Đầu tư cho giáo dục đại học: Loay hoay tìm nguồn thu

Thứ hai - 15/07/2024 19:16 21 0
Các giải pháp để tăng nguồn thu có thể kể đến như: Chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường học, tài trợ từ doanh nghiệp…Khơi thông nguồn lực ngoài ngân sáchNăm 2023, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thực hiện tự chủ chi thường xuyên. Nhà trường xác định hợp tác...
Đầu tư cho giáo dục đại học: Loay hoay tìm nguồn thu

Các giải pháp để tăng nguồn thu có thể kể đến như: Chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển mô hình doanh nghiệp trong trường học, tài trợ từ doanh nghiệp…

Khơi thông nguồn lực ngoài ngân sách

Năm 2023, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thực hiện tự chủ chi thường xuyên. Nhà trường xác định hợp tác quốc tế và nghiên cứu – chuyển giao khoa học công nghệ là hướng chủ đạo để tăng cường năng lực tài chính. Trong năm đầu tiên thực hiện tự chủ, tổng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường gần 42 tỷ đồng, chưa tính từ nguồn hợp tác quốc tế.

Cũng là cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ từ sớm, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng có chiến lược duy trì nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tham vấn xã hội và phản biện chính sách. Nhà trường thực hiện tốt việc kế hoạch hóa hoạt động khoa học và công nghệ.

Phân cấp rõ ràng và cụ thể công tác khoa học và công nghệ giữa trường và các khoa chuyên môn; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong quản lý khoa học và công nghệ: Phần mềm quản lý khoa học dần tích hợp và hoàn thiện với hệ thống thi đua - khen thưởng, quản trị Tạp chí Khoa học Kinh tế 100% trực tuyến. Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2023 của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đạt khoảng 10 tỷ đồng.

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã ký hợp đồng triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai đề tài “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý giao thông đô thị thông minh sử dụng công nghệ bản sao số”. Đây là nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 do PGS.TS Phan Cao Thọ làm chủ nhiệm đề tài. Kinh phí thực hiện là 8,1 tỷ đồng. Đến tháng 3/2024, nhóm nghiên cứu đã có demo những sản phẩm đạt được trên nền bản đồ 4D và ứng dụng trên điện thoại của đề tài.

Chỉ tính riêng năm học 2022 – 2023, nguồn thu từ chuyển giao, ứng dụng kết quả, sản phẩm nghiên cứu cho các địa phương, doanh nghiệp và phục vụ cộng đồng của toàn ĐH Đà Nẵng đạt khoảng 70 tỷ đồng.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “Thông qua hợp tác quốc tế, ĐH Đà Nẵng đã tranh thủ nguồn lực đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao năng lực quản trị đại học. Trong 10 năm qua, ĐH Đà Nẵng nhận tài trợ/hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế hàng chục triệu USD để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, năng lực nghiên cứu và quản trị đại học thông qua các dự án lớn”.

Điển hình như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã nhận được nhiều đầu tư nguồn lực từ phía doanh nghiệp. Qua đó, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và tuyển dụng. Chỉ tính riêng năm 2023, đơn vị tiếp nhận nhiều thiết bị, linh kiện hiện đại từ các doanh nghiệp.

Đơn cử như Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Điện tự động Biển Đông (ESTEC) tặng cho nhà trường 4 bộ demo KIT PLC Siemens Simatic S7-1200 để sử dụng trong công tác đào tạo ngành Tự động hóa.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) tài trợ 2 động cơ mô hình và 5 động cơ để sinh viên thực hành trực tiếp, tiếp cận gần hơn với công nghệ ô tô. Công ty Cổ phần Công nghiệp chính xác Việt Nam tặng Robot TA-1400-GII phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…

loay hoay tim nguon thu 1.jpg
Đại diện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tham quan, làm việc với Tập đoàn Foxlink (Đài Loan, Trung Quốc). Ảnh: NTCC

Chưa rõ vai trò của “bà đỡ”

ĐH Đà Nẵng chỉ là số ít đơn vị có nguồn thu bền vững từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác doanh nghiệp. Phần lớn cơ sở GDĐH còn lại, nguồn thu vẫn chủ yếu dựa vào học phí với tỷ lệ lên tới 80 - 90%. Nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác với các doanh nghiệp, nguồn tài trợ từ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân còn thấp và không có tính ổn định.

Như Trường ĐH Duy Tân, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm học 2020 – 2021 là 9,62 tỷ đồng. Nhưng từ năm 2021 trở đi, nguồn thu này giảm hẳn, chỉ còn 1,5 tỷ đồng. Nguồn thu của Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên (ĐH Thái Nguyên) từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ đạt 2,4 tỷ đồng trong năm học 2023 – 2024 trong tổng số 123,7 tỷ đồng của nhà trường.

Để tăng nguồn thu cho các trường đại học trong bối cảnh thực hiện tự chủ, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, cần khơi thông các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học.

Nhà nước với vai trò “bà đỡ” khuyến khích, tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, hỗ trợ nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng đào tạo là hết sức quan trọng.

Muốn vậy, Chính phủ cần bổ sung, hoàn thiện, ban hành các chính sách về thuế, đất… khuyến khích doanh nghiệp chú trọng tiết kiệm dành nguồn đầu tư mà “điểm đến” là hỗ trợ, đóng góp cho các trường đại học.

PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho rằng, để huy động nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học thì đầu tư công và cơ chế đặt hàng từ Nhà nước đối với các đại học phải được Chính phủ xác định rõ ràng và có cơ chế giám sát từ Quốc hội. Cần có cơ cấu tài chính phù hợp đối với đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục đại học; xác định rõ tỷ lệ ngân sách đủ lớn cho giáo dục đại học để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nhân tài.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng đề xuất: “Lĩnh vực sáng chế và sáng tạo cần được khuyến khích và ưu tiên giảm thuế cho doanh nghiệp có đầu tư và sử dụng kết quả từ các công trình phát minh, sáng chế; thúc đẩy khởi nghiệp từ đổi mới sáng tạo. Cần nhấn mạnh đến hoạt động đầu tư và tài trợ cho nghiên cứu ở các trường đại học, nhất là nghiên cứu có tính ứng dụng, phát triển công nghệ, giải pháp mới. Khi có chính sách cụ thể sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp có trách nhiệm với sự phát triển trường học”.

Đồng thời có chính sách hạn chế, nghiêm cấm hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng công nghệ lạc hậu… Một khi chúng ta quyết tâm như vậy thì mới thúc đẩy phát triển đại học và xã hội lành mạnh hơn, hàm lượng tri thức kết tinh trong hàng hóa, sản phẩm cũng cao hơn, xã hội phát triển văn minh, hiện đại hơn.

Trong điều kiện cơ sở vật chất các trường đại học còn thiếu và khó bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ thì sự hỗ trợ của doanh nghiệp giúp ích rất nhiều cho công tác giảng dạy của giảng viên trong trường. Sinh viên có cơ hội tiếp cận và nâng cao kỹ năng thực hành với nhiều trang thiết bị hiện đại. Đây là điều cần thiết đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. - PGS.TS PHAN CAO THỌ (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng)

Tác giả bài viết: Hà Nguyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập748
  • Hôm nay36,450
  • Tháng hiện tại314,580
  • Tổng lượt truy cập51,670,539
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944