Dấu ấn mùa thi tốt nghiệp THPT: Theo trò đi thi

Thứ sáu - 23/07/2021 20:56 570 0
GD&TĐ - Nghệ An là một trong số ít tỉnh thành tổ chức cho tất cả thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Trong đó có những thí sinh F1, F2 được phép thi ngay trước giờ G.
Dấu ấn mùa thi tốt nghiệp THPT: Theo trò đi thi

Có những trường đón học sinh về ký túc xá ở miễn phí, thầy cô đưa đón mỗi buổi thi, điểm danh để không bỏ lọt ai. Trong kỳ thi đặc biệt này, mọi sự chuẩn bị, hành động đều với tâm niệm dành ưu tiên cho thí sinh, bảo đảm quyền lợi cho các em trước ngưỡng cửa tương lai.

Ngóng học trò ngoài trường thi

Kết thúc bài thi môn Toán - Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhóm học sinh Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam (Nghệ An) phấn khởi ôm chầm lấy cô giáo chủ nhiệm đứng đợi ngoài cổng trường. Ai nấy tíu tít khoe: “Cô ơi em đủ điểm đậu rồi”! Đội mưa ngóng học trò là cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên khối văn hóa, phụ trách môn Toán. “Tôi vừa chủ nhiệm, vừa dạy Toán nên khi thi xong và làm được bài, các em mới vui mừng ôm lấy cô mãi không chịu lên xe ra về”, cô Hoa xúc động nói.

Năm nay, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam có 101 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Do học sinh ở nhiều vùng miền trong tỉnh, để an toàn phòng dịch, nhà trường bố trí chỗ ở miễn phí và xe đưa đón mỗi buổi thi. Các chuyến xe đều có giáo viên đi cùng, “điểm danh”, động viên học sinh. Cô Hoa chia sẻ: Bố mẹ các em không vào TP Vinh đưa đón con đi thi được, nên thầy cô chủ nhiệm cũng như phụ huynh thứ 2. Đưa trò đi thi, tôi hồi hộp đợi bên ngoài, đến lúc hết giờ làm bài, thấy trò thoải mái, hồ hởi cũng giảm đi một phần lo lắng.

Dấu ấn mùa thi tốt nghiệp THPT: Theo trò đi thi - Ảnh minh hoạ 2
Nhóm học sinh Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam vui mừng ôm cô giáo chủ nhiệm khi hoàn thành tốt bài thi. 

Đối với học sinh trường nghề, hoặc hệ GDTX chỉ học 7 môn của chương trình THPT và dự thi 4 môn để tốt nghiệp. Trong đó, Toán và Ngữ văn là môn bắt buộc. Theo lời cô Hoa, đầu vào học sinh nhà trường thấp hơn hẳn so với trường THPT, nhưng 100% đều chọn song song học nghề và chương trình văn hóa. Thời gian đầu, cả cô và trò đều vô cùng vất vả. Học sinh hổng kiến thức căn bản, lại không có nhiều thời gian trên lớp, vì vậy, giáo viên phải dành mọi thời gian trống để phụ đạo thêm.

“Thời điểm ôn thi lại càng khó khăn hơn, vừa ảnh hưởng dịch bệnh, trong khi học sinh năm cuối cấp còn phải đi thực tập nghề. Để động viên các em, giáo viên dành hết tâm huyết, dạy bù vào buổi đêm, dạy trực tuyến... Thấy cô giáo cố gắng, các em ý thức được và quyết tâm học. Trò hiểu bài thêm chút nào, cô vui từng đó”, cô giáo tâm sự.

Ông Phan Xuân Dũng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Hồng Lam cho hay: Hai tuần trước khi kỳ thi diễn ra, chúng tôi cho học sinh quay lại trường ở ký túc xá miễn phí và tiếp tục ôn thi. Thời gian này, các em không ra ngoài, chỉ ở trường để phòng dịch. Trong 3 ngày làm thủ tục và dự thi, nhà trường hỗ trợ kinh phí thuê xe đưa đón học sinh.

Thực tế, học sinh năm cuối của trường, nhận bằng nghề, đã có thể tự ra ngoài xin làm việc trong các công ty, xí nghiệp. Nhưng cũng có em học lực khá, lựa chọn con đường học tiếp lên ĐH và đặt mục tiêu cao ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, quan điểm của nhà trường là hỗ trợ hết sức, bảo đảm mọi quyền lợi chính đáng để các em đạt được ước mơ, nguyện vọng của mình.

