ĐBSCL: Tìm biện pháp đón đầu dạy và học ngoại ngữ

Thứ bảy - 15/12/2018 00:17 503 0
GD&TĐ - Sau nhiều năm triển khai và áp dụng thí điểm Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (giai đoạn 2008 - 2020), nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những bước tiến tích cực. Nhiều tỉnh, thành đã chuẩn bị tốt về chất và lượng với hoạt động thí điểm theo hình thức khác nhau. Tất cả đang hướng tới mục tiêu nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực trong tương lai…
ĐBSCL: Tìm biện pháp đón đầu dạy và học ngoại ngữ

Tiến triển rõ rệt

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (giai đoạn 2008 - 2020) đang trong giai đoạn về đích. Mục tiêu của đề án là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường của Việt Nam để đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người Việt Nam.

Trong thực tế triển khai, ngoài các tiêu chuẩn đáp ứng cho quá trình thí điểm như trình độ giáo viên, năng lực học sinh, cơ sở vật chất… thì việc tăng số lượng lớp thí điểm trở thành điều kiện cần nhất cho việc triển khai đại trà. Tại tỉnh Bạc Liêu, tiếng Anh thí điểm theo chương trình 10 năm được triển khai từ năm học 2013 - 2014, bắt đầu với 3 lớp 6 gồm 105 học sinh và 2 lớp 10 với 70 em tại Trường THPT chuyên Bạc Liêu. Từ kết quả tích cực, ở những năm tiếp theo, đề án tiếp tục được triển khai mở rộng trên toàn tỉnh.

Hiện nay, ở 7 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bạc Liêu đều có ít nhất 1 trường THCS, 1 trường THPT tham gia thí điểm Đề án dạy và học ngoại ngữ 2020. Theo đó, quy mô năm học 2018 – 2019, 9 trường THCS và 7 trường THPT với 61 lớp (2.260 học sinh) và 37 giáo viên tham gia giảng dạy ở cấp THCS; ở cấp THPT có 13 lớp (707 học sinh) và 20 giáo viên tham gia giảng dạy ngoại ngữ theo đề án.

Ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Những khó khăn ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô các trường tham gia chương trình thí điểm như: trình độ năng lực ngoại ngữ của học sinh chưa đáp ứng yêu cầu; thiết bị phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ ở một số trường còn hạn chế; nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ năng lực ngoại ngữ (cấp THPT mới đạt 23,6%)… Trong đó, trình độ năng lực ngoại ngữ của học sinh là nhân tố quan trọng nhất vì chất lượng học sinh đầu vào đạt yêu cầu mới có thể tham gia học tốt chương trình thí điểm”.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được triển khai thí điểm ở 3 trường cấp THPT và 8 trường cấp THCS. Tuy nhiên, số học sinh chưa đủ sức vượt mức 1.000 em. Trong đó, 3 trường THPT đủ điều kiện tuyển sinh là Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THPT Hoàng Diệu và Trường THPT An Lạc Thôn. Theo ông Châu Tuấn Hồng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, số lớp thí điểm theo chương trình Đề án ngoại ngữ quốc gia qua các năm có tăng ở cả cấp THPT và cấp THCS nhưng chậm. Mặc dù vậy, kết quả khảo sát ở mỗi kỳ tuyển sinh cho thấy, tình hình chất lượng có tiến triển rõ rệt với trung bình tỷ lệ đạt tiêu chuẩn chiếm khoảng 60% so với tổng số học sinh đăng ký.

