Điện Biên: Khẩn cấp di dời hàng nghìn học sinh, giáo viên đến nơi an toàn

Thứ hai - 12/08/2019 03:56 447 0

Điện Biên: Khẩn cấp di dời hàng nghìn học sinh, giáo viên đến nơi an toàn

GD&TĐ - Đã một năm nay, hàng nghìn học sinh (HS), giáo viên (GV) và nhân dân xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) sống trên một cung trượt lớn, một bên núi có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Mới đây, công tác di dời mới bắt đầu “rậm rịch” được triển khai trong khi năm học mới đang cận kề.

Quyết liệt triển khai...

Sau những trận mưa lớn xảy ra hồi cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm ngoái, khu vực trung tâm xã Tìa Dình xuất hiện hàng loạt điểm sụt lún làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở vật chất của Trường Tiểu học Tìa Dình, trụ sở UBND xã, Trạm Y tế xã và 41 nhà dân ở bản Tìa Dình C.

Rạng sáng 9/9/2018, mái nhà của 8 phòng học khung sắt ở Trường Tiểu học Tìa Dình bị đẩy cong vẹo, các mối hàn bật ra, nhiều bức tường bị nứt và đổ. Có chỗ nền nhà bị nứt rộng 20 - 30cm, sâu từ 1 - 2m. Trụ sở UBND xã Tìa Dình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bị nghiêng hơn 10 độ, các vết nứt dưới nền, chân tường ngày một lớn hơn theo thời gian.

Điện Biên: Khẩn cấp di dời hàng nghìn học sinh, giáo viên đến nơi an toàn - Ảnh minh hoạ 2
Gần 1.000 học sinh ở xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông sẽ tựu trường tại địa điểm an toàn. Ảnh: T.G 

Suốt một năm qua, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh thì ông Vừ A Bằng, Bí thư huyện ủy Điện Biên Đông liên tục cùng anh em cán bộ huyện “thị sát” tình hình để nắm bắt tâm tư của bà con và hướng giải quyết trước mắt. “Nhiều đêm anh em chúng tôi không thể ngủ được. Mỗi đợt mưa về lại lo ngay ngáy, vì đồng bào mình vẫn đang “nằm” trên một quả “bom đất” khổng lồ như thế. Giữa mùa mưa lũ thế này, ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra?”, ông Vừ A Bằng tâm sự.

Cũng chỉ ít ngày nữa là đến ngày tựu trường, việc ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân tại nơi an toàn là điều bức thiết hơn bao giờ hết. Song việc học của hàng trăm học sinh cũng hết sức quan trọng.

“Qua làm việc, các đơn vị thi công cam kết chậm nhất là 20/8 sẽ xong. Khối lượng công việc thì quá lớn, trong khi hai tuần gần đây trời lại mưa liên tục, xe chở vật liệu không thể vào đến công trình tiến độ thi công tại điểm mới bị chậm lại. Mặc dù vậy, nhưng quan điểm của tập thể lãnh đạo huyện xác định sẽ phải tập trung làm quyết liệt để xong được hệ thống trường, lớp học tạm và hệ thống nhà nội trú, nhà vệ sinh đảm bảo đúng tiến độ năm học mới”, ông Vừ A Bằng cho biết thêm.

“Dù đang trong kỳ nghỉ hè, nhưng các thầy cô từ quê trở lại trường sớm vì lo cho học sinh vùng cao ngày mưa lũ. Họ đã có mặt ở trường từ tuần trước, rồi lại cùng nhau xắn tay vào để tháo dỡ nhà lớp ghép và di chuyển đến địa điểm tạm để lắp ghép. Việc lắp ghép cũng đã sắp xong. Theo dự tính của chúng tôi, ở địa điểm mới này có thể đáp ứng được nhu cầu cho hơn 200 học sinh nội trú của nhà trường nên cũng khá yên tâm”, ông Nguyễn Tiến Thắng hồ hởi nói.

Trong những ngày vừa qua, ông Nguyễn Tiến Thắng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông năm lần, bảy lượt chạy đôn chạy đáo từ trung tâm huyện lỵ vượt hơn 40km đến xã Tìa Dình để đôn đốc cán bộ giáo viên đẩy nhanh tiến độ dựng nhà ở cho học sinh. Trời mưa, hơn chục cây số đường đất với những dốc cao dựng đứng nhầy nhụa như cháo loãng. Xe ô tô gầm cao, 2 cầu cũng phải quay đầu vì không thể nhích thêm được. Thế là cán bộ Phòng GD&ĐT lại cùng các thầy cô giáo “cuốc bộ”.

