Gia tăng nguồn lực không chỉ là vấn đề tài chính mà cả cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thu hút nguồn nhân lực giỏi…, đặc biệt khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Trường Đại học Công Thương TPHCM hiện chưa đạt tiêu chí “diện tích đất tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2” và “ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt”.
Hiện, diện tích đất của trường mới đạt 12,5 m2/sinh viên; chỗ làm việc riêng của giảng viên cũng chưa đạt tỷ lệ trên theo yêu cầu. Tương tự, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM chưa đạt tiêu chí về diện tích đất, dù tổng diện tích các cơ sở đào tạo và phân hiệu hiện có trên 40ha.
Nhiều trường đại học khác tại TPHCM đang có diện tích đất/sinh viên thấp hơn nhiều so với quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đặt ra. Chẳng hạn, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) đạt tỷ lệ 16,01 m2/sinh viên; Trường Đại học Văn hóa TPHCM 10,57 m2/sinh viên; Trường Đại học Ngân hàng TPHCM 7,01 m2/sinh viên; Trường Đại học Hoa Sen 1,4 m2 đất/sinh viên…
Ngoài tiêu chí về cơ sở vật chất thì tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ khiến nhiều trường đại học lo lắng. Bởi, “tỷ lệ không thấp hơn 40% và từ năm 2023, không thấp hơn 50% với cơ sở giáo dục có đào tạo tiến sĩ” không dễ thực hiện.
Điều này được thể hiện ở nhiều trường đại học lớn, tỷ lệ chưa đạt yêu cầu, như: Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) có tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ chiếm 30,04% (năm học 2022 – 2023); Trường Đại học Công nghiệp TPHCM mới đạt 33,5%… Vì vậy, một số trường đề xuất tỷ lệ này áp dụng theo từng ngành/nhóm ngành, không nên tính chung trên toàn trường.
Về đất đai, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TPHCM cho rằng, vấn đề này nằm ngoài tầm tay của trường. Nhà trường mong muốn được UBND TPHCM hỗ trợ những khu vực lân cận có khoảng đất nào cho giáo dục thì cấp để trường đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng chuẩn theo Thông tư 01/2024 của Bộ GD&ĐT về Chuẩn cơ sở vật chất, giảng đường…
Nói về khó khăn của các trường trong triển khai tăng cường nguồn lực, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT cho hay, có 2 khó khăn lớn để triển khai mục tiêu này, trong đó khó nhất là tăng cường nhưng không làm tăng chi phí cho người học. Cái khó thứ 2 là phải xác định trọng điểm, phải có lộ trình vì không thể trong thời gian ngắn đáp ứng được tất cả tiêu chí theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Chia sẻ kinh nghiệm đa dạng hóa nguồn thu, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, trường nào cũng muốn điều này, nhưng thực tế có đủ “thế và lực”, điều kiện để triển khai hay không là điều đáng bàn. Ví dụ, để đa dạng hóa nguồn thu về khoa học công nghệ nhưng lực không có, đội ngũ cán bộ làm khoa học công nghệ không có, giảng viên có trình độ cao ít… thì sao làm được? Hoặc khi trường có đội ngũ chuyên gia tốt, giảng viên cao cấp… mới cung cấp chuyên gia cho các doanh nghiệp để chuyển giao dự án, công nghệ, từ đó có thêm nguồn thu.
“Ở Trường Đại học Công Thương TPHCM, chúng tôi đầu tư cho con người trước. Năm 2016, trường chỉ có 4 phó giáo sư, 16 tiến sĩ, còn lại hầu hết là thạc sĩ. Tuy nhiên, để định hướng dài hạn, trường tập trung phát triển đội ngũ. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu nên trường đưa ra cơ chế, chính sách thật tốt để áp dụng với đội ngũ cán bộ, giảng viên”, PGS.TS Hoàn nói.
