Đổi mới giáo dục: Chất lượng đội ngũ quyết định thành công

Chủ nhật - 27/01/2019 22:03 680 0

Đổi mới giáo dục: Chất lượng đội ngũ quyết định thành công

GD&TĐ - Phát triển giáo dục là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội, trong đó đội ngũ giáo viên (GV), cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quyết định trong bảo đảm chất lượng giáo dục.

Chính vì vậy, nâng cao chất lượng, vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Báo Giáo dục và Thời đại trao đổi với ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục (Bộ GD&ĐT) về vấn đề này. 

Chuẩn hóa đội ngũ là cấp bách

Theo ông, việc chuẩn hóa đội ngũ GV, CBQL hiện nay có phải là cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT) mới và thực hiện các Nghị quyết Trung ương?

- Có thể nói, chuẩn hóa đội ngũ là nhiệm vụ quan trọng mà toàn ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK GDPT mới và thực hiện các Nghị quyết Trung ương.

Yêu cầu đặt ra đối với việc chuẩn hóa đội ngũ là cấp bách. Cùng với việc ban hành hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, trong năm 2018, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện xây dựng, điều chỉnh và ban hành các chuẩn bao gồm: Chuẩn nghề nghiệp GV mầm non, phổ thông và Chuẩn hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông để có được bộ công cụ hữu hiệu nhất trong công tác quản lý, xây dựng và phát triển đội ngũ.

Vấn đề đặt ra đối với toàn ngành và cụ thể là các nhà trường là cần tiếp tục nâng cao nhận thức về chuẩn, để các địa phương, CBQL, GV triển khai chuẩn theo đúng mục đích ban hành qua các hoạt động: Tăng cường tuyên truyền, mở chuyên mục/diễn đàn trao đổi về chuẩn; mở lớp tập huấn nâng cao năng lực CBQL, GV theo chuẩn; tạo môi trường làm việc theo chuẩn; công khai trên trang thông tin điện tử của ngành, Sở kết quả đánh gíá, xếp loại theo Chuẩn hàng năm của các đơn vị.

Đổi mới giáo dục: Chất lượng đội ngũ quyết định thành công - Ảnh minh hoạ 2Ông Hoàng Đức Minh

Các nội dung của chuẩn được Bộ GD&ĐT điều chỉnh theo hướng tinh giản, cụ thể hóa các tiêu chí, minh chứng để phù hợp với đặc điểm của từng trường, từng địa phương. Đối với CBQL thì chú ý đến năng lực tự chủ, xây dựng kế hoạch chiến lược, tầm nhìn và tổ chức thực hiện các mục tiêu đề ra theo định hướng mới. Đối với GV, chú ý đến các năng lực tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; xây dựng mục tiêu, thiết kế bài giảng và đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh (HS), phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS và chú ý đến việc định hướng nghề nghiệp cho các em.

Bên cạnh đó, các cấp quản lý căn cứ chuẩn để xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, tài liệu, phương pháp và hình thức bồi dưỡng nhà giáo phù hợp theo những yêu cầu và nhiệm vụ của đổi mới giáo dục phổ thông.

Bồi dưỡng đội ngũ là nhiệm vụ chiến lược

Ngành Giáo dục đã xác định yêu cầu bồi dưỡng nhà giáo là nhiệm vụ chiến lược của ngành trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, bù đắp những thiếu hụt khi chuyển sang thực hiện chương trình, SGK mới. Việc này sẽ được thực hiện như thế nào?

- Trước hết, tổ chức bồi dưỡng, ổn định đội ngũ GV cốt cán cho các cấp học phổ thông của từng trường, từng huyện, từng tỉnh. Đội ngũ này tuyển từ những GV có phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn giỏi, trình độ đào tạo cao để phục vụ cho nhiệm vụ đổi mới chương trình GDPT. Cùng với đó, đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL giáo dục.

Việc bồi dưỡng nhà giáo trong thời gian qua và tới đây được chú trọng vào các năng lực nền tảng như: dạy học phân hóa, tích hợp; phát triển chương trình nhà trường; năng lực ngoại ngữ, tin học... và các năng lực tổ chức các hoạt động học tập của HS.

Ngoài ra, trong bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo tới đây, Bộ GD&ĐT chú trọng bồi dưỡng về giữ gìn phẩm chất đạo đức nhà giáo thông qua kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm; kỹ năng kiềm chế cảm xúc; kỹ năng giải quyết xung đột và vấn đề giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự nhà giáo.

Đồng thời, thực hiện đổi mới công tác bồi dưỡng thường xuyên từ chương trình, tài liệu đến phương thức tổ chức thực hiện theo hướng thực sự tăng cường tính tự học, tự bồi dưỡng của người học, trách nhiệm của nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục.

Lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới GDPT. Nhiệm vụ này, Bộ GD&ĐT đang triển khai để bảo đảm bồi dưỡng đội ngũ được tiến hành trước một bước và trong suốt lộ trình triển khai đổi mới chương trình GDPT.

Đổi mới giáo dục: Chất lượng đội ngũ quyết định thành công - Ảnh minh hoạ 3
 Trong thư viện nhà trường. Ảnh minh họa

Đổi mới đào tạo nhân lực ngành Giáo dục

Nâng cao chất lượng đội ngũ GV, CBQL, không thể không nói đến việc đổi mới đào tạo nhân lực cho ngành Giáo dục.Giải pháp nào cho nội dung này, theo ông?

