Trước đây, tôi là giáo viên hợp đồng, có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được hơn 1 năm thì xin nghỉ việc. Sau đó, tôi thi tuyển viên chức và trúng tuyển vào làm giáo viên tiểu học. Đi làm, tôi tiếp tục đóng BHXH được 4 tháng nghỉ sinh con. Xin hỏi, tôi có đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản không? Nếu được, tôi được hưởng chế độ gì? Phạm Thị Hải (phamhai***@gmail.com)
Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Tại Khoản 4 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định: Người lao động đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Do thư bạn không nêu rõ diễn biến tham gia BHXH nên chúng tôi không đủ cơ sở trả lời chính xác. Bạn cần căn cứ vào các quy định nêu trên, đồng thời có thể liên hệ với cơ quan BHXH - nơi bạn đang tham gia để được tư vấn, giải đáp thỏa đáng.
Nếu bạn thuộc đối tượng hưởng chế độ thai sản theo Luật BHXH, thì bạn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Mức hưởng chế độ thai sản được áp dụng theo Điều 39, Luật BHXH. Các chế độ liên quan đến thai sản được quy định tại Mục 2 (từ Điều 30 đến Điều 52 Luật BHXH).
Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Email: bandocgdtd@gmail.com
Tác giả bài viết: GD&TĐ
Ý kiến bạn đọc