Dấu ấn mùa thi tốt nghiệp THPT: Theo trò đi thi - Ảnh minh hoạ 3
Phòng thi cách ly chỉ có 2 thí sinh tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: TG

Động viên thí sinh trong phòng thi cách ly

Điểm thi Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An) có hơn 82 thí sinh là công an nghĩa vụ, nhưng chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn phải thi ở phòng dự phòng cùng với 3 thí sinh F2 khác.

Tuấn là chiến sĩ phục vụ có thời hạn tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Trước đó, theo phân công của đơn vị, Tuấn thực hiện nhiệm vụ canh giữ phạm nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Ngày 18/6, một nữ bác sĩ trong bệnh viện được xác định mắc Covid-19, toàn bộ bệnh viện bị phong tỏa, trong đó có Tuấn.

Chiều 6/7, trong khi các thí sinh khác làm thủ tục dự thi thì Tuấn vẫn trong vùng phong tỏa chờ quyết định của các cấp lãnh đạo. “Cuối ngày, kết quả test nhanh của em và mọi người trong bệnh viện âm tính. Lúc đó, em mới được ra khỏi bệnh viện đi thi và chuyển từ địa điểm Bệnh viện Tâm thần Nghệ An sang Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An để cách ly một mình”, Tuấn cho hay.

Dấu ấn mùa thi tốt nghiệp THPT: Theo trò đi thi - Ảnh minh hoạ 4
Nam sinh Nguyễn Văn Tuấn kịp vượt chốt phong tỏa trước giờ G để đi thi. 

Đêm trước hôm thi, Tuấn vẫn tranh thủ ôn trực tuyến. “Nhà em làm nông nên bố mẹ cũng vất vả. Tối nào mẹ cũng gọi điện bảo cố gắng học tốt để thi. Chỉ có học mới có cơ hội thoát khỏi ruộng đồng lam lũ. Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và đồng đội cũng khích lệ tinh thần em rất nhiều”, nam sinh tâm sự.

“Em thích câu hỏi nghị luận xã hội của môn Ngữ văn nói về sự cống hiến. Cá nhân em đang là công an nghĩa vụ, thời gian qua vừa ôn thi, vừa tham gia lực lượng phòng chống dịch Covid-19. Dù vất vả và trở thành F2 nhưng em không hối tiếc mà thấy tự hào vì được đóng góp chút sức lực của mình cho cuộc chiến chống dịch như chống giặc…”, Tuấn chia sẻ.

Làm nhiệm vụ tại phòng thi dành cho thí sinh F1, F2, các giám thị cũng xác định thêm nhiều trách nhiệm. Cô Nguyễn Thị Tú Ngọc – giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, giám thị tại phòng thi dành cho thí sinh F1, F2 tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) cho hay:

"Tôi không thấy lo lắng vì mình được trang bị đầy đủ kỹ năng phòng ngừa dịch bệnh. Nhưng là giáo viên, gắn bó nhiều năm với học trò, tôi đồng cảm với những lo lắng, suy nghĩ của các em ở kỳ thi đặc biệt này. Nhất là ở phòng thi chỉ 1 – 2 thí sinh và có tới 3 giám thị (kể cả giám thị hành lang). Vì vậy, mỗi buổi thi, ngoài việc nhắc nhở các em tuân thủ quy chế, tôi cũng động viên nhẹ nhàng để tạo tâm lý thoải mái, bình tĩnh làm bài thi tốt nhất".

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Nghệ An có 19 phòng thi cho thí sinh F2 và 5 phòng thi cho thí sinh F1. Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, trong bất kỳ bối cảnh nào như dịch bệnh hay thiên tai bão lũ, việc chuẩn bị, sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống sẽ giúp việc triển khai trong thực tế được chủ động, thuận lợi, hiệu quả. Với tâm niệm tất cả vì học sinh thì mọi khó khăn, cản trở và vất vả đều sẽ vượt qua.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập321
  • Hôm nay22,550
  • Tháng hiện tại300,680
  • Tổng lượt truy cập51,656,639
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944