Ngày 14/12, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà chủ trì tại điểm cầu TP Hà Nội.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, 10 năm qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện các giải pháp về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đạt nhiều kết quả. Quy mô trường, lớp, học sinh các cấp học và trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng tăng lên.
Thành ủy, HĐND, UBND TP ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đó là cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi để ngành GD&ĐT Thủ đô từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
TP đã xây dựng và hoàn thiện một số cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên như: Cấp kinh phí cho một số cán bộ quản lý và giáo viên đi học sau đại học bằng nguồn ngân sách TP; quy định về chế độ hỗ trợ nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú"…
Hà Nội triển khai kế hoạch thực hiện phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025 với hình thức: Trường giúp trường, giáo viên giúp giáo viên, tổ chức “ngân hàng giáo viên” góp phần thu hẹp khoảng cách về chất lượng đội ngũ giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành…
Trong tham luận, đại diện ngành giáo dục Hà Nội khẳng định, sau 10 năm tích cực thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đến nay, Hà Nội đã có đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được tăng cường về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn tốt, tạo nên sự phát triển vững chắc cho ngành Giáo dục Thủ đô.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tham luận tại điểm cầu thành phố Hà Nội. |
Góp ý vào dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Bộ GD&ĐT, Hà Nội đề nghị Bộ nghiên cứu, cân nhắc bổ sung vào phần hạn chế, bất cập nội dung: Chưa thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, cụ thể là: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét tham mưu Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Thành phố cũng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường học ra khỏi khu vực nội đô, ưu tiên quỹ đất để xây trường học công lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân trên địa bàn TP, đặc biệt tại khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Cùng với đó, Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT phối hợp các bộ, ngành, thành phố trình Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô, cho phép trường công lập được liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài.
Thêm nữa, Hà Nội mong Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu Chính phủ quan tâm, xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên bảo đảm các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên…
"Với sự quyết tâm của Thành ủy, UBND TP, ngành giáo dục Hà Nội đang tham mưu quyết liệt về vấn đề tự chủ của các trường học trên địa bàn. Tới đây, sau khi hoàn thành việc xác định định mức kinh tế kỹ thuật và tiến đến tự chủ trường học, ngành giáo dục Hà Nội sẽ giải quyết được nút thắt thiếu biên chế giáo viên, nhân viên...”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết.
Tác giả bài viết: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc