Đổi mới giáo dục: Đánh giá đúng để có giải pháp phù hợp

Thứ hai - 06/09/2021 21:31 403 0
GD&TĐ - Giáo dục là lĩnh vực được nhân loại quan tâm từ rất sớm, bởi đây là nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Đổi mới giáo dục: Đánh giá đúng để có giải pháp phù hợp

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để giáo dục nước nhà cất cánh, PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đưa ra một số gợi ý trên Báo Giáo dục & Thời đại.

Cần thiết phải có chiến lược “trồng người”

- Giáo dục có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và hưng thịnh của đất nước. Quan điểm của PGS về vấn đề này như thế nào?

Đổi mới giáo dục: Đánh giá đúng để có giải pháp phù hợp - Ảnh minh hoạ 2
PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo.

- Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, Platon đã nói: Muốn kiến thiết một quốc gia phải lấy giáo dục làm nền tảng và phải theo đuổi công trình ấy suốt đời. Ở Phương Đông, Khổng Tử đã đặt giáo dục ở vị trí rất cao trong xã hội, nó được coi là yếu tố tạo nên sự hưng thịnh, phát triển của một dân tộc.

Ở nước ta để phát triển đất nước, cha ông ta đã kiên trì xây dựng một nền văn hiến với truyền thống hiếu học lâu đời. Các triều đại phong kiến trong lịch sử đều hết sức coi trọng giáo dục, xem “hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”.

Kế thừa truyền thống hiếu học của dân tộc, tinh hoa giáo dục của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm nhận thấy vai trò quan trọng, tầm ảnh hưởng sâu rộng của giáo dục đối với việc xây dựng xã hội mới. Người từng nói “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chính vì vậy, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người chỉ đạo “một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí” để cùng với việc diệt giặc đói, giặc ngoại xâm, quyết đạt bằng được mục tiêu “biến một đất nước dốt nát, cực khổ thành một nước có văn hóa cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc”.

Như vậy, theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục trước hết góp phần nâng cao kiến thức về mọi mặt cho người dân, để mỗi người dân hiểu hết quyền lợi và bổn phận công dân của mình, tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước. Giáo dục còn có vai trò cung cấp nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế và tiến bộ của xã hội. Nói cách khác, nếu không phát triển, mở mang giáo dục để tạo ra những người lao động, cán bộ đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, chính trị thì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước sẽ không đạt được kết quả cao.

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục còn góp phần quan trọng trong việc bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng. Giáo dục góp phần quy tụ mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên lực lượng hùng hậu trong khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ đất nước, biến nước ta thành một nước văn minh, giàu đẹp.

- Mục đích của giáo dục cũng như đối tượng của giáo dục là con người. Vậy cần có chiến lược cho sự nghiệp “trồng người”?

- Con người là chủ thể, nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Vì nhân tố con người với những tố chất như: Hiểu biết, năng lực, đạo đức là yếu tố có tính chất quyết định đối với thành công của cách mạng, tiến bộ xã hội, tiền đồ của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, hưng thịnh hay tồn vong của một quốc gia suy cho cùng phụ thuộc vào con người, vào sự nghiệp “trồng người”; trong đó giáo dục giữ vai trò chủ yếu.

Sở dĩ giáo dục có vai trò to lớn như vậy vì nó tạo cho các dân tộc đội ngũ đông đảo nhà bác học, chuyên gia… trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhờ đội ngũ này mới có thể tiếp thu sáng tạo công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại, tạo ra những nguyên liệu không có sẵn trong tự nhiên và hình thức quản lý mới, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Hơn nữa, giáo dục còn trực tiếp quyết định việc nâng cao trình độ học vấn, năng lực nhận thức thực tiễn… của những người lao động. Giáo dục không chỉ là động lực hàng đầu để phát triển, mà còn tạo ra nhân cách, giúp con người phát triển toàn diện vừa “hồng” vừa “chuyên”, đủ đức, đủ tài để phụng sự đoàn thể, phục vụ Tổ quốc. Từ chỗ nhận thức được con người có tầm quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc như vậy, nên cần thiết phải có một chiến lược “trồng người” mà sự nghiệp giáo dục giữ vai trò quyết định.

Đổi mới giáo dục: Đánh giá đúng để có giải pháp phù hợp - Ảnh minh hoạ 3
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) thí nghiệm hoá học. Ảnh: TG

Làm gì để giáo dục phát triển

- Giáo dục phát triển đồng nghĩa chất lượng nguồn nhân lực nâng lên. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để giáo dục nước nhà cất cánh – thưa PGS?

- Trước hết, cần đánh giá đúng thực trạng của giáo dục nước ta hiện nay, để từ đó có những giải pháp thiết thực đem lại tính hiệu quả. Dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, giáo dục Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể. Giáo dục – đào tạo phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng. Các loại hình giáo dục được mở rộng và phát triển. Ngành nghề đào tạo cũng ngày càng đa dạng, nhằm đào tạo những con người đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Trình độ dân trí có bước phát triển vượt bậc.

