Khó khăn chồng chất...
Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên áp dụng dạy - học sách giáo khoa (SGK) mới đối với học sinh lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Yêu cầu đổi mới tất yếu kéo theo việc đổi mới cơ sở vật chất nói chung và thiết bị dạy học nói riêng. Vì vậy ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã chủ động chuẩn bị để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới theo theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT.
Để thực hiện đổi mới SGK theo chương trình GDPT 2018, thầy Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tham mưu với UBND tỉnh triển khai. Sở GD&ĐT Điện Biên đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định Phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông tỉnh Điện Biên; Phê duyệt Kế hoạch biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung trong Chương trình GDPT trên địa bàn tỉnh làm cơ sở pháp lý để chỉ đạo, điều hành, thực hiện các yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Cùng với đó, những văn bản chỉ đạo cụ thể đã được đưa đến từng điểm trường tạo quy chuẩn cho từng mảng như: Đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất lớp học; thiết bị dạy học và các điều kiện cần thiết.
Chia sẻ về khó khăn trong việc triển khai chương trình SGK mới đến từng điểm trường, giọng thầy Kiên như trùng xuống tâm sự: “Do Điện Biên với đặc thù là một tỉnh biên giới, miền núi, điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội còn nhiều hạn chế, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, công tác xã hội hóa hạn chế nên quá trình triển khai đổi mới chương trình dạy học gặp không ít trở ngại và thử thách đối với đội ngũ các thầy cô giáo”.
“Điều mà tôi cảm thấy chưa yên tâm nhất vào lúc này đó là tại các trường học vùng đặc biệt khó khăn, phòng học bán kiến cố, phòng học tạm còn 8,5%; nhiều trường còn thiếu phòng chức năng, phòng công vụ, phòng nội trú và các hạng mục phụ trợ khác để phục vụ công tác dạy và học.”, thầy Kiên hướng ánh mắt đượm buồn nhìn chúng tôi.
Chưa hết những khó khăn đó, tại các cấp học ở nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh thì đội ngũ giáo viên hiện vẫn còn thiếu cục bộ ở một số môn, nhất là giáo viên tiếng Anh, giáo viên môn đặc thù như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục công dân, Quốc phòng – an ninh...
Một trong những thử thách với ngành giáo dục đó là do trình độ dân trí chưa cao, nên việc bà con thôn bản nhận thức về giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện mua sắm sách, vở, đồ dùng cá nhân cho con em trước khi đến trường còn rất hạn chế.
Nỗ lực để đổi mới
Mặc dù khó khăn “chồng chất” nhưng ngành giáo dục tỉnh Điện Biên luôn sáng tạo, để thực hiện đổi mới SGK căn bản, toàn diện. Điển hình như đối với với cơ sở vật chất chưa thể cập nhật theo chương trình SKG mới, các thầy cô đã tận dụng , sắp xếp, sửa chữa trang thiết bị dạy học để có những tiết học thú vị.
Ngoài ra, tại các trường học còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu với các cấp huy động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng phòng, lớp học đủ theo quy định của từng cấp học. Bổ sung thiết bị dạy học đảm bảo việc thực hiện đổi mới của từng khối lớp, từng cấp học. Cùng với đó là việc cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị trường học. Đặc biệt, Sở GD&ĐT đã tích cực đẩy mạnh truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện đổi mới sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Đến nay 100% UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện triển khai kế hoạch thực hiện là một tín hiệu tích cực và là động lực để cán bộ ngành nỗ lực vì tương lai học sinh nơi rẻo cao. Sở cũng hoàn thành việc lập kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở GDPT giai đoạn 2021-2015 đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT 2018 của Bộ GD&ĐT.”, thầy Kiên phấn khởi chia sẻ.
Nói về giải pháp trọng tâm chuẩn bị cho chương trình GDPT mới, thầy Nguyễn Văn Kiên cho biết, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông đến từng thôn bản, từng nhà, từng bà con về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh, từ đó động viên con em đến trường, đến lớp gắn bó bền bỉ với con chữ nơi rẻo cao.
Song song với đó, Sở GD&ĐT Điện Biên cũng rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên bổ sung từng bước đảm bảo số lượng và chất lượng triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. Đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng những thầy cô giỏi ở các môn học, đặc biệt các chủ đề, chuyên đề triển khai chương trình, sách giáo khoa mới để bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ cho các thầy cô trẻ bám trường, bám lớp.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Sở GD&ĐT Điện Biên chú trọng đó là tổ chức hiệu quả các đợt tập huấn đại trà giáo viên cấp Tiểu học, THCS, THPT về triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và SGK lớp 1 đảm bảo kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Mục tiêu mà ngành GD&ĐT Điện Biên đặt ra, đó là hoàn thành nội dung tập huấn sử dụng SGK lớp 1 trước thềm năm học mới 2020 - 2021.