Câu lạc bộ đặc biệt
Năm học lớp Một và lớp Hai, em Q. Ph, HS trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chỉ học chung với các bạn cùng lớp 7 buổi/tuần, 3 buổi còn lại, Ph. học tại phòng sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) đặc biệt dành cho những HS khó khăn về học. Ph. gặp phải hội chứng khó khăn về học, gần hết học kỳ I của năm học lớp Một, em không thể nhớ nổi các chữ cái nên chuyện ghép vần vượt quá khả năng của em.
“Bằng nhiều phương pháp như gắn chữ cái vào các trò chơi, dụng cụ trực quan, phóng to những chữ khó dán lên tường… cho đến cuối tháng 8, khi HS tựu trường thì Ph. cũng đủ điều kiện để lên lớp Hai” – cô Nguyễn Thị Kim Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Gia Tự chia sẻ.
Mô hình CLB đặc biệt dành cho những HS khó khăn về học được trường Tiểu học Ngô Gia Tự duy trì 4 năm nay. Cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thường gần kết thúc học kỳ I, Ban giám hiệu cùng với GV chủ nhiệm khối lớp Một chọn ra những em có khó khăn về học để phụ đạo thêm lúc GV trống tiết hoặc cuối giờ.
“Chúng tôi biết nhiều phụ huynh không đủ can đảm để đối diện với sự thật là con mình rơi vào trường hợp khó khăn về học. Có phụ huynh đã khóc khi nghe nhà trường mời lên để thông báo kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ của trường đối với con mình” - cô Bình kể. Từ hiệu quả của năm đầu thí điểm, năm học 2016 – 2017, đầu tháng 10, nhà trường “lọc” ra 17 em thuộc diện khó khăn về học, đưa đi khám. “Việc đưa HS đi khám chỉ để nhà trường có căn cứ để xây dựng phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm sức khỏe, năng lực của từng HS. Chúng tôi chủ trương với những HS này, GV phải quan tâm, yêu thương nhiều hơn, khích lệ đến từng tiến bộ dù là nhỏ của các em” - cô Bình cho biết.
Căn phòng dành riêng cho CLB đặc biệt sinh hoạt của trường Tiểu học Ngô Gia Tự cũng được trang bị những phương tiện, đồ dùng học tập đặc biệt. “Nếu để cho những HS này tham gia đầy đủ 10 buổi học chung với các bạn thì lượng kiến thức mà các em tiếp nhận được cũng không thay đổi được bao nhiêu, chưa kể là sẽ khiến các em thấy căng thẳng, áp lực.
Trong khi đó, những kỹ năng khác các em cũng thiếu hụt nhiều nên nhà trường dành 3 buổi học tại CLB nhằm giúp HS học hòa nhập đúng với khả năng và có điều kiện tham gia giáo dục cá nhân phù hợp” – cô Kim Bình chia sẻ. BGH nhà trường cùng đồng hành với các GV cũng như luôn động viên GV đừng vội nản lòng bởi “nếu mình chưa nỗ lực thì làm sao biết được khả năng tiếp thu của các em đến đâu. Một năm học kéo dài trong 9 tháng, nhưng tôi cho rằng, năm học chỉ thực sự kết thúc cho đến ngày 31/8 vì các em còn có thêm 3 tháng hè để học”
.Chia sẻ và lắng nghe
Muốn có được trường học hạnh phúc thì GV phải là những GV hạnh phúc – đó là nền tảng bền vững nhất khi xây dựng trường học hạnh phúc. Đó là chia sẻ của GS Hà Vĩnh Thọ - nguyên Giám đốc Chương trình Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc dân Bhutan tại Hội thảo Trường học hạnh phúc ở Việt Nam – Giấc mơ trở thành hiện thực. Ở đó, GV phải nhìn thấy được những thành công và phẩm chất mà các em có chứ không phải là nhìn thấy thứ mà HS mình đang thiếu, đang yếu.
Cô Nguyễn Thị Trà Mân - Phó Hiệu trưởng trường THCS Huỳnh Bá Chánh luôn có động viên để HS trong CLB Người bạn đồng hành gồm những em chưa ngoan, chưa chăm rằng bạn nào cũng giỏi một lĩnh vực nào đó, có thể là trong học tập nhưng cũng có thể là văn nghệ, khéo tay hay thể dục để khích lệ, giúp các em tìm thấy niềm vui khi đến trường. “Cũng có những trường hợp, có những GV trong tổ tư vấn tâm lý thức đến 1-2 giờ sáng chỉ để trò chuyện online, tư vấn trực tuyến cho HS. Các vấn đề của HS, đôi khi chỉ cần có người lắng nghe, chia sẻ với tư cách là một người bạn thôi đã là một cách giải quyết rồi” - cô Trà Mân chia sẻ.
Ở một khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Thảo - Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Trà (TP Đà Nẵng) cho rằng, để xây dựng trường học hạnh phúc đôi khi chỉ cần HS được tạo điều kiện để hiện thực hóa các ý tưởng của mình ngay tại trường học, ví dụ như Ngày hội sáng chế, các CLB các môn văn hóa, năng khiếu… Hay chỉ đơn giản như HS trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) vào ngày thứ Tư hàng tuần không phải mặc đồng phục mà mặc tự do. Các trường học ở Đà Nẵng, dù đã đạt các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia hay chưa, đều cố gắng nỗ lực xây dựng và duy trì mô hình trường học xanh như là một cách để kết nối HS với thiên nhiên.
Trong một nỗ lực dài hơi hơn, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã phối hợp với Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng triển khai chương trình Rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao năng lực học tập cho HS một số trường THPT trên địa bàn. Mục tiêu của chương trình là giúp HS có sức khỏe thể chất và tâm thần tốt hơn. Thông qua các bài tập, các tình huống thảo luận nhóm, HS được phát triển khả năng giải quyết các vấn đề cơ bản trong cuộc sống và các thách thức tại trường học với bạn bè và gia đình; giúp các em học tập, sinh hoạt tốt hơn và tránh đưa ra các lựa chọn tiêu cực trong cuộc sống.