Cụ thể, cán bộ giảng viên đi học được coi như đang làm nhiệm vụ, làm việc tại trường và vẫn có thu nhập như đang làm việc, học phí được trường chi trả.
Thứ hai, trường thu hút nguồn giảng viên giỏi từ bên ngoài về. Những cán bộ theo Luật GD, trình độ tiến sĩ khi về trường làm việc ban đầu sẽ được hỗ trợ 75 triệu đồng, phó giáo sư 100 triệu và giáo sư là 150 triệu. Đặc biệt, trường cam kết tạo mọi điều kiện về nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc… để thầy cô hoạt động chuyên môn tốt nhất.
Thứ ba, khi các thầy cô đề xuất máy móc thiết bị để phục vụ nghiên cứu nhưng trong dự án, đề tài bị thiếu hụt về kinh phí, trường cũng đứng ra hỗ trợ. Vì thế, môi trường làm việc, nghiên cứu của đội ngũ giảng viên ngày càng tốt, gắn bó hơn với trường.
Thứ tư, trường đưa đội ngũ thầy cô đi học nước ngoài bằng các học bổng ngoại giao của trường và vẫn hưởng lương. “Quan điểm của trường là thầy cô đi học cũng như thực hiện nhiệm vụ tại trường nên thầy cô rất yên tâm”, PGS.TS Hoàn nói và cho hay, đội ngũ nhân lực của trường tăng vọt về chất và lượng. Hiện, trường có 3 giáo sư, 38 phó giáo sư, 264 tiến sĩ, nâng tổng số đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên tổng số giảng viên lên tới 39,5%.
Tương tự, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, nhà trường xây dựng “nội lực” bên trong để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên.
Chia sẻ thông tin, ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM đồng thời cho hay, những cán bộ có trình độ cử nhân được tạo điều kiện học thạc sĩ. Cán bộ nào đang là thạc sĩ thì được tạo điều kiện học lên tiến sĩ. Tất cả trường hợp này đều được nhà trường hỗ trợ 100% học phí, giảm 50% giờ dạy nhưng vẫn được lĩnh lương đầy đủ, thậm chí còn tăng thêm.
“Từ tháng 1/2024 đến nay, lương cán bộ giáo viên tăng thêm so với trước, gồm lương cơ bản cộng với lương tăng thêm (bằng 0,8 lương cơ bản). Thêm vào đó, các tiến sĩ trẻ được hỗ trợ thêm 2 triệu/tháng. Tóm lại, cán bộ trẻ và mới sẽ có hệ số lương cao hơn, nếu cán bộ lâu năm được hưởng lương tăng thêm là 0,8 thì cán bộ trẻ được tăng thêm 0,9 – 1”, ông Quán nói.
Cũng theo ông Quán, về cơ sở vật chất, trường đang đầu tư chỉnh sửa để đáp ứng nhu cầu và phù hợp với thời kỳ mới. Đồng thời, từ năm 2025, trường sẽ tăng cường hệ thống máy lạnh ở các phòng học, giảng đường tại cơ sở Dĩ An cho sinh viên có môi trường học tập tốt nhất; tăng cường sửa chữa các phòng học, phòng thí nghiệm…
Trong lĩnh vực đào tạo, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn mong muốn Nhà nước đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho các trường tự chủ để nâng vị thế. Theo đó, Nhà nước đầu tư và giao cho 1 - 2 trường đào tạo trọng điểm để nâng tầm ngành này so với khu vực và thế giới. Nếu không có nguồn lực của Nhà nước, việc này sẽ rất lâu. Với một số ngành nghề trọng điểm, xã hội có nhu cầu nhưng khó tuyển sinh như ngành Khoa học vật liệu, Hóa dầu, Khoan - khai thác dầu khí, Địa chất, Khai thác thủy sản…, Nhà nước nên đặt hàng các trường đào tạo.
Tác giả bài viết: Hải Quốc
Ý kiến bạn đọc