Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc hai Bộ.
Báo cáo khái quát về Học viện Kỹ thuật quân sự và một số kết quả thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học giai đoạn 2018 - 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo, ông Lê Minh Thái, Giám đốc Học viện cho biết:
Học viện Kỹ thuật quân sự đã có 57 năm xây dựng và phát triển. Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Học viện là đào tạo nguồn nhân lực cho Quân đội trình độ Đại học (ĐH), sau ĐH về khoa học kỹ thuật quân sự; đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật cho nước ngoài (khi được Bộ Quốc phòng giao). Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật quân sự vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, tư vấn, thiết kế chế tạo, chuyển giao công nghệ, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật. Phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu xây dựng và thực hiện chiến lược về đào tạo cán bộ kỹ thuật quân sự, chỉ huy kỹ thuật, chỉ huy tham mưu kỹ thuật.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh và đoàn công tác thăm Học viện Kỹ thuật quân sự. |
Hiện Học viện tổ chức đào tạo 51 chương trình đào tạo kỹ sư quân sự dài hạn thuộc 15 ngành; đào tạo kỹ sư chất lượng cao bắt đầu từ khóa 59 (trúng tuyển 2023) với 2 chuyên ngành đào tạo Thông tin và An ninh hệ thống thông tin; đào tạo kỹ sư thiết kế chế tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng; đào tạo theo chức vụ; đào tạo hoàn thiện ĐH; đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; đào tạo ngắn, chuyển loại, bồi dưỡng; đào tạo học viên quốc tế và đào tạo hệ dân sự phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Tổng quân số cán bộ, nhân viên của Học viện gồm 1.986 người. Riêng đội ngũ cán bộ tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học có 1.153 người (trong đó có 499 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học; 81 giáo sư, phó giáo sư; 367 thạc sĩ; 287 ĐH).
Học viện Kỹ thuật quân sự đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tổ chức và quản lý đào tạo, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục-đào tạo. |
Những năm qua, Học viện được quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở kỹ thuật với nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, sản xuất chế thử. Từ đó đã góp phần nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, năng lực sản xuất chế thử cho Học viện.
Các chương trình đào tạo của Học viện về cơ bản đáp ứng tốt các mục tiêu, yêu cầu đào tạo, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn tại đơn vị. Chương trình đào tạo đảm bảo cân đối giữa học lý thuyết và thí nghiệm, thực hành, thực tập, bài tập lớn, đồ án môn học; đảm bảo kiến thức nền cơ bản và cơ sở ngành vững chắc; đảm bảo trang bị cho người học kiến thức đủ rộng, đủ sâu, có khả năng tự học suốt đời, khả năng tiếp cận và giải quyết các vấn đề từ thực tiễn một cách khoa học, có hệ thống.
Từ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, Học viện đã tạo ra một số sản phẩm khoa học và công nghệ lưỡng dụng, phục vụ nền kinh tế xã hội. |
Với mục tiêu đào tạo là “Sĩ quan - Kỹ sư - Đảng viên”, học viên tốt nghiệp Học viện phải đáp ứng 5 chuẩn đầu ra: chuẩn đầu ra về kiến thức chuyên môn, chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, chuẩn đầu ra về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, chuẩn đầu ra về năng lực chỉ huy và tác phong quân nhân, chuẩn đầu ra về sức khỏe và rèn luyện thể lực.
Về hoạt động khoa học công nghệ, giai đoạn 2018-2023, Học viện đã triển khai 1.008 đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp. Hoạt động nghiên cứu cơ bản, công bố khoa học và sở hữu trí tuệ, trong giai đoạn vừa qua, Học viện có 5.181 công bố khoa học được đăng tải trên các tạp chí và kỷ yếu hội thảo trong nước và quốc tế; được cấp 5 bằng sử hữu trí tuệ và giải pháp hữu ích.
Học viện đồng thời đã thực hiện 40 đề tài độc lập và thuộc các Chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia, 66 đề tài cấp Bộ và tương đương, 7 hợp đồng thực hiện các nhánh nghiên cứu, 22 đề tài, nhiệm vụ cấp Tổng cục Kỹ thuật và hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện…
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Chia sẻ về mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn tới, ông Lê Minh Thái thông tin: Mục tiêu đến năm 2030, Học viện Kỹ thuật quân sự đặt mục tiêu trở thành trường ĐH nghiên cứu nằm trong tốp đầu về khoa học kỹ thuật và công nghệ của đất nước, có những lĩnh vực tương đương với các trường ĐH lớn trong khu vực và hội nhập quốc tế, nằm trong tốp 700 các trường ĐH tiên tiến, hàng đầu trên thế giới; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao.
Đến năm 2045, Học viện phấn đấu nằm trong tốp 500 các trường ĐH tiên tiến, hàng đầu trên thế giới.
Tại buổi làm việc, Học viện Kỹ thuật quân sự đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm, tạo điều kiện để Học viện triển khai nhiệm vụ đào tạo về ngành công nghiệp chip bán dẫn; quan tâm, ủng hộ việc đề xuất, cụ thể hóa nhiệm vụ của Học viện vào trong Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp.
Học viện cũng mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm, xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho các công bố ISI/Scopus của Học viện lấy danh nghĩa là Trường ĐH Kỹ thuật Lê Quý Đôn; tạo điều kiện để các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc Học viện Kỹ thuật quân sự được tham gia đăng ký, đề xuất các đề tài, nội dung nghiên cứu khoa học do Bộ GD&ĐT quản lý…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. |
Nhấn mạnh thành tựu của Học viện Kỹ thuật quân sự trong 57 năm qua và đánh giá cao các kết quả này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh đề nghị Bộ trưởng và cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT thường xuyên quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ Học viện hoàn thành tốt các nhiệm vụ, hòa nhập với hệ thống đại học trong nước và trên thế giới; xem xét, giúp đỡ, giải quyết các vấn đề Học viện đề xuất, kiến nghị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ vui mừng, đánh giá cao những kết quả Học viện Kỹ thuật quân sự đạt được trong thời gian qua, đặc biệt về chất lượng đào tạo.
Bộ trưởng cho biết, chủ trương của Đảng, Nhà nước đang đổi mới toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, đưa giáo dục đại học hiện đại hóa cả về quản trị, điều hành, mô hình, cơ sở hạ tầng, phương thức quản trị... Thực tế, giáo dục đại học đang đạt được những kết quả khá tốt.
Bộ trưởng đã có những trao đổi liên quan đến sự phát triển của các trường đại học khối quân đội nói chung, Học viện Kỹ thuật quân sự nói riêng, trong bối cảnh này; với mong muốn các trường đại học công nghệ, kỹ thuật, khoa học trong quân đội cũng phải là đột phá chiến lược để hiện đại hóa quân đội.
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn. Ảnh: Xuân Phú
Ý kiến bạn đọc