ĐBSCL: Tìm biện pháp đón đầu dạy và học ngoại ngữ - Ảnh minh hoạ 2

Linh động tháo gỡ khó khăn

Mặc dù Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được các địa phương ở ĐBSCL tích cực triển khai nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Theo đó, quy mô số lượng trường, lớp thí điểm có tăng, nhưng ở một số trường được chọn vẫn không tránh khỏi tình trạng phát triển thí điểm theo “biểu đồ hình sin”, biểu hiện tính không liên tục, biến động chủ yếu về phía người học. Có nghĩa là suốt thời gian thí điểm, số học sinh không đủ tiêu chuẩn lớp học thì năm đó trường không triển khai, đến năm học tiếp theo nếu đủ số lượng, trường lại sẽ tiếp tục thí điểm. Do đó, để có giải pháp duy trì hoặc mở rộng các lớp thí điểm là hết sức cấp thiết, trong khi chỉ còn thời gian ngắn nữa áp dụng đại trà.

Trong quá trình học tập, học sinh vùng sâu, vùng xa còn gặp khó ở kỹ năng nghe và nói tiếng Anh. Để học sinh hoàn thiện nhuần nhuyễn cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết thì nhà trường tiến hành dạy tăng tiết, tạo điều kiện tiếp xúc ngoại ngữ cho cả khối THPT và THCS thông qua các câu lạc bộ.
Thầy Nguyễn Quang Khải, 
Phó Hiệu trưởng Trường THPT 
An Lạc Thôn (Kế Sách, Sóc Trăng)

Trường THPT Cái Tắc (thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) là một điển hình. Đã qua 4 năm thí điểm, tuy nhiên trường gặp trở ngại vì gián đoạn trong công tác tuyển sinh. Cụ thể, trường chỉ mở được khóa đầu tiên và những năm tiếp theo không mở được dù đã có nhiều nỗ lực, tích cực chiêu sinh.

Thầy Huỳnh Hữu Quân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cái Tắc nhìn nhận: “Có những năm học số học sinh đăng ký học ngoại ngữ theo đề án chưa đến 10 em nên không thể mở lớp được. Đến năm học này, nhà trường đã mở lại được 1 lớp thí điểm tiếng Anh với sĩ số 44 học sinh (tăng 12 em so với khóa đầu tiên). Để đạt được kết quả này, nhà trường đã đề nghị Tổ Ngoại ngữ chuẩn bị một số nội dung cần thiết, sau khi có kết quả tuyển sinh khối 10 thì tiến hành triệu tập các em đến sinh hoạt một buổi nhằm cung cấp thông tin phù hợp rồi mới cho đăng ký. Nhờ thay đổi, làm mới hình thức tuyên truyền, học sinh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của Đề án ngoại ngữ 2020. Qua đó, các em hồ hởi đón nhận, tạo động lực để triển khai tốt cho chương trình đại trà”.

Là một trong 3 trường THPT của tỉnh Sóc Trăng được chọn thí điểm Đề án ngoại ngữ 2020 ở cả cấp THPT và THCS, qua kỳ khảo sát đầu vào của Trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) thu nhận được kết quả trúng tuyển vào 1 lớp 10 thí điểm (tỉ lệ gần 90% so với tổng số học sinh đăng ký ở năm học 2017 - 2018); gần 70% vào 1 lớp 6 ở năm học 2018 - 2019.

Thầy Nguyễn Quang Khải - Phó Hiệutrưởng Trường THPT An Lạc Thôn trao đổi: “Vào tháng 5 hàng năm, nhà trường phổ biến kế hoạch, tổ chức ôn luyện trong vòng 3 tháng cho những học sinh có nguyện vọng học ngoại ngữ theo đề án. Số học sinh đăng ký vào lớp thí điểm tạo thành các nhóm dự tuyển. Qua quá trình tham gia chuẩn bị, học sinh đã có nhiều cơ hội củng cố, phát huy năng lực chính bản thân để rèn luyện các kỹ năng sử dụng tiếng Anh. Qua đó, các em có nhiều động lực phấn đấu nên chất lượng sẽ cao hơn”. 

Tác giả bài viết: Thùy Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1346 | lượt tải:293

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1042 | lượt tải:272

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2347 | lượt tải:370

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2889 | lượt tải:471

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2212 | lượt tải:317
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập153
  • Hôm nay7,839
  • Tháng hiện tại17,329
  • Tổng lượt truy cập49,723,094
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944