Tạo điều kiện cho HS bị kẹt lại Campuchia
Tại tỉnh An Giang, học sinh khối 9 và khối 12 (hệ GDPT và GDTX) đi học trở lại vào 27/4; ngày 4/5, học sinh các khối lớp còn lại của bậc GDPT, GDTX, học viên các trung tâm ngoại ngữ, tin học trở lại trường. Theo Sở GD&ĐT, ngày đầu HS An Giang trở lại trường (4/5), cấp THPT có 47.938/49.144 học sinh (tỷ lệ 97,55%); cấp THCS 120.920/126.391 học sinh (tỷ lệ 95,67%); cấp Tiểu học 178.959/188.144 học sinh (tỷ lệ 95,12%).
Tuy nhiên, tại huyện An Phú (An Giang) vẫn còn hơn 1.000 học sinh là con em Việt kiều sinh sống ở Campuchia không thể trở về học do biên giới còn đóng cửa. Để giải quyết khó khăn này, Sở GD&ĐT trình UBND tỉnh An Giang phương án giải quyết.
Trước mắt, theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, thống nhất chủ trương cho đón 18 học sinh lớp 12 có hộ khẩu tại Việt Nam đang sinh sống ở Campuchia về nước và UBND huyện An Phú tổ chức cách ly theo quy định để các em được tiếp tục học tập. Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp Sở GD&ĐT, các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện theo đúng quy định.
Học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 11 còn ở Campuchia, giao Sở GD&ĐT hướng dẫn chuyên môn cho các trường tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng để học sinh theo kịp chương trình.
Tại tỉnh Đồng Tháp, theo ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT, ngày đầu trở lại trường, tỷ lệ học sinh đi học ở cấp THCS là 91,38%; cấp THPT 96,91%; hệ GDTX 82,93%. Tỷ lệ này chưa tính số học sinh học 3 buổi ở trường, 3 buổi online.
Tỉnh Đồng Tháp cũng có học sinh Việt kiều từ Campuchia về học tại huyện Hồng Ngự. Theo Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự, có một số học sinh lớp 9 không thể sang biên giới đi học. Còn lại khoảng 10 em từ sau Tết Nguyên đán đến nay ở nhờ nhà người thân tại huyện nên đi học bình thường. Đối với các em không thể sang biên giới đi học đã được nhà trường, thầy cô giáo liên hệ gửi bài học. Các em cũng được hướng dẫn học trực tuyến để theo kịp chương trình.
Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) nắm tình hình, phân công nhà trường, giáo viên chủ nhiệm liên hệ, quan tâm các em học sinh Việt kiều. Nhắc nhở các em thực hiện tốt phòng, chống dịch và giáo viên gửi bài vở, cho các em học trực tuyến để đảm bảo kiến thức.
Quan tâm, hỗ trợ HS khó khăn
Nhằm hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn, nhiều trường học vận động phát khẩu trang cho học sinh. Nhiều tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ cho các trường học khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, máy đo thân nhiệt…
Tại tỉnh Tiền Giang, nhiều trường học vận động, được phụ huynh ủng hộ mua máy đo thân nhiệt, tặng khẩu trang cho học sinh nghèo. Tại Trường TH Thiên Hộ Dương (TP Mỹ Tho), mỗi lớp đều có máy đo thân nhiệt. Trường THCS Xuân Diệu (TP Mỹ Tho) vận động được hơn 3.000 khẩu trang tặng học sinh hoàn cảnh khó khăn…
Ngày 4/5, toàn tỉnh Tiền Giang đón trên 137.000 học sinh tiểu học, 98.000 học sinh THCS và 45.000 học sinh THPT trở lại trường học tập. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Tiền Giang, toàn tỉnh có 98,38% HS bậc THPT và 96,99% HS Tiểu học và THCS trở lại trường.
Theo Sở GD&ĐT Sóc Trăng, ngày đầu tiên đến trường sau kỳ nghỉ dài hơn 3 tháng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số học sinh đi học ở bậc THPT đat 97,95%; THCS đạt 93,81%; Tiểu học đạt 88,85%. Riêng bậc học Mầm non chỉ đạt 56,74%.
Các trường học thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh sau khi trở lại trường. Tất cả các trường đều thực hiện đo thân nhiệt cho giáo viên cũng như học sinh trước khi vào lớp; lắp thêm nhiều vòi nước sạch, chuẩn bị đầy đủ xà phòng, nước rửa tay ở các phòng học… Học sinh được khuyến cáo đeo khẩu trang từ nhà đến trường và ở trong lớp học.
Theo cô Tôn Nữ Bích Trúc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Sóc Trăng): “Nhà trường tổ chức đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn cho các em trước khi vào lớp. Trước cửa mỗi lớp nhà trường đều trang bị nước rửa tay sát khuẩn để các em sử dụng sau mỗi giờ học. Đồng thời trường mua khẩu trang y tế phát tận lớp cho những em nào không có hoặc quên mang vào trường. Đảm bảo 100% học sinh trong lớp đều đeo khẩu trang”.