100% câu trả lời khẳng định không muốn dạy thêm ngoài giờ chính khoá. Từ cuộc khảo sát trên, tôi nhận thấy rằng, nguyên nhân của thực trạng dạy thêm cũng bởi gánh nặng mưu sinh.
Tôi nghĩ, nghề dạy học không chỉ là nghề sáng tạo nhất, đây còn là nghề đặc biệt bởi đối tượng hướng tới của họ là con người và công cụ lao động của họ là kiến thức, tư tưởng và tình cảm… Nhưng hiện nay, dạy thêm với mục đích chủ yếu là cung cấp kiến thức để thi cử chứ không hướng đến mục tiêu bồi dưỡng nhân cách, phát triển phẩm chất, năng lực. Thầy trang bị kiến thức cho trò. Trò tìm đến thầy để mong muốn vượt qua được các kỳ thi. Các trung tâm luyện thi cũng “mọc” lên từ nhu cầu thực tế đó.
Vậy, chúng ta nên đáp ứng hay “dẹp bỏ” nhu cầu trên của phụ huynh, học sinh? Tôi nghĩ, mỗi khi xã hội có nhu cầu chính đáng thì chúng ta cần đáp ứng tốt, lĩnh vực giáo dục cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, sản phẩm của giáo dục là con người nên cần phải quản lý chặt chẽ theo các tiêu chí đặc thù.
Mặt khác, có một thực tế, dù nhiều địa phương cấm dạy thêm, học thêm, tuy nhiên, việc này vẫn diễn ra. Tối tối, học sinh lại tiếp tục hành trình thu nạp kiến thức, dù cả ngày đã theo học ở trường. Có nhà thì cho con học một vài buổi/tuần, có trẻ học đủ 5 buổi/tuần. Vậy tại sao dù cấm nhưng học thêm vẫn không có xu hướng giảm?
Việc cấm thực tế rất khó khả thi, khi việc học thêm xuất phát từ nhu cầu của mỗi gia đình, mục tiêu học tập của cá nhân học sinh. Và tất nhiên, có cả những biến tướng, sử dụng “quyền lực mềm” để ép học sinh theo học lớp ngoài nhà trường.
Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện lại được đưa ra bàn luận. Và theo tôi không chỉ dừng lại ở bàn luận mà cần đưa ra các giải pháp cụ thể. Trước hết, cần bổ sung ngay danh mục dạy thêm vào luật kinh doanh có điều kiện để Quốc hội phê duyệt.
Có như thế, việc dạy thêm - học thêm ngoài nhà trường mới đủ cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý. Đề xuất này, một lần nữa, được người đứng đầu ngành Giáo dục đề cập đến trước Quốc hội là đúng đắn và cần được mọi người chia sẻ, đồng thuận.
Ảnh minh họa ITN. |
Trở lại câu chuyện ban đầu, giáo viên như tôi phần lớn đều mong muốn đời sống được cải thiện từ chính đồng lương của mình. Trong trường học, nếu thu nhập từ lương được tăng lên thì thầy cô chỉ mong dạy một buổi, buổi còn lại sẽ đầu tư cho chuyên môn.
Thực tế, để có một tiết dạy tốt, giáo viên cần nhiều thời gian để thiết kế kế hoạch bài dạy. Đặc biệt, dạy học Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên phải “cởi bỏ” các phương pháp dạy học cũ tìm đến các cách dạy học mới để đáp ứng được mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Giáo viên phải dày công tạo ra các hoạt động tích cực để học trò tự thu nhận kiến thức và vận dụng giải quyết được các tình huống trong cuộc sống. Hay nói cách khác, thông qua hoạt động dạy học, giáo viên phải giúp học sinh biết làm việc. Với mục tiêu giáo dục như thế, thầy cô giáo không còn là những nhà lập thuyết mà phải là người có các kỹ năng thực hành trong quá trình giảng dạy. Từ thực tế đổi mới đó, một giáo viên ngày dạy hai buổi ở trường hoặc trung tâm thì khó có thể thực hiện hoạt động dạy học tốt được.
Nghề dạy học, như đã nói, là nghề đặc thù, giáo viên rất cần thời gian để “tái tạo” năng lượng cho quá trình sáng tạo. Trong khi hầu hết ngành nghề khác được nghỉ ngơi về đêm thì với các thầy cô – họ lại phải thức để soạn giáo án. Hình ảnh thầy cô miệt mài bên trang giáo án trong đêm khuya đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong mắt các cô cậu học trò.
Việc phải thường xuyên thức đêm để soạn bài cũng như lao động trong môi trường có bụi phấn đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ. Do đó, giáo viên nếu chỉ lên lớp một buổi sẽ giúp cho họ vừa đảm bảo được về sức khoẻ, tinh thần vừa có thời gian chuẩn bị tốt nhất cho một tiết dạy.
Mặt khác, nghề giáo không chỉ mang lại cho học sinh tri thức mà cả vốn sống và nhân cách. Thầy cô còn phải là tấm gương sáng về mặt đạo đức, lối sống để học trò noi theo. “Trăm lời nói hay không bằng một hành động đẹp”, đội ngũ nhà giáo luôn phải phấn đấu, bồi dưỡng về mọi mặt. Do vậy, nếu người thầy mải miết chạy theo gánh nặng mưu sinh, phải gồng mình chạy ăn từng bữa, phải đánh đổi thời gian trên lớp để đi dạy ở các trung tâm hay đi làm thêm các việc khác thì khó có thể giữ được hình ảnh trong mắt học trò.
Giáo viên có mong mỏi được dạy thêm hay không? Tôi nghĩ, giáo viên chỉ dạy thêm bởi áp lực về cuộc sống mưu sinh, bởi họ chưa thể sống được bằng đồng lương của chính mình. Nếu việc cải cách tiền lương đối với giáo viên chưa được thực hiện thì cấm dạy thêm - học thêm thật sự là giải pháp khó khả thi. Thay vì cấm dạy thêm, học thêm, đưa nó vào loại hình kinh doanh có điều kiện là phù hợp nhất.
Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Ánh (Trường THPT Nghi Lộc 2 – Nghi Lộc – Nghệ An)
Ý kiến bạn đọc