Phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29, đạt các mục tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp gồm:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu và phát huy tinh thần Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đồng thời tham mưu đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, nhằm tăng cường tính chủ động, sáng tạo của Thành phố.
Bên cạnh đó, TPHCM có thể chủ động quyết định các nội dung về quy hoạch, tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đội ngũ nhà giáo,... phù hợp với nhu cầu phát triển của thành phố. Ngoài ra, Thành phố được bổ sung nguồn ngân sách trung ương và huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, đào tạo. Điều này sẽ giúp Thành phố nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Thứ hai, tập trung xây dựng TPHCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực Châu Á, đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045. Thực hiện hiệu quả đề án “TPHCM - Trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực”; đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực.
Đào tạo người học trở thành công dân yêu nước, tự hào dân tộc, có đạo đức kỷ luật, ý thức trách nhiệm xã hội; có kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu TPHCM. |
Thứ ba là đẩy mạnh rà soát, sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tham mưu xây dựng cơ chế thu hút, tuyển dụng đội ngũ nhằm khắc phục tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ trong các cơ sở giáo dục.
Nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên đại học, tăng số lượng giảng viên được đào tạo tiến sĩ ở các nước có trình độ khoa học cao; thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước làm giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học.
Đổi mới cơ chế, chính sách tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý; thực hiện quản lý sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình.
Thứ tư là tiếp tục ưu tiên, đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/ 10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) ở mỗi cấp học, bậc học.
Đồng thời tích cực triển khai việc nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Thành phố; phát huy hiệu quả mô hình “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế"; phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, đào tạo.
“TPHCM sẵn sàng và nổ lực hết mình để triển khai thành công các mô hình, chương trình, đề án tiên tiến, hiện đại trong giáo dục. Các mô hình, chương trình, đề án này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời góp phần thành công cho công cuộc đổi mới Ngành giáo dục nước nhà Hội nhập với quốc tế”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Hồ Phúc
Ý kiến bạn đọc