Thành tích ban đầu từ sân chơi toán học quốc tế
Cuộc thi Thử thách Toán mô hình quốc tế (International Mathematical Modelling Challenge - IMMC) được tổ chức hàng năm bởi Tổ chức Toán học và Ứng dụng (Consortium for Mathematics and its Applications - COMAP), nhằm thúc đẩy việc dạy và học bộ môn Toán mô hình tại các trường phổ thông.
Ban tổ chức cuộc thi này tin rằng, việc nghiên cứu những ứng dụng rộng rãi của Toán học trong cuộc sống giúp giáo viên, học sinh có cái nhìn sâu sắc, để có thể phân tích, giải quyết thành công những vấn đề sẽ được đặt ra trong thực tế cuộc sống.
Năm 2019, Công ty CP Giáo dục GMaths đã mạnh dạn thành lập, tổ chức bồi dưỡng cho 2 đội đến từ Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam tham dự cuộc thi.
Rất nhiều bài thi đến từ các quốc gia lớn trên thế giới đã được gửi về Ban tổ chức và 2 đội tuyển do Công ty Cổ phần Giáo dục GMaths tổ chức đã vinh dự giành được 2 giải “Honorable Mention”.
Đây là đầu tiên ở Việt Nam có đội tuyển tham gia trên sân chơi lớn với Hội đồng chuyên môn là các giáo sư có uy tín tới từ hơn 10 trường đại học lớn trên thế giới như: Solomon Garfunkel, COMAP, USA; Keng Cheng Ang, National Institute of Education, Singapore; Fengshan Bai, Tsinghua University, China; Alfred Cheung, NeoUnion ESC Organization, Hong Kong SAR; Jie 'Jed' Wang, University of Massachusetts, Lowell, USA …
Vũ Nam Trang Linh (HS lớp 11 Toán 1, trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam) - 1 trong những thí sinh tham gia kỳ thi Toán mô hình quốc tế IMMC - cho biết: “Sau khi tham gia học và làm bài thi, em đã có cách nhìn khác về Toán học. Đó không còn chỉ là những con số, những bài giảng “khô khan” mà thay vào đó là những vấn đề rất quen thuộc trong đời sống như: Dân số thế giới, đèn giao thông, xử lý rác thải…
Đề bài năm nay với chủ đề: What is the Earth’s carrying capacity for human life? Đội em chỉ có 5 ngày để tìm các dữ liệu liên quan tới các yếu tố: nước, lương thực, đất, không khí… xử lý số liệu, lập hàm toán để tính toán, dự đoán…
Tất cả đội đã rất nỗ lực dưới sự hỗ trợ của thầy cô và đã hoàn thành bài thi dài 20 trang gửi Ban Tổ chức. Khi biết kết quả, bọn em thực sự rất vui sướng và tự hào. Hy vọng sẽ có nhiều em được tiếp cận bộ môn và thể hiện năng lực của mình”
Thành tích đạt được ở IMMC 2019 hi vọng sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy việc dạy và học Toán mô hình, vốn là một bộ môn rất mới lạ ở Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy tư duy mô hình hoá giúp giáo viên, học sinh có cái nhìn sâu sắc, toàn diện không chỉ về Toán học mà còn về các bài toán gặp phải trong cuộc sống; có được định hướng tin cậy để phân tích, đánh giá và tìm ra cách giải quyết phù hợp nhất cho các vấn đề gặp phải trong thực tế cuộc sống.
Thông tin từ Ths Dương Thu Trang – Phó Giám đốc GMaths và Mai Đặng Quân Anh – Ban dự án Toán mô hình Gmaths: Hiện GMaths đang xây dựng chương trình học để giúp nhiều học sinh được tiếp cận với Toán mô hình, hiểu và biết cách làm về Toán mô hình. Cũng để có thêm cơ hội cho các học sinh giao lưu, học hỏi, GMaths đã nhận thêm lời mời tham gia cuộc thi Toán mô hình MCM/ICM (Mỹ) của tổ chức COMAP. Hy vọng các học sinh sẽ có thêm những trải nghiệm mới.
Toán học gần hơn với cuộc sống với Toán mô hình
Giấy chứng nhận giải của đội Việt Nam 1 |
Giấy chứng nhận giải của đội Việt Nam 2 |
Loài người hiện nay đang đối mặt với rất nhiều những câu hỏi quan trọng và khó giải quyết, nước biển sẽ dâng lên bao nhiêu sau 50 năm nữa, liệu Trái đất có thể cung cấp sự sống cho tối đa bao nhiêu người, làm thế nào để đánh giá hiệu quả năng lực của một nền kinh tế,… Đó là những vấn đề quen thuộc và ảnh hưởng tới sự phát triển và tồn vong của toàn nhân loại.
Mặc dù vô cùng quen thuộc, đó lại là những bài toán hết sức hóc búa làm đau đầu cả những nhà nghiên cứu lỗi lạc. Điều hiếm hoi chúng ta được biết chính xác là việc giải quyết những bài toán ấy luôn cần đến Toán học qua những mô hình, số liệu, và công thức.
Toán Mô hình là bộ môn nghiên cứu việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tế thông qua việc mô tả chúng dưới ngôn ngữ Toán học, đó được gọi là sự mô hình hoá và giải quyết mô hình.
Những vấn đề trong thực tế luôn là sự kết hợp của vô số các yếu tố tác động từ chủ quan đến khách quan. Vì vậy, việc mô hình hoá là một bước quan trọng giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về vấn đề đặt ra thông qua việc tập trung vào những khía cạnh quan trọng mà lược bỏ đi những yếu tố thứ yếu.
Thông qua mô hình hoá, chúng ta thu được một bài toán đơn giản hơn gần giống bài toán phức tạp ban đầu, giúp chúng ta có thể tìm ra những lời giải gần đúng cho vấn đề cần giải quyết.
Chính vì vậy, Toán mô hình xuất hiện ở khắp nơi, từ những sự vật, sự việc quen thuộc hàng ngày đến những vấn đề vĩ mô, quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, trên khắp tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hoá, xã hội đến quy hoạch, kiến trúc, xây dựng.
GMaths hy vọng sẽ luôn mang tới cho học sinh những điều thú vị, mới mẻ nhất. Hy vọng trong những năm tới, bộ môn Toán mô hình sẽ không còn là một khái niệm mới đối với các học sinh ở Việt Nam. Học sinh tới với Toán mô hình vì thấy “yêu thích, đam mê”, vì thấy “Toán cần cho cuộc sống, giúp ích và thực sự rất gần gũi với cuộc sống”.