Tuy nhiên, thực tiễn giáo dục nói chung vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục. Chất lượng giáo dục và đào tạo, gắn với nó là chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Nội dung chương trình, phương pháp giáo dục cũng như cơ chế quản lý giáo dục chậm được đổi mới. Hệ thống giáo dục chưa đồng bộ, chưa liên thông. Quản lý, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục – đào tạo còn kém hiệu quả. Chênh lệch giáo dục giữa các vùng, miền còn lớn.

Để hướng đến xây dựng một nền giáo dục Việt Nam hiện đại, hội nhập thế giới, theo tôi cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng về giáo dục, đồng thời nhận thức rõ vai trò to lớn của giáo dục trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Từ đó có sự quan tâm và đầu tư xứng tầm.

Đặc biệt, cần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo; kiên quyết chống lại các hiện tượng tiêu cực, bệnh thành tích; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong giáo dục. Đổi mới toàn diện nền giáo dục đạo tạo với bước đi, cách làm phù hợp từ đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục; hợp tác quốc tế trong giáo dục – đào tạo.

Cùng với đó, đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục – đào tạo; bảo đảm trung thực, khách quan, từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Đổi mới giáo dục: Đánh giá đúng để có giải pháp phù hợp - Ảnh minh hoạ 4
Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam trong ngày khai giảng năm học mới 2020 – 2021. Ảnh: TG

Đổi mới và hiện đại hóa giáo dục, đào tạo

- Đại hội XIII của Đảng xác định: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo PGS, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, điều này cần được cụ thể hóa như thế nào?

- Công cuộc đổi mới đất nước đang bước vào thời kỳ mới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức. Quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng hơn. Sự tùy thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước càng trở thành phổ biến. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với các dòng chảy lớn trên phạm vi toàn cầu về thương mại, đầu tư, tài chính tiền tệ, công nghệ, tri thức, lao động, văn hóa, giáo dục - đào tạo đang cuốn hút hầu hết các quốc gia với những cấp độ khác nhau. Khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức phát triển mạnh.

Dó đó, con người - nguồn nhân lực chất lượng cao và tri thức trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Chính điều đó đặt giáo dục - đào tạo của cả thế giới, trong đó có nước ta phải đẩy mạnh hơn nữa, đổi mới và hiện đại hóa nội dung, chương trình giáo dục - đào tạo gắn với nhu cầu phát triển của xã hội. Cụ thể: Cùng với việc tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo của toàn bộ hệ thống nói chung, cần tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học. Nội dung giáo dục nghề nghiệp được xây dựng theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp để hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học.

Đồng thời đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục đại học và sau đại học theo hướng hiện đại, phù hợp với từng ngành, nhóm ngành đào tạo, chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp, từng bước tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới. Mặt khác, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp sau THPT, liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đa dạng hóa các phương thức đào tạo.

Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nghề tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Khuyến khích liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo.

- Trước thềm năm học mới, PGS có nhắn nhủ điều gì với đội ngũ giáo viên, học sinh trên cả nước?

- Năm học 2021 – 2022 diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực thi đua thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Cùng với những thuận lợi rất cơ bản, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là đại dịch Covid-19 để lại những hậu quả lớn về kinh tế - xã hội, đến đời sống, sức khỏe của mỗi người dân.

Hơn lúc nào hết, đất nước đang đòi hỏi sự chung tay, chung sức, quyết tâm rất cao của mọi ngành, mọi giới, trong đó có giáo dục – đào tạo. Tự hào với truyền thống và những thành tựu đã đạt được, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng:

Dưới sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự hưởng ứng và đồng thuận của cả xã hội và mỗi người dân, sự nỗ lực của đội ngũ những người thầy, người học và người làm công tác quản lý giáo dục, ngành Giáo dục – Đào tạo sẽ tiếp tục giành những thắng lợi to lớn hơn nữa, hòa nhập vào sự phát triển chung của thế giới, thời đại. Xin kính chúc các thầy – cô giáo, những cán bộ làm công tác quản lý giáo dục. Xin chúc các em sinh viên, học sinh bước vào năm học mới với những nỗ lực mới, quyết tâm mới, niềm tin mới vào tương lai tốt đẹp của giáo dục Việt Nam.

- Xin cảm ơn PGS!

“Cần đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục và đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng. Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý”. -  PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1429 | lượt tải:312

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1148 | lượt tải:302

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2459 | lượt tải:391

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2938 | lượt tải:490

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2253 | lượt tải:339
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập148
  • Hôm nay10,113
  • Tháng hiện tại476,868
  • Tổng lượt truy cập51,832,827
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944