- Đổi mới đào tạo nhân lực cho ngành giáo dục là giải pháp mang tính trước mắt và lâu dài, cần được thực hiện đồng bộ, bài bản và khoa học.

Thứ nhất là đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo. Triển khai đổi mới phương pháp đào tạo theo 3 tiêu chí: trang bị cách học; phát huy tính chủ động của người học; sử dụng CNTT và truyền thông trong hoạt động dạy học. Khai thác các nguồn tư liệu giáo dục mở và nguồn tư liệu trên mạng internet. Lựa chọn, sử dụng các chương trình, giáo trình tiên tiến của các nước.

Thứ hai là hoàn chỉnh mạng lưới các trường sư phạm (SP), các khoa SP. Theo đó, quy hoạch mạng lưới các trường SP một cách hợp lý, đảm bảo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương với các trường khu vực, các trường SP trọng điểm. Tổ chức thực hiện tốt quy hoạch các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới; Xây dựng, thực hiện quy hoạch đội ngũ giảng viên, CBQL giáo dục ĐH, bảo đảm đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ĐH.

Thứ ba là trên cơ sở dự báo về nhu cầu GV, xây dựng quy hoạch đào tạo, xác định quy mô của từng trường, khoa SP từ trung ương đến địa phương theo các giai đoạn từ năm 2011 - 2020. Phân công các trường SP chịu trách nhiệm đào tạo chuyên sâu, căn cứ vào khả năng về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của mỗi trường. Nghiên cứu mô hình trường, hoặc khoa SP đào tạo GV cho giai đoạn từ 2018 - 2025 khi đội ngũ GV phổ thông không thiếu, đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng GV theo chương trình, SGK mới.

Thứ tư là trên cơ sở điều tra về thực trạng thừa thiếu GV hiện nay và căn cứ vào khung chương trình GDPT mới, chúng ta sẽ cân đối lại chỉ tiêu tuyển sinh, tăng chỉ tiêu đào tạo các loại hình GV còn thiếu, đảm bảo đủ GV cho các môn học: Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Công nghệ, Tin học, Giáo dục quốc phòng, Giáo dục công dân… tạo sự cân đối trong cơ cấu đội ngũ GV các cấp bậc học.

Hoàn thiện các chính sách về nhà giáo

Có ý kiến cho rằng, nếu cơ chế chính sách không thay đổi thì không chỉ là bài toán sinh viên không chọn nghề giáo mà chúng ta sẽ phải đối mặt với việc những nhà giáo sẽ rút ra khỏi ngành. Theo ông, cần làm gì để thực hiện các giải pháp về chính sách, cơ chế đối với đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục trong quá trình đổi mới GDPT?

- Đầu tiên, tôi cho rằng, các địa phương cần quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương Đảng khoá XII, chủ động cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của Bộ GD&ĐT trong việc tuyển dụng, sử dụng GV; tiếp tục rà soát đội ngũ GV, xác định số GV thừa, thiếu từng cấp học, môn học và thực hiện tinh giản biên chế đối với GV, CBQL chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.

Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện một số chế độ, chính sách cơ bản về bổ nhiệm, sử dụng, đãi ngộ, kiểm tra, đánh giá nhà giáo, CBQL giáo dục. Bảo đảm cơ chế thực hiện các chế độ chính sách đó phù hợp với yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đồng bộ với việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý của nhà nước.

Đối với cải cách chính sách tiền lương, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và đang triển khai kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW. Theo đó, dự kiến đến quý III năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thành việc đề xuất bảng lương theo vị trí việc làm đối với viên chức ngành Giáo dục.

Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách ưu đãi và chế độ nhà công vụ đối với nhà giáo và CBQL giáo dục công tác ở các vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và ở các trường chuyên biệt. Xây dựng chính sách ưu đãi thích đáng cho đội ngũ nhà giáo bậc cao, thu hút các nhà khoa học đầu ngành, giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học trong các trường đại học để nâng cao hiệu suất đóng góp của đội ngũ này.

Thực hiện rà soát, đánh giá lại hệ thống các tiêu chuẩn, chức danh hiện có của nhà giáo và CBQL giáo dục; kiến nghị những sửa đổi, bổ sung cần thiết cho phù hợp với các quy định và yêu cầu mới của việc xây dựng, nâng cao chất lượng nhà giáo và CBQL giáo dục.

Bên cạnh đó, cũng cần tạo điều kiện để nhà giáo và CBQL giáo dục được tăng cường trao đổi, giao lưu, hợp tác quốc tế. Xây dựng các quy định gắn kết hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên sư phạm; đồng thời chọn lọc, đào tạo sinh viên sư phạm giỏi, yêu nghề, bổ sung cho đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông. Điều chỉnh, bổ sung các quy chế thực hành nghiệp vụ sư phạm, quy chế thực tập sư phạm của sinh viên sư phạm; nghiên cứu chính sách hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm trong thời gian học và sau khi ra trường; nghiên cứu, rà soát và đề xuất chế độ, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, lương, phụ cấp và thu nhập của GV.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (Thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập784
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm783
  • Hôm nay28,262
  • Tháng hiện tại306,392
  • Tổng lượt truy cập51,662,351
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944