hai đoạn" – GV này nhận xét.
Theo cô Diệu Trang, nếu HS phân tích khổ thứ nhất rồi đến khổ thứ 2 và rút ra được tình cảm bà cháu qua 2 đoạn thơ thì các em sẽ vẫn đạt được khoảng từ 2-2,5 điểm. "Đối với HS giỏi, các em sẽ làm xuyên suốt theo hàng dọc hoặc nêu luận điểm ở từng khổ thơ rồi tổng hợp lại thì sẽ được điểm cao".
"Đây là một đề thi rất hay, câu lệnh của đề rất thông minh, tạo điều kiện cho HS đưa ra được quan điểm của bản thân; các em có cơ hội trình bày suy nghĩ, ý kiến của mình" – cô Diệu Trang cho biết.
Đà Nẵng có 13.264 thí sinh dự thi môn Ngữ văn, 61 thí sinh vắng thi không có lý do.
Năm nay, thí sinh người dân tộc Cơ tu không còn được tuyển thẳng như những năm trước mà phải dự thi để xét tuyển. Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Có 20 HS lớp 9 người dân tộc Cơ tu, trong đó có 1 HS khuyết tật được tuyển thẳng, 5 HS đăng ký học nghề . 14 HS tham gia dự thi vào lớp 10 THPT, được bố trí dự thi tại các điểm thi THPT Phạm Phú Thứ và THPT Ông Ích Khiêm. Những thí sinh này được sắp xếp vào các phòng thi theo thứ tự a, b, c như mọi thí sinh khác.