Từ thực tiễn triển khai, nhiều cơ sở giáo dục khẳng định bố trí thời gian cho hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài giờ chính khóa không xen giữa các tiết học thuộc chương trình chính khóa là phù hợp và không khó khăn.
Theo cô Trần Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ), nhà trường không đan xen hoạt động giáo dục ngoài giờ với chương trình chính khóa để đảm bảo thời lượng, yêu cầu cần đạt theo Chương trình GDPT 2018. Hoạt động ngoài giờ chính khóa tổ chức theo hình thức câu lạc bộ, nguyện vọng sở thích của học sinh, phù hợp cơ sở vật chất, đội ngũ nhà trường. Các nội dung dạy học sau giờ chính khóa đa dạng, linh hoạt.
“Chúng tôi bố trí thời gian cho hoạt động giáo dục kỹ năng sống, ngoài giờ chính khóa vào sau các tiết buổi sáng và chiều. Điều này phù hợp để học sinh được tham gia hoạt động theo nhu cầu, sở thích; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh không phải đón con quá sớm”, cô Hạnh cho biết thêm.
Tương tự, Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) không bố trí đan xen học giáo dục kỹ năng sống với tiết chính khóa. Lý giải của thầy Nguyễn Văn Chanh - Hiệu trưởng nhà trường là làm như vậy không khác nào bắt ép học sinh phải tham gia.
Điều này được Bộ GD&ĐT quy định cụ thể trong Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/2/2014 về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa. Cụ thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trong quy định này được hiểu là hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu người học không thuộc chương trình, kế hoạch giáo dục do các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt. Người học tham gia trên tinh thần tự nguyện.
“Mới đây, Bộ GD&DT ban hành Văn bản số 6759/BGDĐT-GDTX ngày 4/12/2023, nhấn mạnh bố trí thời gian học không xen giữa các tiết học thuộc chương trình chính khóa. Thực hiện nghiêm quy định của Bộ GD&ĐT, Trường Tiểu học Thụy Sơn tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống vào tiết 4 các buổi chiều. Cách làm này được phụ huynh đồng tình vì giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng; vừa quản lý học sinh hiệu quả, thuận lợi cho gia đình vì giờ tan học không quá sớm”, thầy Chanh chia sẻ.
Trường Tiểu học Dĩnh Trì (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cũng không bố trí đan xen lịch hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa với các tiết thuộc chương trình chính khóa. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Khôi, nhà trường mỗi tuần chỉ bố trí dạy 1 tiết kỹ năng sống; 1 tiết tiếng Anh cho học sinh lớp 1, 2 và 1 tiết tiếng Anh với người nước ngoài cho học sinh lớp 3, 4, 5. Thời gian được bố trí cuối buổi học, sau tiết chính khóa của chương trình giáo dục phổ thông.
“Bộ GD&ĐT yêu cầu bố trí thời gian học kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa không xen giữa các tiết học thuộc chương trình chính khóa không gây khó khăn cho nhà trường. Lý do, trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục từ đầu năm học nên chủ động được thời gian biểu, thời khóa biểu. Học sinh tiểu học học buổi sáng tối đa 4 tiết, buổi chiều tối đa 3 tiết nên còn dư thời gian để bố trí các em học các tiết ngoài giờ chính khóa”, thầy Khôi cho hay.
Ảnh minh họa ITN. |
Nhiều năm là giáo viên tiểu học tại Đồng Tháp, nay phụ trách môn Tiếng Việt và Hoạt động trải nghiệm tại Trường ĐH Đồng Tháp, NGƯT Tô Ngọc Sơn khẳng định vai trò của giảng dạy kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa trong trường học, bổ trợ tích cực cho hoạt động học tập chính khóa. Tuy nhiên, triển khai thực tế chưa đồng bộ, mỗi địa phương có cách thực hiện khác nhau, còn nhiều bất cập.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức các hoạt động này, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn 6759/BGDĐT-GDTX về việc tăng cường quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. NGƯT Tô Ngọc Sơn nhận định, chỉ đạo, lưu ý của Bộ GD&ĐT tại công văn này giúp cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục có cái nhìn chuẩn xác, đúng đắn hơn về giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa; có cơ sở thực hiện rõ ràng, minh bạch và vững chắc hơn.
Nói về sự cần thiết phải sắp xếp hoạt động giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa tách biệt với chương trình chính khóa, NGƯT Tô Ngọc Sơn cho rằng, quỹ thời gian của các lớp học 2 buổi/ngày cấp tiểu học rất nhiều.
Ngoài thời lượng học chính khóa quy định, các em còn thời gian để tham gia hoạt động bổ trợ. Việc bố trí thời gian hợp lý theo quy định của Bộ GD&ĐT không khó đối với cơ sở giáo dục. Nhà trường cần sắp xếp thời gian biểu các hoạt động này tách biệt với môn học chính khóa, thường vào buổi chiều.
Ngay từ tên gọi chúng ta cũng không thể tách rời từ “hoạt động” ra khỏi các nhiệm vụ cần thực hiện “kỹ năng sống”, “giáo dục ngoài giờ chính khóa”. Chính vì vậy, thực hiện các tiết học này, học sinh phải được hoạt động, thao tác, “cháy” hết mình với những nội dung tham gia.
Như vậy, khi tổ chức tách biệt sẽ không gây ồn ào mất trật tự cho các lớp, khối lớp học xung quanh. Tâm lý ở lứa tuổi này thường thích tìm tòi, trải nghiệm, khám phá nên được hoạt động các em sẽ say mê, cuốn hút. Thời lượng thực hiện các hoạt động này khi tổ chức tách biệt cũng không bị ảnh hưởng.
Sau chỉ đạo mới của Bộ GD&ĐT, thầy Nguyễn Văn Khôi cho biết, nhà trường sẽ triển khai một số việc để thuận lợi cho tổ chức dạy học, vừa thuận lợi cho học sinh và bảo đảm yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Trong đó thông báo cụ thể lịch học thay đổi (nếu có) và lý do thay đổi để phụ huynh học sinh, học sinh hiểu, đồng thuận ủng hộ việc học tiết cuối buổi, đón con về muộn hơn.
Đối với lớp 1, 2, vì buổi sáng chỉ học 3 tiết nên bố trí dạy tiết ngoài giờ chính khóa sau đó để khi kết thúc vừa kịp cùng các lớp 3, 4, 5 nghỉ trưa, ăn bán trú. Nhà trường đồng thời thỏa thuận với đơn vị cung cấp dịch vụ bố trí giáo viên dạy phù hợp, yêu cầu chỉ dạy các tiết cuối buổi. Thay đổi thời khóa biểu đối với lớp 3, 4, 5 để dành tiết cuối của ngày học trong tuần dạy nội dung giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Tổ chức ngoài giờ lên lớp sẽ giúp giáo viên lựa chọn nơi hoạt động của học sinh hợp lý hơn, có thể tại lớp học, sân trường, thư viện, công viên, sân cỏ… Việc phải tiếp xúc với kiến thức trong môi trường lớp học, tại một nơi, một chỗ, ngồi lì tại bàn học rất dễ làm các em nhàm chán, thụ động. Không gian nhỏ hẹp của lớp học cũng làm nhiều học sinh nảy sinh chứng bệnh tâm lý học đường. NGƯT Tô Ngọc Sơn
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn
Ý kiến bạn đọc