Bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng
Đề xuất về việc tổ chức bồi dưỡng GV và cán bộ quản lý, TS Ngô Thị Thùy Dương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý GD (Học viện Quản lý GD) cho rằng, trên cơ sở khung chương trình, với các đối tượng khác nhau, cần được cụ thể hóa theo các mức độ khác nhau từ việc chi tiết hóa mục tiêu, lựa chọn nội dung, phương pháp đánh giá cho các đối tượng khác nhau.
Cụ thể: Đối với hiệu trưởng, hiệu phó đương nhiệm, cần tăng phần tự đọc, tự nghiên cứu, tập trung nhiều hơn vào báo cáo thảo luận có chuẩn bị trước theo chủ đề, coi trọng các báo cáo xử lý tình huống, ý tưởng phát triển, để từ đó học viên tự tổng hợp thông tin tổng kết thông qua các kinh nghiệm, chiêm nghiệm kết hợp với những thông tin cốt lõi mà giảng viên hướng dẫn đã chuẩn bị.
Đối với các đối tượng khác, cần có tài liệu để họ nghiên cứu, giảng viên tổ chức thảo luận trao đổi theo các câu hỏi, theo các tình huống được cho trước để chuẩn bị trong phạm vi nội dung của các chuyên đề; tăng cường chú ý nhiều hơn đến kiến thức và kỹ năng, sự liên kết và trao đổi giữa kiến thức và kỹ năng.
Còn theo TS Lê Thị Ngọc Thúy – Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Học viện Quản lý GD), ở Australia, hầu hết các trường đều có khóa bồi dưỡng cho GV và cán bộ quản lý GD. Các khóa học này dựa trên nhu cầu thực tế của GV và cán bộ quản lý GD. Các khoa sư phạm, GD của Australia còn chú trọng đến đào tạo GV các lĩnh vực như: Phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của người học, áp dụng công nghệ thông tin trong lớp học.
Từ kinh nghiệm của Australia, TS Lê Thị Ngọc Thúy cho rằng, có thể vận dụng để áp dụng vào Việt Nam. Cụ thể, cần xây dựng mô hình liên kết các trường phổ thông theo “mô hình trường thực hành” gắn với đào tạo sinh viên sư phạm. Tổ chức thực hiện đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở GD gắn với chuẩn nghề nghiệp...
|
Bồi dưỡng GV về năng lực dạy học
Theo TS Lê Thị Ngọc Thúy, các hình thức bồi dường chính thức như hội thảo hoặc không chính thức như trò chuyện trao đổi, chia sẻ tài liệu cũng sẽ giúp các GV chia sẻ ý tưởng với nhau và tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các GV. Một hệ thống đánh giá tốt sẽ cung cấp những thông tin phản hồi cần thiết để giúp GV đánh giá sự phát triển nghề nghiệp của họ. Và xã hội có những chính sách gắn liền giữa đào tạo GV và những phúc lợi mà họ được hưởng để phục vụ tốt cho sự nghiệp đào tạo.
Cần lưu ý đặc điểm vùng miền, cấp học bằng cách liên hệ chặt chẽ với bối cảnh địa phương, văn hóa vùng miền và nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cấp học trong từng năm học và từng giai đoạn. Dù là đối tượng nào cũng cần bám sát nhu cầu và mong muốn của người học.
Ngoài ra, cần xây dựng mạng lưới hiệp hội nghề nghiệp GV và cán bộ quản lý GD tham gia vào quản lý giám sát các hoạt động chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ GV. Với hoạt động các hiệp hội chuyên môn sẽ có hệ thống kiểm định và đánh giá độc lập về chất lượng của đội ngũ GV, bắt đầu từ khi đào tạo đến hành nghề và phát triển nghề nghiệp của GV.
Nhấn mạnh việc trước mắt cần tập trung bồi dưỡng GV về năng lực dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ - Viện Khoa học GD Việt Nam khuyến nghị, các đơn vị thực hiện chức năng bồi dưỡng GV cần biên soạn tài liệu về các chủ đề như: Dạy học môn học theo định hướng phát triển năng lực HS; Kiểm tra đánh giá kết quả GD theo định hướng phát triển năng lực HS; Kỹ năng phát triển chương trình GD nhà trường.
Theo PGS Vũ Trọng Rỹ, công tác bồi dưỡng giao cho các trường sư phạm. Theo đó, các trường sư phạm trọng điểm bồi dưỡng giảng viên các trường sư phạm địa phương và GV THPT. Các trường sư phạm địa phương chịu trách nhiệm bồi dưỡng GV tiểu học và THCS.
Về hình thức bồi dưỡng nên kết hợp bồi dưỡng tập trung (theo từng khóa, kéo dài ít nhất 3 tháng) với bồi dưỡng tại trường theo tổ chuyên môn. Ngoài ra có thể bồi dưỡng qua mạng Internet. Các trường sư phạm xây dựng các chương trình đào tạo lại với thời gian đào tạo từ 1 - 2 năm. Các chương trình đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của Chương trình GD phổ thông mới.