Thay vì giữ chân học trò ở lại trường, dịp Tết dân tộc, các trường học miền núi, vùng cao đã chủ động đẩy chương trình giảng dạy, xây dựng kế hoạch ôn tập... để học sinh được về vui với gia đình.
Năm học này, Trường PTDTBT THCS xã Nậm Khao (Mường Tè, Lai Châu) có 273 học sinh, đa số dân tộc Hà Nhì và La Hủ.
Tháng 11 hằng năm, người Hà Nhì ở Ka Lăng lại cùng nhau đón Tết Hồ Sự Chà. Ở đây không ăn Tết Nguyên đán nên Hồ Sự Chà là Tết chính của đồng bào. Nắm được phong tục này, thay vì giữ chân trò ở lại trường, những ngày Tết dân tộc, học sinh ở Ka Lăng được về nhà đón Tết.
Thầy Lò Văn Thại - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS xã Nậm Khao cho biết: “Tết Hồ Sự Chà năm nay bắt đầu từ ngày 20/11. Nhà trường đã xây dựng phương án, đẩy lịch học để học sinh nghỉ học từ ngày 20 – 21/11. Đây là Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì nên trường linh hoạt cho các em đón Tết vui vẻ, đầm ấm bên gia đình”.
Cũng theo thầy Thại, cùng với việc cho học sinh nghỉ học, nhà trường chú trọng nhắc nhở các em, phụ huynh đảm bảo an toàn tuyệt đối trong những ngày này. Chiều 21/11, 170 học sinh bán trú đã quay trở về trường.
“Trong những ngày học sinh Hà Nhì đón Tết, học sinh dân tộc khác cũng nghỉ học. Ở bản Là Ú Cò có 22 học sinh người La Hủ theo học tại trường. Để đảm bảo sĩ số, nhà trường cử giáo viên đến nhà các em vận động ra lớp. Theo kế hoạch, học sinh sẽ thi học kỳ I từ ngày 28 – 30/12, vì vậy, thời gian này phải đảm bảo tỷ lệ chuyên cần để ôn tập kiến thức đầy đủ, hiệu quả”, thầy Thại nói.
Người Hà Nhì ở Mường Tè không ấn định cụ thể ngày Tết hằng năm mà do già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất để áp dụng mỗi năm. Vì vậy, học sinh ở bản A Mé, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè được thầy cô cho nghỉ học đón Tết cùng gia đình từ ngày 5 - 8/12.
“Tại Tà Tổng chủ yếu học sinh người Mông và Hà Nhì. Trong đó, chỉ bản A Mé đón Tết cổ truyền dân tộc. Nên đến Tết, 38 em ở bản A Mé được Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tà Tổng tạo điều kiện cho nghỉ học về chung vui với gia đình. Hiện, việc duy trì sĩ số của nhà trường tương đối đảm bảo ở 2 cấp học, đạt từ 95% trở lên”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đắc Thuấn thông tin.
Giáo viên Trường Tiểu học - THCS xã Ya Xiêr đến nhà tuyên truyền, vận động gia đình về ích lợi việc học. Ảnh: Dung Nguyễn |
Hơn tuần nữa, Trường Tiểu học – THCS xã Ya Xiêr (Sa Thầy, Kon Tum) tổ chức kiểm tra học kỳ I cho 710 học sinh thuộc 2 cấp học. Thời điểm này trùng với Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch. Vì vậy, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với gia đình tuyên truyền, động viên các em đi học chuyên cần. Qua buổi chào cờ, tiết dạy trên lớp giáo viên nhắc nhở học sinh nỗ lực học tập để hoàn thành tốt bài kiểm tra.
Theo chia sẻ của thầy Lê Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS xã Ya Xiêr, những năm trước vào dịp lễ Tết học sinh vắng khá nhiều. Các em đa phần lên nương phụ cha mẹ hoặc cùng gia đình đi hành hương nhân Lễ Giáng sinh.
Năm học 2023 - 2024, nhằm tránh tình trạng học sinh nghỉ học nhiều, ảnh hưởng đến công tác dạy học, bên cạnh tuyên truyền, vận động nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động thể dục thể thao, văn hóa nhằm thu hút các em đến trường.
