Công cụ này giúp minh bạch thông tin, thuận tiện công tác đảm bảo chất lượng của nhà trường.
TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cho biết: Mỗi giảng viên, kể cả giảng viên thỉnh giảng đều được nhập dữ liệu trên hệ thống phần mềm quản lý nhân sự và đào tạo. Trong đó, phần mềm quản lý đào tạo gồm chương trình, nội dung, số tín chỉ, hồ sơ lý lịch giảng viên, lịch trình lên lớp… Phần mềm quản lý nhân sự có lý lịch khoa học, bằng cấp đào tạo.
“Khi ứng viên trở thành giảng viên của trường sẽ được cấp mã số, trong đó có đầy đủ thông tin liên quan đến công tác nhân sự. Kể cả giảng viên thỉnh giảng cũng phải qua quy trình này và có thêm thông tin nơi làm việc của giảng viên, khối lượng giờ dạy”, TS Võ Thanh Hải thông tin. Những thông tin này, theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, còn là minh chứng phục vụ cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục và các vấn đề liên quan đến thuế nên không thể làm sơ sài hoặc bỏ qua.
Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã xây dựng phần mềm quản lý giảng viên và đưa vào sử dụng từ khi chuyển từ phương thức đào tạo niên chế sang tín chỉ. Phần mềm thường xuyên được nâng cấp và hoàn thiện để phù hợp với công tác đảm bảo chất lượng nhà trường. Trong đó, hồ sơ khoa học do ĐH Đà Nẵng quản lý chung. Riêng phần mềm quản lý giảng viên của nhà trường có một số nội dung như thời khóa biểu phân công giảng dạy, báo nghỉ, bù, khối lượng giờ lên lớp…
Giảng viên thỉnh giảng của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng chủ yếu là nhân sự của trường đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, hồ sơ quản lý giảng viên thỉnh giảng vẫn có đầy đủ về các loại chứng chỉ, bằng cấp… kèm theo giấy khám sức khỏe.
Theo TS Nguyễn Linh Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng, danh sách giảng viên thỉnh giảng của nhà trường tùy thuộc vào đề xuất của các khoa, bộ môn nên không ổn định qua từng năm học.
“Tuy nhiên, phải có sự khống chế trên cơ sở cân đối giờ dạy của giảng viên cơ hữu ở các khoa để đảm bảo không sử dụng quá nhiều giảng viên thỉnh giảng. Ngoại trừ giảng viên thỉnh giảng là chuyên gia đến từ doanh nghiệp”, TS Nguyễn Linh Nam thông tin.
Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng trao quyết định cho các ứng viên trúng tuyển viên chức của trường. Ảnh: NTCC |
Trong Đề án tuyển sinh của các trường đại học gửi về Bộ GD&ĐT, ngoài danh sách giảng viên cơ hữu, phải kèm cả danh sách giảng viên thỉnh giảng. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, một trong những điều kiện mà giảng viên thỉnh giảng phải đáp ứng đó là có chứng chỉ sư phạm, kể cả chuyên gia đến từ doanh nghiệp. Do đó, việc minh bạch thông tin về giảng viên, thỉnh giảng trên phần mềm quản lý càng thuận tiện cho công tác đảm bảo chất lượng mỗi nhà trường.
Tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, các ngành đào tạo theo chương trình đặc thù ở lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch, doanh nghiệp sẽ đảm nhận từ 30 - 50% tổng thời gian đào tạo. Ngoài ra, với tất cả ngành học, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng còn quy định trong 1 khóa đào tạo phải đảm bảo 5 môn học có giảng viên thỉnh giảng là chuyên gia đến từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, chuyên gia từ doanh nghiệp vào giảng dạy phải tuân thủ các quy định về thỉnh giảng như có chứng chỉ sư phạm.
Để giải quyết bài toán này, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã mời chuyên gia đến từ doanh nghiệp thường xuyên hợp tác với nhà trường tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ sư phạm. PGS.TS Lê Văn Huy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường hỗ trợ học phí cho các chuyên gia nhằm đáp ứng các điều kiện giảng viên thỉnh giảng. Bằng cách này, hiện Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng có khoảng 80 giảng viên thỉnh giảng. Với những chuyên gia không có chứng chỉ sư phạm, nhà trường chỉ mời dưới dạng báo cáo.
Trong các giờ giảng của chuyên gia đến từ doanh nghiệp, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng yêu cầu giảng viên phải có mặt để hỗ trợ khi cần thiết; giúp chuyên gia trong chấm bài, đánh giá để nộp điểm đúng hạn vì công việc xét lên lớp của trường phải hoàn thành trong cùng khung thời gian.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Hữu Phúc - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng chia sẻ, đối với giảng viên thỉnh giảng theo diện tình nguyện viên đến từ các tổ chức, cả hai bên gặp nhiều khó khăn trong thủ tục.
Cụ thể, nguồn chuyên gia, giảng viên là người nước ngoài theo diện tình nguyện viên không thiếu, trường cũng có nhu cầu nhưng cả hai đều gặp khó khăn về giấy phép lao động.
Với giảng viên diện tình nguyện viên từ các tổ chức nước ngoài, chỉ được cấp phép lao động dưới 3 tháng nhưng cả hai bên đều có nhu cầu dài hơn về mặt thời gian. Vì vậy, gần hết 3 tháng, tình nguyện viên phải xuất cảnh và làm thủ tục lại từ đầu nên không mấy tổ chức mặn mà vì mất quá nhiều thời gian. Giảng viên theo dạng tình nguyện viên của nhà trường hiện chủ yếu từ các cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu ngành Giáo dục. Trong đó, có việc cập nhật dữ liệu giảng viên cơ hữu của các trường. Khi nhập thông tin giảng viên vào phần mềm, đơn vị phải chịu trách nhiệm về tính chính xác. Đây cũng là một trong những cơ sở để xác định trùng lặp giảng viên cơ hữu trong các trường. Chia sẻ của PGS.TS Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, trừ 2 trường thuộc 2 hệ thống quản lý dữ liệu khác nhau, ví dụ một trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT quản lý và một trường thuộc các bộ khác quản lý thì khó xác minh. Còn lại, không thể có trường hợp đồng thời là giảng viên cơ hữu của cả 2 trường do Bộ GD&ĐT quản lý.
Tác giả bài viết: Hà Nguyên
Ý kiến bạn đọc