Đây là dịp để cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh, còn các địa phương khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trước kỳ thi.
Phân quyền, phân cấp
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng: Kỳ thi THPT quốc gia chuyển sang Kỳ thi tốt nghiệp THPT là việc đã nằm trong lộ trình và chiến lược về chuyển đổi giáo dục, thực hiện đúng theo tinh thần của Luật Giáo dục 2019. Theo quy định, Kỳ thi tốt nghiệp THPT là để cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh sau 12 năm đèn sách.
“Khi tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm theo phân cấp quản lý. Nhiều người nói, vì lý do dịch bệnh Covid-19 nên chúng ta phải chuyển từ Kỳ thi THPT quốc gia sang Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôi cho rằng, dịch bệnh khiến chúng ta thích ứng nhanh hơn với thực tiễn và với quy định của Luật Giáo dục 2019. Như vậy, chúng ta chủ động chứ không hề bị động” - đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, bất cứ sự thay đổi nào cũng có những e ngại nhất định. Dù chúng ta làm tốt bao nhiêu đi nữa, cũng sẽ có những ý kiến chưa đồng tình. Nhưng không thể nói, việc chuyển từ Kỳ thi THPT quốc gia sang Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ làm khó cho các trường đại học trong tuyển sinh. Bởi tuyển sinh thuộc về quyền tự chủ của các trường, Bộ GD&ĐT không đứng ra làm thay cho các trường được.
“Thẳng thắn mà nói, sự thay đổi này đã tăng thêm vai trò tự chủ của các trường đại học. Đơn vị nào làm tốt sẽ chủ động phương án, đơn vị nào yếu, kém thể hiện sự lúng túng và bị động. Hơn nữa, Bộ GD&ĐT có hướng xử lý khá mềm dẻo, đó là: Vẫn tính 3 đầu điểm với mỗi bài tổ hợp - Kỳ thi tốt nghiệp THTP 2020. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho trường đại học xét tuyển” - đại biểu Hoàng Văn Cường trao đổi.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng: Đây không phải là kỳ thi để lựa chọn, mà để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của các đơn vị giáo dục. Các địa phương phải tăng cường vai trò trách nhiệm của mình để bảo đảm chất lượng của kỳ thi này. “Muốn quản lý quá trình giảng dạy tốt, phải tuân thủ quá trình dạy và học. Có như vậy, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tốt. Tôi cho rằng, đây là trách nhiệm, mối quan hệ biện chứng trong hoạt động quản lý giáo dục ở địa phương” – đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, phương thức tổ chức không thay đổi nhiều, chỉ làm rõ phân quyền, phân cấp. Các cơ sở giáo dục và thí sinh vẫn ổn định việc dạy - học thật tốt để có tâm thế sẵn sàng bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Phù hợp với thực tiễn khách quan
Cùng quan điểm, đại biểu Lê Tuấn Tứ - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Việc Chính phủ, Bộ GD&ĐT quyết định phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thay vì tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm hoàn toàn phù hợp với thực tiễn khách quan. Quyết định này không có gì đột ngột và không gây khó khăn cho cơ sở giáo dục đại học cũng như trường THPT và thí sinh.
Ngoài ra, việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là phù hợp với quy định của Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7). Ở kỳ thi này, Bộ GD&ĐT vẫn ra đề thi. Việc coi thi, chấm thi sẽ thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các địa phương. “Tất nhiên, Bộ có thể thành lập đoàn kiểm tra, giám sát kỳ thi, nếu thấy cần thiết có thể mời thêm cán bộ của trường đại học cùng tham gia công việc này” - đại biểu Lê Tuấn Tứ nêu ý kiến.
Theo đại biểu Lê Tuấn Tứ, các trường THPT và thí sinh hoàn toàn yên tâm, vì kỳ thi chắc chắn sẽ không có tác động lớn đến việc dạy - học, cũng như không gây xáo trộn đến hoạt động giảng dạy, ôn tập của thầy và trò. Trái lại, việc dạy - học còn nhẹ nhàng, giảm áp lực hơn, vì mức độ đề thi theo nội dung chương trình đã tinh giản.
Là Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thánh Tôn (Nha Trang, Khánh Hòa), đại biểu Lê Tuấn Tứ quan niệm: Hãy coi đó việc bình thường, đừng nâng quan điểm hoặc hiểu theo chiều hướng không tốt. Khi ấy mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng và chúng ta hoàn toàn chủ động để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng. Do đó, việc dạy - học của thầy và trò Trường THPT Lê Thánh Tôn vẫn diễn ra bình thường, tâm lý ổn định, không hoang mang, lo lắng. Nhà trường sẵn sàng tham gia cả về nhân lực, vật lực để phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 nếu Sở GD&ĐT Khánh Hòa trưng cầu.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, về mặt tổ chức, vai trò của địa phương tăng lên, và vai trò của Bộ GD&ĐT sẽ giảm dần. Tiến tới không nhất thiết Bộ GD&ĐT là đơn vị ra đề thi, mà địa phương có thể sử dụng các bộ đề thi chuẩn. Bộ có thể đứng ra hỗ trợ và làm công tác quản lý Nhà nước, chứ không phải thay công tác chuyên môn cho cơ sở.