Trong khó khăn, hoạn nạn, đã có nhiều câu chuyện đẹp, nghĩa cử cao cả thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”.
Các cơ sở giáo dục đại học cũng có những hành động kịp thời, ý nghĩa, phát huy tinh thần cao đẹp này qua việc ủng hộ đồng bào vùng lũ nói chung và quan tâm đến cán bộ, giảng viên, đặc biệt là sinh viên bị ảnh hưởng bởi thiên tai nói riêng. Đến nay, nhiều trường đã có phương án hỗ trợ người học cả về học tập và tài chính, bảo đảm không có sinh viên nào bị bỏ lại phía sau trong hành trình khắc phục hậu quả bão lũ.
Có thể kể đến Trường ĐH Kinh tế TPHCM dành 1 tỷ đồng trao 100 suất học bổng cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn ở 26 địa phương miền Bắc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão số 3; đồng thời giãn thời gian đóng học phí học kỳ đầu năm 2025 đến ngày 15/1/2025 thay vì tháng 11/2024 như thông lệ.
Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) hỗ trợ 46 triệu đồng cho 12 sinh viên có gia đình bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Sinh viên hệ chính quy Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có gia đình bị thiệt hại được hỗ trợ 1 triệu đồng/em. Sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội bị ảnh hưởng của bão được bố trí chỗ ở trong ký túc xá, cho mượn máy tính, gửi đồ ăn, nước uống; trường hợp gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng được đăng ký học bổng Trần Đại Nghĩa với hai mức tương đương 50% và 100% học phí một học kỳ.
Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông trích 500 triệu đồng hỗ trợ sinh viên đại học chính quy có gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do bão lụt. Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải hỗ trợ 20 sinh viên hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi bão và hoàn lưu sau bão, mỗi em 5 triệu đồng…
Ở Việt Nam, hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập tại các cơ sở giáo dục đã trở thành chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước như học bổng, miễn giảm học phí, vay tín dụng. Ngoài ra, tùy điều kiện thực tế, mỗi trường đều có chính sách hỗ trợ riêng… giúp sinh viên nghèo cũng thực hiện được ước mơ đại học, góp phần bảo đảm công bằng trong giáo dục.
3 năm học vừa qua (từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2022 - 2023), các cơ sở giáo dục đại học công lập đều nghiêm túc thực hiện chủ trương của Chính phủ, giữ ổn định mức học phí để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, sinh viên do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Học phí năm học 2023 - 2024 vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP, lùi một năm so với lộ trình học phí tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Đây là chính sách nhân văn, các trường đại học nhận phần khó về mình để tạo thuận lợi cho người học. Bởi trên thực tế, khung và mức thu học phí còn thấp, chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo; nhiều trường vẫn khó khăn trong cân đối nguồn thu để nâng cao chất lượng.
Tuy nhiên, hỗ trợ người học không chỉ là vật chất. Những biện pháp giúp sinh viên đến trường bảo đảm an toàn; hỗ trợ về tinh thần; giải pháp để bảo đảm sinh viên không bị gián đoạn trong quá trình học tập… cũng cần được quan tâm.
Ví dụ, việc dừng hoặc không tổ chức khai giảng để lấy kinh phí ủng hộ đồng bào vùng lũ được một số trường thực hiện cũng là một cách đồng hành đầy ý nghĩa để sẻ chia đau thương, mất mát với đồng bào vùng lũ nói chung, những sinh viên của nhà trường bị ảnh hưởng bão lũ nói riêng.
Tác giả bài viết: Thảo Đan
Ý kiến bạn đọc