Di dời là bức thiết...

Điện Biên: Khẩn cấp di dời hàng nghìn học sinh, giáo viên đến nơi an toàn - Ảnh minh hoạ 3
Trường lớp tại cung trượt lở đã được tháo dỡ. 
Ảnh: T.G 

Ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: Có nhiều vết nứt dài với chiều rộng khoảng 30cm, chỗ rộng đến 50cm, sâu từ 1,5 - 2m, chiều dài hơn 1 km. Nhiều nhà bị nghiêng. Đáng lo ngại là, các vết nứt ngày càng kéo dài và mở rộng sụt lún ra xung quanh, tạo thành cung trượt sạt lở lớn, đe dọa đến sự an toàn của HS, GV và nhân dân. Mong chính quyền các cấp, các ngành và UBND tỉnh sớm có quyết định chuyển dân đến nơi an toàn.

Thống kê cho thấy, hiện tại có 73 ngôi nhà nằm trong khu vực lún trượt, trong đó 55 ngôi nhà nằm trên khu vực bị lún trượt, 18 hộ dân là giáo viên sống trong khu nhà công vụ của Trường Tiểu học Tìa Dình. Trong số này có 23 hộ đã sống ổn định, lâu dài tại khu vực sụt lún, trượt lở trung tâm xã Tìa Dình từ nhiều năm nay nên cần đến sự hỗ trợ khẩn cấp để di chuyển đến nơi ở tạm thời.

Trường Tiểu học Tìa Dình nằm trọn trong vùng có nguy cơ sạt trượt. Khu vực Điểm trường trung tâm tại bản Tìa Dình C có 24 phòng học; 1 nhà ăn; 1 nhà bếp; 1 nhà kho; 15 phòng ở cho học sinh nội trú; 16 phòng ở của giáo viên; 1 phòng y tế; 4 phòng làm việc của Ban giám hiệu; 1 phòng Hội đồng và hệ thống công trình phụ trợ khác. Trước tình trạng lún trượt của nền đất nên nhiều phòng lớp học, các phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ đã bị nứt gãy, hư hỏng nặng không thể sử dụng được, nguy cơ sập đổ đều đã được dỡ bỏ.

Kết quả rà soát của Phòng GD&ĐT huyện, năm học 2019 - 2020, Trường THCS bán trú Tìa Dình dự kiến có khoảng 350 học sinh với 4 khối học và nhu cầu nhà trường cần tới 9 - 10 phòng ở nội trú cho 236 học sinh. Tuy nhiên, khu nội trú của Trường THCS bán trú Tìa Dình đã xuất hiện các vết nứt do nằm gần vùng nguy cơ sụt lún, sạt lở. Để đảm bảo an toàn về con người và tạo điều kiện tốt nhất cho thầy và trò nhà trường an tâm học tập, công tác, UBND xã và nhà trường đề nghị xây dựng 9 phòng nội trú cùng với các hạng mục phụ trợ để đáp ứng nhu cầu chỗ ở, sinh hoạt cho học sinh nội trú của nhà trường.

Ông Nguyễn Ngọc Báu, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) các công trình huyện Điện Biên Đông cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Điện Biên tại Quyết định số 700/QĐ-UBND ngày 23/7/2019 về tình huống khẩn cấp sụt lún, trượt lở và di chuyển tạm thời khu vực Trung tâm xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, BQLDA các công trình huyện Điện Biên Đông đang triển khai theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, do mùa mưa lũ, nhiều yếu tố khách quan đã mang lại những bất lợi nhất định ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

“Khó khăn là vậy, tuy nhiên chúng ta có thể huy động được lực lượng dân quân, đoàn viên và các lực lượng khác sẵn có tại địa phương thì rõ ràng tiến độ sẽ được đẩy nhanh hơn chứ không thể chờ đợi ở nhà thầu mãi được”, ông Báu cho biết.

Tác giả bài viết: Minh Thịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập756
  • Hôm nay31,794
  • Tháng hiện tại309,924
  • Tổng lượt truy cập51,665,883
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944