Đào tạo liên thông tại Việt Nam được triển khai theo Quyết định 18/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/5/2017, cho phép công nhận và chuyển đổi kết quả học tập từ một bậc học này tới một hay vài bậc học khác, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo.
Nhờ có đào tạo liên thông, người học thêm cơ hội học tập suốt đời, nâng cao bằng cấp, trình độ nghề nghiệp và thăng tiến trong công việc, qua đó góp phần phát triển nguồn nhân lực.
Mô hình này cũng tạo điều kiện phân luồng cho học sinh sau THCS, nâng cao vị trí trường trung cấp và cao đẳng (CĐ) trở thành đối tác của các trường đại học (ĐH), giải tỏa áp lực tâm lý muốn vào ĐH của một phần không nhỏ gia đình và học sinh. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp trọng thực hành khá ưng ý khi tuyển sinh viên tốt nghiệp liên thông, nhờ thế mạnh kỹ năng nghề.
Mang lại hiệu quả tích cực, thế nhưng gần đây mô hình liên thông có nguy cơ đứt gãy ở không ít trường ĐH, đặc biệt là liên thông chính quy. Lãnh đạo nhiều trường cho biết số lượng học viên liên thông CĐ lên ĐH giảm khá mạnh. Nhiều trường trước đây tuyển sinh liên thông hàng nghìn chỉ tiêu thì nay chỉ có vài ngành đủ lớp, chủ yếu nhóm ngành sức khỏe, đào tạo giáo viên; có trường còn dự kiến bỏ đào tạo liên thông chính quy. Tình hình liên thông chính quy từ trung cấp lên ĐH còn khó khăn hơn, vì gần như không có nguồn tuyển.
Nguyên nhân giảm số lượng học viên liên thông do phần lớn thí sinh tốt nghiệp THPT hiện nay dễ dàng được xét tuyển ĐH qua nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Đa số người học tốt nghiệp CĐ tham gia thị trường lao động khối tư nhân không có mục tiêu học lên cao. Trong khi đó, người tốt nghiệp trung cấp đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT (4 môn) muốn học lên ĐH chính quy, thì khó đạt ý nguyện, vì không thuộc đối tượng tuyển sinh liên thông của nhiều trường.
Đáng chú ý, mục tiêu đào tạo của các trường CĐ và ĐH khác nhau nên người học liên thông hiện phải học bổ sung nhiều do “đứt gãy” từ khi các trường CĐ chuyển về giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Việc đào tạo liên thông từ GDNN lên GDĐH thiếu các tiêu chuẩn đầu ra ở mỗi trình độ trong một ngành, nghề và các điều kiện đảm bảo chất lượng cho chuẩn đầu ra, nên việc xét duyệt để học sinh, sinh viên được miễn trừ các môn đã học gặp nhiều khó khăn.
Do có sự khác nhau về chương trình đào tạo, tên môn học, số tín chỉ… nên một số trường ĐH không công nhận học phần/ tín chỉ/mô-đun của trường ở bậc học dưới; việc đánh giá thực hành thực tập của sinh viên chưa được chú trọng. Mặc dù Quyết định 18/2017/QĐ-TTg yêu cầu các cơ sở đào tạo phải ban hành quy định về công nhận và miễn trừ các tín chỉ đã tích lũy của người học, nhưng do quy định này chưa có hướng dẫn cụ thể, nên nhiều trường không biết cách triển khai hoặc lúng túng khi thực hiện.
Để tháo gỡ điểm nghẽn trong liên thông, thời gian qua ngành GD-ĐT đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp như tổ chức dạy văn hóa trong trường nghề, tìm cách giải quyết những lỗi kỹ thuật về công nhận môn học, chuyển đổi tín chỉ, thừa nhận giá trị những trải nghiệm học tập trước đó, giúp người học tránh các môn dư thừa, tiết kiệm thời gian, tiền bạc… Tuy vậy, những việc đã thực hiện đa phần mang tính tình thế, bởi nhiều vấn đề liên quan do 2 ngành quản lý nên khó có sự phối hợp chặt chẽ, nhất quán.
Phát triển đào tạo liên thông, hướng tới xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh loạt, năng động không thể thiếu vắng các văn bản pháp quy, quy định và hướng dẫn cụ thể để triển khai trong thực tiễn, đặc biệt là hướng dẫn chuyển đổi từ luồng đào tạo thực hành, ứng dụng của GDNN sang luồng định hướng nghiên cứu của GDĐH và ngược lại. Thống nhất được hành lang pháp lý cụ thể cho chuyển đổi luồng, đào tạo liên thông mới thông hơn, từ đó có tác động tích cực tới việc lựa chọn định hướng học tiếp theo của người học, đặc biệt là học sinh sau THCS.
Tác giả bài viết: Gia Khánh
Ý kiến bạn đọc