Thầy trò Trường PTDTBT THCS Ka Lăng (Lai Châu). Ảnh: Hà Thuận |
“Để học sinh hào hứng khi đi học, nhà trường linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Mặt khác, kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng sân bóng đá để trò vui chơi, giải trí sau giờ học, giúp tinh thần thoải mái dễ tiếp thu kiến thức. Nhờ vậy, tỷ lệ chuyên cần được duy trì, chất lượng giáo dục cải thiện rõ rệt”, thầy Quang chia sẻ.
Từ năm 2012, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) thành lập “tổ chống bỏ học” tại các thôn, làng người dân tộc thiểu số. Đều đặn thứ 6 hằng tuần, tổ chống bỏ học thôn Đăk Rơ Chót (xã Đăk La, huyện Đăk Hà) đến từng nhà học sinh tìm hiểu nguyên nhân, vận động trẻ bỏ, nghỉ học đi học trở lại. Những trường hợp khó khăn, kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ quần áo, sách vở… nhằm động viên các em cố gắng, vươn lên trong học tập.
Theo bà Lê Thị Nhung - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Hà, toàn huyện có 10/11 xã, thị trấn triển khai mô hình này. Các tổ có sự tham gia của lãnh đạo nhà trường, giáo viên, già làng, trưởng bản và người uy tín.
“Từ khi thành lập đến nay, các tổ chống bỏ học trên địa bàn đã hoạt động tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ vậy, những năm gần đây tỷ lệ học sinh vắng, bỏ học giảm mạnh. Tổ đã đồng hành, hỗ trợ nhà trường rất nhiều trong công tác dạy học”, bà Nhung nói.
Tổ chống bỏ học xã Đăk La vận động, đưa nhiều em vắng học trở lại trường. Ảnh: Dung Nguyễn |
Chỉ ít ngày nữa người Chứt tại bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) sẽ đón Tết Cham Cha Bới – 1 trong 2 Tết truyền thống của đồng bào nơi đây.
Không chỉ tại bản làng mà không khí Tết Cham Cha Bới đã đi vào các trường học trên địa bàn. Những ngày này, cùng với ôn tập theo chương trình học, Trường Tiểu học Hương Liên còn bố trí giáo viên tập văn nghệ cho học sinh người Chứt biểu diễn trong ngày Tết.
Thầy Nguyễn Khánh Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Liên chia sẻ: “Hoạt động này khiến các em thích thú và tham gia nhiệt tình. Nhà trường cũng tuyên truyền để học sinh hiểu hơn về Tết Cham Cha Bới trong các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp”.
Theo thầy Tùng, Tết Cham Cha Bới hằng năm diễn ra cách thi học kỳ I từ 1 - 2 tuần. Vì thế, từ đầu năm học trường đã lên kế hoạch ôn tập, dạy bù đảm bảo kiến thức cho học sinh những ngày sau nghỉ Tết.
Năm học 2023 - 2024, Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh có gần 170 học sinh dân tộc theo học như người Nùng, Thái, Khmer, Lào, Mường… Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc sắc riêng. Với đặc thù này, hằng năm nhà trường xây dựng chương trình học phù hợp để các em có điều kiện về nhà đón Tết dân tộc với gia đình.
“Theo kế hoạch, thứ 6 ngày 22/12, 13 học sinh người Chứt được trở về bản Rào Tre cùng gia đình đón Tết Cham Cha Bới. Sau nghỉ Tết, nhà trường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, bộ đội biên phòng theo sát để đôn đốc các em trở lại trường đúng quy định”, thầy Đặng Bá Hải - Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin.
Ngoài ra, phát huy những nét đẹp truyền thống từng dân tộc, Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sinh động như hội thao, ngày hội các dân tộc… Qua đó gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, đồng thời củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết học sinh dân tộc trong trường học; thầy cô cũng thêm gần gũi, nắm bắt tâm tư tình cảm của học trò.
Theo thầy Nguyễn Đắc Thuấn - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tà Tổng (Mường Tè, Lai Châu), cùng với đổi mới phương pháp dạy học theo Chương trình GDPT mới, mỗi giáo viên phải tự đổi mới phương pháp để tạo hứng thú cho học sinh.
Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao để thu hút các em tham gia. Chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền nên tỷ lệ chuyên cần của trường sau mùa Tết, lễ luôn duy trì ở mức cao.
Tác giả bài viết: Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc